- Cuộc chiến giữa ban quản lý và cư dân dường như không cân sức, bởi chủ đầu tư luôn “nắm đằng chuôi” và có đủ cách để bắt chẹt cư dân. Nhiều người đã bỏ hàng tỷ đồng để mua những căn hộ cao cấp, của những chủ đầu tư 'hàng đầu' để rồi bẽ bàng nhận lại những dịch vụ kém và cú trả đũa không ngờ.

Thời gian qua, tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý các tòa nhà chung cư ngày càng trầm trọng. Nhiều vụ việc phải đưa nhau ra tòa rất phổ biến và thiệt thòi luôn thuộc về khách hàng.

Điển hình, giữa cái nắng gần 40 độ C ở Hà Nội, một số hộ dân sống tại tòa CT1B, chung cư Nam Đô Complex tá hỏa vì bị mất nước, trong khi các nhà xung quanh vẫn có nước sinh hoạt bình thường. Cách hành xử của ban quản lý chung cư ngang nhiên cắt nước sinh hoạt giữa lúc thời tiết nắng nóng đã khiến cư dân tại đây bức xúc.

Khi cư dân tìm hiểu về sự việc này thì được biết, ngày 23/5, đại diện ban quản lý đã ký một văn bản yêu cầu bộ phận kỹ thuật của tòa nhà cắt nước một số hộ dân với lý do chưa nộp phí dịch vụ. Được biết, từ quý II/2014, chủ đầu tư dự án này đã có thông báo tăng phí dịch vụ lên 5.000 đồng/m2. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ được các hộ dân phản ánh là không tương xứng với mức phí mà cư dân bỏ ra.

{keywords}

Không thu được phí trông xe, ban quản lý Mipec chặn tầng hầm

Một vụ việc khác, do bất đồng về phí trông giữ xe, ban quản lý khu nhà The Manor Hà Nội đã cấm người dân sống tại đây đưa xe ô tô vào tòa nhà. Hệ lụy, hàng chục ô tô trị giá bạc tỷ bị “phơi sương” ngoài đường, còn cư dân phải thức trắng đêm để trông giữ xe.

Sau The Manor, Sky City, đến lượt cư dân sống tại khu căn hộ Mipec Tower đối đầu với chủ đầu tư vì ban quản lý tự ý nâng phí gửi xe máy từ 45.000 đồng lên 100.000 đồng mỗi tháng. Đại diện dân cư tại đây cho biết, hạn cuối cùng nộp tiền phí gửi xe máy tháng 5 là vào ngày mùng 5. Do trễ 3 ngày nên ban quản lý tòa nhà yêu cầu bảo vệ chặn xe những người chưa nộp tiền theo mức giá mới.

Cụ thể, đầu tháng 5, cư dân sinh sống tại chung cư Mipec đi vào hầm gửi xe bất ngờ bị lực lượng bảo vệ chặn lại bằng rào chắn. Xe máy không vào được tầng hầm làm hơn 30 chiếc ôtô ùn tắc theo, nối đuôi nhau phủ kín từ cửa tầng hầm đến sảnh phía trung tâm thương mại. Đến 22h đêm, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Hàng dài xe vẫn ùn tắc tới tận sảnh trung tâm thương mại.

{keywords}

Keangnam dọa cắt dịch vụ nếu cư dân không đóng phí

Tranh cãi về thu phí dịch vụ, phía Ban quản lý tòa nhà Keangnam đã đơn phương “cấm cửa” thang máy và cắt điện của gần 400 hộ dân tại đây... Không chịu được cách hành xử này, toàn bộ cư dân chung cư cao cấp Keangnam đã kéo đến “quây” khu vực làm việc của Công ty Chestnut Vina, đơn vị quản lý tòa nhà, đòi lại quyền lợi của mình.

Trước đó, để ép cư dân phải đóng mức phí “khủng” do Keangnam đơn phương đưa ra, ban quản lý tòa nhà đã dán thông báo dọa sẽ cắt các dịch vụ, trong đó có thang máy. Sau đó, họ còn tháo gỡ rất nhiều bóng đèn to nhỏ tại các sảnh, hành lang, lối ra hầm đỗ xe, bên trong hầm đỗ xe, các khu vui chơi sinh hoạt công cộng, đèn chiếu sáng sân vườn...

Theo luật sư Lê Minh Toàn, có thể thông cảm với các chủ đầu tư và đơn vị quản lý, nhất là tại các tòa nhà cao cấp, về lý do mức thu phí quá thấp sẽ khiến họ thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng cần phải xác định, đây là một hoạt động mang tính hỗ trợ chứ không phải nhằm mang lại lợi nhuận. Do đó, mức phí bao nhiêu cần có sự thỏa thuận thống nhất với ban quản trị, ban đại diện cư dân ở các chung cư, theo đúng tinh thần của Pháp lệnh về phí và lệ phí cũng như của các văn bản hướng dẫn liên quan. 

{keywords}
Cư dân phản đối chủ đầu tư bằng việc mang bếp lò ra quạt

Bên cạnh đó, không thể không nói đến trách nhiệm của người mua/cư dân trong việc tìm hiểu cặn kẽ các quy định của pháp luật về nhà ở, bất động sản, pháp luật dân sự, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, khiếu nại... ngay khi ký vào hợp đồng mua bán. 

Có thể thấy, trước hàng loạt các tranh chấp tại các chung cư, người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt bởi trước hết họ chính là người trực tiếp sống tại các căn hộ và hàng ngày phải đối mặt với những bất cập, nguy hiểm, đặc biệt là những thiệt hại về kinh tế.

Trong khi nhà quản lý vẫn còn lúng túng trong giải quyết các tranh chấp về nhà ở chung cư, luật pháp vẫn chưa có những điều khoản rõ ràng và hướng dẫn cụ thể thì có lẽ người tiêu dùng nên tìm hiểu những thông tin cần thiết để giảm thiểu những rủi ro khi quyết định mua một căn hộ chung cư.

D.A