- Những dấu hiệu hồi sinh đã đến với nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư khi có thêm những nguồn lực mới. Nhiều đại gia BĐS đã tìm được niềm vui khi có nguồn lực 'chống lưng' để đổi vận.
Chuyện cũ thời 'sa cơ'
Dân đầu tư BĐS hẳn vẫn chưa thể quên khó khăn mà Công ty cổ phần bất động sản AZ Land đã trải qua trong những năm biến động.
Ai cũng biết AZ Land là một đại gia nắm quỹ đất khá lớn, ở những vị trí đẹp được săn lùng. Nhưng, do sai lầm đầu tư dàn trải, cộng với việc các nhà đầu tư rút vốn, những dự án một thời bán chạy như Vân Canh, Lâm Viên, Sky... rơi vào thế bế tắc.
Trong hai năm cơ cực của thị trường, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch AZ Land, phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sống còn. Ông Sơn không thể quên những buổi làm việc căng thẳng với những khách hàng nằng nặc đòi rút vốn, những cuộc đàm phán cam go để thuyết phục ngân hàng về tính khả thi của các dự án... Thời đó, không ít người nghĩ đại gia này sẽ gục.
Chính vì thế, nhìn lại ông Sơn tiếc rẻ, nếu khủng hoảng không xảy ra, DN của ông giờ đây chắc sẽ lớn không kém gì các "ông lớn" khác trên thị trường.
Chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các đối tác tư ngân hàng và nhà thầu hay nhà phân phối mà nhiều sự án đã đổi phận. |
Hà Nội Times Tower của PVR ở Hà Đông một thời rất đình đám nhưng cũng đã trải qua 2 năm điêu đứng. Dự án lớn của chủ đầu tư gắn mác dầu khí nên ngay từ khi mới chào hàng đã tạo nên một cơn sốt.
Nhưng trong sự biến động của thị trường, dự án đã đình trệ, kéo theo nhiều kiện cáo. Thậm chí, cả DN chủ đầu tư cũng đã trải qua nhiều thay đổi trong cơ cấu sở hữu, lãnh đạo. Từ một sự án hot, Hà Nội Times Tower đã từng trở thành một điển hình của thời thị trường sụt giảm.
Còn Usilk City của Sông Đà - Thăng Long từng là một niềm tự hào của một chủ đầu tư thuộc hàng 'lớn nhanh như thổi' trên thị trường. Một dự án đắt hàng từ khi chưa khởi công nhưng đã nhanh chóng bị vùi dập bởi khủng hoảng. Đến nay, Usilk City đã chậm bàn giao 2 năm so với hợp đồng nhưng không thể hoàn thành.
NH ngừng cho vay, khách hàng đòi rút vốn, phá bỏ hợp đồng hoặc không đóng tiếp tiền. Thậm chí, khi thực hiện cơ chế khách hàng tham gia kiểm soát tiến độ, tài chính dự án thì dự án vẫn không tiến lên được là bao. Usilk thành một hố sụt đau đớn cho cả chủ đầu tư và khách hàng.
Thời đổi vận
Tuy nhiên, dường như là một cuộc "lửa thủ vàng", những đại gia nào vượt qua được khó khăn lại đang được nhiều 'ông lớn' để mắt và có cơ hội hồi sinh khi tìm được những nguồn trợ lực từ bên ngoài.
Thị trường BĐS đang chờ đợi những sự hồi sinh. |
Cả bộ máy một thời 'bất động' nay đang phải guồng lên để tất bật, chạy đôn chạy đáo lo việc triển khai các dự án. Tuy nhiên, đó không còn là những cuộc đàm phán thâu đêm với những khách hàng để xử lý công nợ mà thay vào là phải chạy lo thủ tục vay vốn, chọn thầu để hồi sinh các dự án tiếp theo.
Mấy ngày gần đây, ông Sơn bận rộn hơn nhiều khi các dự án của AZ Land đang vào thời hồi sinh. Sau khi đạt được thỏa thuận với Agribank Nam Hà Nội về khoản vốn 400 tỷ đồng để AZ Land xây dựng dự án CT Number One, ông Sơn khẳng định rằng, thời điểm khó khăn nhất đối với DN đã qua. Những dự án của AZ Land như CT Number One, AZ Lâm Viên đã thi công trở lại theo đúng tiến độ. Những dự án khác như AZ Sky Định Công và Bright City cũng đã có lối thoát để tái khởi động.
Hà Nội Times Tower cũng tìm được hy vong khi mới đây đã đạt được thỏa thuân với Ocean Bank về vay vốn đề tiếp tục phát triển dự án. Trong khi đó, Tân Hoàng Minh cũng đã đạt được thỏa thuận với SHB và BIDV để đảm bảo nguồn vốn để thúc đẩy các dự án của mình.
Hàng loạt dự án khác như HP Landmark Tower được MB Bank tài trợ vốn để hoàn thiện dự án The Pride và tái triển khai toà tháp HP Landmark Tower. SHB bơm vốn để Phúc Hà Group thúc đẩy dự án Thăng Long Victory ở Nam An Khánh. Ở TP. Hồ Chí Minh, Novaland đã chi 3.000 tỷ đồng để thâu tóm rồi khởi động lại những dự án căn hộ từng nằm trùm mền và tung ra thị trường dưới cái tên mới như Icon 56, Galaxy 9 và Lexington Residences.
Bên cạnh vốn, vấn đề đau đầu nhất đối với những dự án tái sinh là đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, cùng với ngân hàng họ còn cần đến các nhà phân phối mạnh. Một nhà phân phối đã dám liều để chơi với các dự án dang này là STDA. STDA đã có kinh nghiệm giải cứu dự án BĐS bế tắc như Sails Tower, CT2 Tân Tân Đô, Xuân Mai Park State và mới đây là CT Number One.
Năm ngoái, STDA bán được tới hơn 1.300 sản phẩm bất động sản, nhiều hơn bất cứ nhà môi giới nào và trong 5 tháng đầu năm nay, sàn giao dịch này bán được tới gần 1.000 sản phẩm. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, ông Sơn ký hơn 150 hợp đồng bán căn hộ tại CT Number One. Trong đó không thể bỏ qua vai trò của nhà phân phối STDA.
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Giám đốc kinh doanh của STDA, STDA chấp nhận rủi ro phân phối độc quyền những dự án một thời gặp khó khăn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để bán được các dự án này là phải lấy được lòng tin của khách hàng, và điều đó đòi hỏi bàn tay hậu thuẫn của nhiều bên đối tác.
Chẳng hạn, đối với dự án CT Number One, Ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn bảo lãnh cho người mua nhà, nếu dự án chậm tiến độ thì người mua sẽ được hoàn trả cả tiền gốc và lãi. Theo STDA, với một dự án có giá rẻ thuộc dạng nhất thị trường, hơn 12 triệu đồng/m2 nên rất dễ cho khách chọn. Chính vì thế, STDA quyết định nhảy vào giải cứu dự án này, thậm chí, còn dám cam kết là nếu không bán được thì sẽ bỏ tiền ra mua lại.
Chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các đối tác tư ngân hàng và nhà thầu hay nhà phân phối mà nhiều sự án đã đổi phận. CT Number One được xem là một sự án may mắn và thị trường đang chờ đợi những sự hồi sinh từ những dự án khác.
Ngọc Duy