Những viên đá nằm ẩn sâu trong lòng núi ở xã vùng cao Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An thời gian qua đang tạo thành cơn sốt khi được các "đại gia" săn tìm...
Quỳ Hợp được thiên nhiên ưu ái cho sự phong phú về tài nguyên khoáng sản. Mảnh đất này vốn đã nổi tiếng với những mỏ đá đỏ đá trắng, đá hoa, quặng thiếc đã được khai thác rầm rộ từ nhiều năm về trước.
Ở xã Châu Thành, dù không có đá trắng, đá hoa và mỏ quặng thiếc cũng không nhiều nhưng lại có rất nhiều quặng sắt nguyên khối. Thời gian qua, những mỏ quặng sắt này đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp khai thác, chế tác thành đá phong thủy có giá trị thương phẩm rất cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Trong chuyến công tác về miền Tây xứ Nghệ với cái nắng hầm hập của đợt nóng kỷ lục cuối tháng 5, chúng tôi được nghe nhiều về loại đá này. Để thỏa trí tò mò, chúng tôi đã vào khu vực bản Cô, bản Mới xã Châu Thành để được chứng kiến cảnh khai thác, chế tác loại đá độc đáo này.
Theo người dẫn đường là dân địa phương, anh Lô Minh Long, người bản Cô, chúng tôi ngược lên con đường dốc đá quanh co để tìm đến những đồi đá mà người dân đang khai thác rầm rộ. Chừng 30 phút đi bộ, mồ hôi nhễ nhãi, chúng tôi tiếp cận được điểm khai thác ngay sát rừng keo của một gia đình người dân địa phương.
Tại khu vực khai thác, những hòn đá lớn nhỏ còn nguyên sơ được đưa lên khỏi mặt đất chất ngay ngắn để chở vận chuyển về bản. Hai thanh niên da rám nắng đang khoan xoèn xoẹt để tách một viên đá lớn có đường kính khoảng 5 mét.
Viên đá phong thủy này được chào giá đến 120 triệu đồng |
Một trong hai thanh niên giới thiệu tên Vang Văn Tuấn, người dân tộc Thái, ở bản Mới, do không có việc làm nên khi nhận thấy nhiều người có thu mua loại đá sắt nguyên khối này về để chế tác làm đá phong thủy nên đã bàn với anh em đưa nhau lên núi khai thác bán kiếm tiền.
"Đá phong thủy ở Quỳ Hợp mấy năm nay được nhiều người ở khắp nơi ưa chuộng, chủ yếu là "đại gia". Họ thường vào trong bản để đặt hàng, thấy nhiều người đi khai thác bán được giá nên chúng tôi cũng góp vốn mua máy khoan, máy nổ lên núi để khai thác đem bán kiếm tiền nuôi vợ con", anh Tuấn, tâm sự.
Cũng theo anh Tuấn, làm cái nghề tìm đá phong thủy lắm vất vả, gian truân. Do không có máy móc hiện đại nên để đào được những hòn đá nặng chừng vài tạ, thậm chí hàng tấn đến vài chục tấn là hết sức khó khắn, nguy hiểm. Đôi lúc, họ chỉ có công phát hiện rồi phải liên kết với một số cá nhận, doanh nghiệp có máy múc, máy móc công suất lớn để vào núi "câu hàng".
Khi đó tiền công chẳng được bao nhiêu. Tuy vậy, cũng có ngày kiếm được vài trăm nghìn, thậm chí có ngày may mắn kiếm được hòn đá đẹp được thương lái trả công đến cả triệu đồng. "Số tiền đó bọn em làm nông cả tháng chưa chắc đã kiếm được, vất vả mà có tiền nên cũng vui và hăng hái lắm", anh Tuấn cười tươi nói.
Tiếp tục cuộc hành trình trên các quả đồi ở bản Cô, bản Mới, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tốp khai thác đá để về làm phong thủy. Trên những đỉnh đổi, trong cái trưa hè nắng gắt luôn vang vọng tiếng máy khoan đá xoèn xoẹt.
Ở bản Cô và bản Mới thời gian gần đây có đến vài chục tốp lên núi để tìm đào đá phong thủy, những hòn đá vô tri nằm chỏng chở trên các quả đồi thuở nào giờ bỗng chốc có giá trị lớn nên hầu hết đã được khai thác hết.
Giờ đây, họ tiếp tục dò tìm dưới lòng đất để tìm kiếm cơ may. Tìm kiếm đá phong thủy dường như đã trở thành kế sinh nhai của không ít gia đình ở Châu Thành.
Viên đá 60 triệu đồng |
Dọc theo tuyến đường từ UBND xã Châu Thành vào bản Mới và bản Cô là những hòn đá nguyên khối nằm lăn lóc ven đường để chờ lên xe về xuôi hoặc vào xưởng chế tác. Theo những "phu đá” có thâm niên trong nghề khai thác đá làm phong thủy, những người dân trực tiếp khai thác chủ yếu là bán thô nên giá trị không lớn.
Khi đưa về các xưởng chế tác, sau đó, qua bàn tay nhào nặn của những thợ, lành nghề thì giá trị của những hòn đá tăng lên gấp nhiều lần. Lợi nhuận của đá phong thủy nằm ở khâu này, vì thế nhiều người có tay nghề về chế tác đá phong thủy đá trở nên giàu có chỉ sau một thời gian ngắn.
Nằm gần một mỏ quặng sắt đang được một doanh nghiệp khai thác ta tại bản Cô là xưởng chế tác đá mỹ nghệ của anh Chung. Đây là xưởng chế tác đá mỹ nghệ đã được hình thành từ vài năm nay do nhu cầu đá mỹ nghệ, đá phong thủy tăng cao.
Anh Chung cho biết: "Xưởng chế tác đá mỹ nghệ được lập lên từ mấy năm nay. Lúc đầu, ở trong vườn nhà có mấy viên đá thô nhưng nghe họ nói là mài ra sẽ rất bóng và đẹp. Sau đó, mình đào lên và nhờ mấy thợ có kinh nghiệm ở ngoài thị trấn về xem, họ đưa máy về mài ra hình thù và màu sắc rất đẹp, bán được mấy chục triệu đồng. Từ đó mình học cái nghề này và dần hình thành xưởng chế tác như bây giờ".
Những khối đá phong thủy thô đang được tập kết chuẩn bị vào xưởng chế tác
Anh Chung dẫn chúng tôi đi xem những sản phẩm đã hoàn thiện, chuẩn bị giao cho khách, những viên đá phong thủy được mài bóng loáng với nhiều hình thù và màu sắc rất bắt mắt. Một viên đá vừa được thợ hoàn thiện, có đường kính chừng 40cm, chiều cao 65cm, có lắp chân đế, màu xanh nâu, bóng nhẵn rất đẹp được anh Chung tiết lộ là có khách đặt với giá 55 triệu đồng.
"Khối đá này mình mua thô với giá 5 triệu đồng, sau hơn 2 tuần kỳ công chế tác giờ có giá 60 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, lời được không dưới 20 triệu đồng", anh Chung khoe. Một viên đá khác có đường kính chừng 60 cm, chiều cao khoảng 1,5 mét với nhiều vết lồi lõm rất đều, có màu xanh đen được đặt ngay trước cửa nhà, được giới thiệu là đã có khách đặt với giá 120 triệu đồng...
Hàng chục viên đá phong thủy đã được hoàn thành chỉ còn chờ khách đến nhận có giá giao động từ 5 đến 120 triệu đồng được anh Chung giới thiệu tỷ mỉ khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp, độ bắt mắt cùng với mức độ "siêu lợi nhuận" của nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Châu Thành.
Ông Lô Minh Dương, Chủ tịch UBND xã Châu Thành, cho biết: "Đá thô nguyên khối để làm đá phong thủy ở xã chúng tôi có rất nhiều nhưng nằm phân tán. Thời gian gần đây, thấy giá trị cao nên người dân đã đổ xô đi đào gây nên tình trạng hỗn lọan tại địa phương, gây ô nhiễm môi trường.
Vì thế, chúng tôi đang nghiên cứu để kiến nghị cấp trên có biện pháp hợp lý, như cấp phép cho một doanh nghiệp nào đó khai thác để đảm bảo an ninh, an toàn và thu được ngân sách cho nhà nước, tránh thất thu thuế tài nguyên".
(Theo DNSG)