- Qua nửa đầu năm, trong khi các ngân hàng (NH) đang bế tắc với đầu ra tín dụng thì nợ xấu không ngừng lớn lên. Trong khi đó, triển vọng kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là thách thức lớn để các NH kiếm lãi và giảm nợ.

DN khó khăn, NH bí đầu ra

Mới đây, quan chức Vụ Chính sách Tiền tệ - NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 6 mới chỉ đạt 2,3%. Còn con số mới nhất được Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến công bố ở Họp báo Chính phủ thường kỳ là 3,2%.

Dù chọn con số nào vẫn là một mức thấp, chỉ đạt khoảng ¼ mục tiêu cả năm. Mức tăng trên còn thấp hơn so với cùng kỳ 2013 (4,7%), cho dù đã cao hơn mức cùng kỳ so sánh năm 2012 (1,5%). Dù kinh tế được đánh giá đang hồi phục, dù quy luật tín dụng thường tăng cao trong nửa cuối năm nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt từ 12-14% đang bị thách thức.

Tiền bí đầu ra, các NH không còn cách nào khả dĩ hơn là đi mua trái phiếu. Mặc dù lãi suất thấp nhưng lại an toàn bởi vì việc tìm được khách hàng, nhất là DN tốt để cho vay là quá khó.

Theo ông Tiến, tín dụng tăng trưởng thấp có nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế, như sức cầu của nền kinh tế yếu.

Sức cầu yếu mà ông Tiến nhắc đến có lẽ nhìn thấy rõ nhất qua sức khỏe của cộng đồng DN. Cho đến nay, con số về việc DN phá sản hay dừng hoạt động vẫn ở mức khá cao.

{keywords}

Trong khi các ngân hàng đang bế tắc với đầu ra tín dụng thì nợ xấu không ngừng lớn lên.

Tại Đà Nẵng, đơn vị thu thuế báo cáo với Thành ủy cho thấy, trong 6 tháng qua có đến hơn 1.300 DN trên địa bàn gặp khó khăn phải ngừng sản xuất, giải thể... Trong khi đó, trọng điểm kinh tế Hà Nội, đến hết tháng 5, số DN đăng ký thành lập mới 1,5%, trong khi số ngừng hoạt động tăng gần 5% so với cùng kỳ. Cụ thể, số DN trên địa bàn ngừng hoạt động lên đến 5.372.

Trước đó, số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong tháng 5/2014, VN có 5.499 DN thành lập mới - giảm trên 25% so với tháng trước. Trong khi đó, số DN giải thể, dừng hoạt động lên tới 6.713 doanh nghiệp - tăng 33%. Tính chung 5 tháng đầu năm, số DN giải thể, dừng hoạt động là 27.867 và tiếp tục tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng DN buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng giảm.

DN còn khó khăn thì triển vọng kinh doanh của giới NH chắc không thể hy vọng sáng sủa. Khối DN vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất về tín dụng, dịch vụ của nên DN chưa khỏi khó khăn thì NH sẽ hứng chịu nhiều ảnh hưởng.

Thời gian qua, các NH đồng loạt tung các chương trình cho vay ưu đãi, giảm lãi suất... Tuy nhiên, hiệu quả tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. Với thực trạng DN như trên thì điều này là dễ hiểu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, dù được NH chào mời nhưng nhiều DN cũng tỏ ra 'cảnh giác' khi đã phải gánh chịu những đau đớn vì bị các NH 'chặt chém' lãi suất trước đây.

Nợ xấu, khối u giấu không nổi

Trong khi đường kiếm lãi qua tín dụng bế tắc thì NH đang phải đối mặt với sự tịnh tiến của nợ xấu. Khối u này xem ra chưa được khắc chế và ngày càng khó che đậy.

Theo dữ liệu NHNN vừa cập nhật, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng liên tiếp tăng và chính thức vượt mốc 4%. Cụ thể, sau khi giảm rất mạnh từ 4,55% tháng 11/2013 xuống chỉ còn 3,61% tháng 12/2013, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã liên tiếp tăng qua các tháng đầu năm 2014.

{keywords}

Trong khi đường kiếm lãi qua tín dụng bế tắc thì NH đang phải đối mặt với sự tịnh tiến của nợ xấu.

Tháng 1/2014, nợ xấu tăng trở lại và lên mức 3,74%, tháng 2/2014 lên 3,86%, tháng 3/2014 lên 3,93% và số liệu cập nhật mới nhất và gần nhất đến tháng 4/2014 đã chính thức vượt mốc 4% với 4,03%.

Nợ xấu tăng trở lại như đi ngược với mọi nỗ lực của các NH thương mại và các giải pháp của NHNN. Báo cáo của các NH thương mại vẫn cho thấy những thành tích xử lý nợ rất tích cực. Còn NHNN thông qua VAMC gỡ được khoảng 47 ngàn tỷ nợ xấu. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua con số cả trăm ngàn tỷ đồng sẽ là nợ xấu nếu các NH không được hưởng lợi từ các giải pháp hoãn, giãn, cơ cấu lại nợ trước đây.

Đứng trước thực tế này, nhiều chuyên gia đặt lại vấn đề cho rằng, những lo ngại về thực tế nợ xấu lớn hơn con số công bố và dường như thực tế này ngày càng lộ rõ khi các ngân hàng ngày càng khó che đậy và âm thầm nới dần con số nợ xấu.

Lý giải điều này, một chuyên gia cho rằng, DN khó khăn thì nợ xấu xấu thêm là điều dễ hiểu. Nếu như trước đây, nợ xấu tiềm ẩn trong nhóm 1 và 2 thì đến nay đã không cầm cự được buộc phải chuyển sang nhóm 3. Bên cạnh đó, trước đây, khi thực hiện cơ cấu lại nợ thì nhiều món nợ chưa thuộc dạng xấu nhưng đến nay phải ghi nhận nó theo đúng quy định vì hết bài cơ cấu lại.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm rất thấp, không giúp pha loãng tỷ lệ nợ xấu. Hơn nữa, các NH vẫn còn khó khăn nên xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu bằng các 'giải pháp kỹ thuật' hơn là tài chính thực. Chính vì không dùng tiền thật để xử lý nợ xấu nên các ngân hàng không dám cho DN đang gặp khó khăn vay tiền. DN không thể tiếp cận được nguồn vốn, phải giải thể khiến nợ xấu tăng lên, nó giống như một vòng xoáy liên tục và khó có thể thoát ra.

Khối u nợ xấu vẫn lớn lên và không thể tiếp tục che đậy. Điều này tiếp tục cảnh báo những khó khăn và điểm yếu cố hữu của các ngân hàng chưa dễ gì khỏa lấp được.

Ngọc Sơn