Nhiều nông dân tại xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song (Đăk Nông) do chí thú làm ăn đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tiền dư dả, hàng chục gia đình đã mạnh tay mua xe hơi để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và hàng ngày lái xe đi… thăm rẫy!
Ông cha ta có câu: “Tậu trâu, cưới vợ, xây nhà” là ba việc làm quan trọng cần thực hiện đối với một đời người. Riêng ở xã Thuận Hạnh (huyện Đăk Song, Đăk Nông) những mục tiêu này được nhiều người dân hoàn thành xuất sắc, nhưng thay vì tậu trâu, nhiều nông dân đã tậu… xe hơi để tiện bề đi lại.
Trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, có phần nhão nhoẹt vì cơn mưa lớn tối qua, ông Phạm Văn Thiếu (thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh) cố ghì chặt tay lái để giữ chiếc xe Toyota trị giá 1,1 tỷ đồng mới mua đi đúng làn đường.
Ruộng khoai của ông cách nhà khoảng 10 km, đường hơi khó đi, đang là mùa thu hoạch nên ông cũng gắng "cưỡi" con xe của mình ra ruộng để đốc thúc công việc, đồng thời luyện tập thêm tay lái. Được biết, gia đình ông có 4 ha cà phê và 4 ha trồng rau củ quả các loại. Sau ba năm liên tiếp trúng đậm do giá khoai cao, vợ chồng ông quyết định bỏ ra một khoản lớn để mua ô tô.
Ông Thiếu tự hào kể: “Những năm gần đây, khoai lang có đầu ra ổn định, thương lái về mua tận ruộng với giá cao nên kinh tế gia đình tôi đi lên trông thấy”. Với 8 ha trồng cà phê và khoai lang, mỗi năm nhà ông Thiếu thu nhập cả tỷ đồng. Hiện ông Thiếu có căn nhà ba tầng khang trang, một chiếc xe ô tô tải để phục vụ việc chuyên chở phân bón, nông sản; giờ lại mua thêm chiếc Toyota để phục vụ cho cả nhà đi chơi và thăm rẫy.
Ông Nguyễn Quốc Trọng tự hào bên chiếc xe hơi tiền tỷ của gia đình |
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Trọng (thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh) cũng đang sở hữu một căn nhà trị giá 2,2 tỷ đồng và 3 chiếc ô tô, trong đó có hai chiếc xe tải và một chiếc Huyndai giá hơn 1,3 tỷ đồng. Ông Trọng cho biết, ông rời Nam Định vào Đăk Nông lập nghiệp từ năm 1997, với số vốn chỉ có 700.000 đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn mà đến nay ông đã gây dựng nên khối tài sản trị giá hơn 20 tỷ đồng.
“Tôi có 3 ha cà phê, 2 ha tiêu, 2 ha khoai và bí đỏ cho thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ruộng rẫy thì ở xa, sức tôi cũng không còn như trước nên phải thuê nhân công, đầu tư để giữ sức. Hồi trước sống cực khổ rồi, giờ làm ra tiền phải để vợ con sống khá hơn chứ”, ông Trọng chia sẻ.
Theo thống kê của Trường CĐ nghề số 8, từ năm 2011 đến nay trường đã mở nhiều lớp dạy lái ô tô tại các xã trên địa bàn huyện Đăk Song với khoảng 300 học viên, trong đó 80% là nông dân. Sau khi kết thúc khóa học, nhiều nông dân đã mua ô tô để phục vụ cho gia đình mình.
Hiện, thống kê trên địa bàn xã Thuận Hạnh có hơn 50 chiếc ô tô con, trong đó loại đắt tiền trên 1 tỷ có khoảng 10 chiếc. Những hộ mua xe thường xuống các công ty đặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài đưa về, có những hộ có xe rồi mới đi học bằng lái.
Thuận Hạnh là một xã biên giới có khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ, đời sống của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp. Với phương châm “tấc đất tấc vàng” nên người dân Thuận Hạnh sử dụng tài nguyên đất vô cùng hợp lí, biết xen canh, tăng vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hạnh cho biết: “Các loại cây được đưa vào cơ cấu trên địa bàn là những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê. Bên cạnh đó các loại cây màu như khoai lang, bí đỏ, khoai môn, su hào cũng được trồng phổ biến và được thay đổi linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Năm 2013, Thuận Hạnh có 200 hộ đạt danh hiệu nông dân kinh doanh sản xuất giỏi”.
Công việc thuận lợi, thu nhập ở mức cao nên việc nhiều nông dân mua xe hơi không còn là điều lạ lẫm ở vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh này.
Tuy nhiên, tại đây cũng đã có hiện tượng nhiều nông dân chưa đủ lực, nhưng thấy hàng xóm sắm xe hơi cũng gồng mình tìm mua xe để nở mày nở mặt. Ông Nghiêm Xuân Dưng - Chủ tịch xã Thuận Hạnh cho biết: “Tại xã đang rộ lên phong trào nông dân đi học lái xe ô tô, phong trào này phát triển đến mức Trường Cao đẳng nghề số 8 phải cử cán bộ về tận xã mở lớp dạy lái ô tô cho nông dân”.
Hy vọng rằng, việc nông dân sắm ô tô tiền tỷ phản ánh đúng thực chất đời sống kinh tế của người dân chứ không phải là một trào lưu chạy theo hình thức.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)