- Nếu thi công chức vào các viện nghiên cứu về khoa học xã hội thì không chắc đã lộ đề như ở quản lý thị trường hay tắc nghẽn như ở cục thuế Hà Nội.

Năm nào thi biên chế thuế cũng đông

Trong 5 ngày tuần qua, khu vực trụ sở Cục Thuế Hà Nội ở phố Giảng Võ lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức.

Nắng cũng như mưa, những gương mặt trẻ ngồi chờ la liệt ngoài vệ đường, trên bãi cỏ của dải phân cách, trên vỉa hè chờ đến lượt nộp hồ sơ. Có người đi lại mất 3-4 ngày mới đưa hồ sơ qua cửa.

Số hồ sơ đạt mức kỷ lục, gần 9.000 nhưng chỉ tiêu tuyển chỉ có 340 người. Tỷ lệ chọi là 1/26.

Trên thực tế, "ngành thuế thi công chức bao giờ cũng đông như vậy, có chăng, năm nay đông hơn một chút", một vị lãnh đạo của ngành này bình luận.

{keywords}

Đông nghịt người xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức.

Năm nay, toàn bộ ngành thuế có chỉ tiêu 1.700 biên chế, phân bổ cho 21 Cục thuế các tỉnh, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Năm 2011, toàn ngành thuế có chỉ tiêu tuyển vào biên chế hơn 2.000 người, có 51 Cục thuế tỉnh tổ chức thi tuyển và 12 Cục thuế tỉnh, thành phố được xét tuyển. Con số đăng ký thi ban đầu cũng cao ngất ngưởng, với 43.000 hồ sơ, nhưng khi thi thật là 33.500 hồ sơ.

Năm ngoái, số hồ sơ thi công chức thuế ở TP Hà Nội cũng vào khoảng 5.000-6000.

Mới đây, Mới đây là vụ lộ đề thi nghiêm trọng ở kỳ thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương vừa bị phát giác. Tỷ lệ chọi còn cao hơn cả thi công chức thuế. Với 10 chỉ tiêu, có tới 299 hồ sơ đăng ký dự thi. Tỷ lệ chọi là 1/30.

"Vì sao, thi công chức hay cụ thể là vào thuế là có sức hút như vậy?". Thậm chí, không chỉ đông đúc trên thực tế mà mỗi lần có thi cử công chức lại có những tin đồn về chạy việc, thí chỗ...

Đầu năm ngoái, nhiều thông tin rộ lên, một suất công chức ở Hà Nội ngót nghét là 100 triệu đồng. Tính ra, con số này cũng phải bằng 10 tháng lương của một cấp trưởng phòng của một công ty tư nhân nhỏ.

Mang tiếng và được miếng

Những gì vừa diễn ra ở Cục Thuế Hà Nội hay Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chứng tỏ, làm Nhà nước tuy 'ba cọc ba đồng' nhưng vẫn đầy hấp dẫn.

Thực tế, lương ngành thuế rất thấp, dù cho hiện nay chế độ phụ cấp mới đã cho mức lương cao hơn nhiều so với các năm trước và với các ngành khác.

{keywords}

Những gì vừa diễn ra ở Cục Thuế Hà Nội hay Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chứng tỏ, làm Nhà nước tuy 'ba cọc ba đồng' nhưng vẫn đầy hấp dẫn

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, năm đầu tiên trúng tuyển, những cán bộ này chỉ là công chức tập sự, hưởng 85% lương tối thiểu. Sau 1 năm "thử thách" thì bắt đầu hưởng lương chính thức. Hệ số chuyên viên bậc 1 ban đầu là 2,34, sau 3 năm, hệ số bậc 2 là 2,67..., nhân với lương tối thiểu hiện hành là 1.150 triệu đồng/tháng. Như vậy, ít nhất trong 3 năm đầu làm công chức bình thường, lương chỉ được 2,691 triệu đồng và 3 năm kế tiếp, chỉ được tăng lên 3,070,5 triệu đồng/tháng.

Mới đây, Quốc hội đã cho phép lương của ngành thuế, hải quan được cộng thêm 0,8 lần hệ số phụ cấp vì tính chất công việc phức tạp. Nhờ đó, lương ngành này cao hơn hẳn các ngành khác, như một công chức bậc 1 được tới 4,8 triệu đồng/tháng, bậc 2 cũng được hơn 5,5 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, so với mức thu nhập tối thiểu ở đô thi, mà cũng là do ngành thuế tính để coi là mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân: 9 triệu đồng/tháng, thì mức lương trên chỉ bằng 50%.

Năm nay, Tổng Cục Thuế không tổ chức thi tuyển công chức nên nhu cầu vào ngành này dồn xuống các cục thuế..

Thêm vào đó, với tình trạng 70% sinh viên ra trường không có việc làm, DN thì giải thể, phá sản, DN mới thành lập không nhiều nên "hiện tượng ùn tắc" thi công chức trên chỉ là một áp lực về giải quyết việc làm.

Tuy vậy, đổ xô thi vào thuế có phải vì ngành này có nhiều bổng lộc như các DN phản ánh. Ngay cả Bộ trưởng Tài chính chính Đinh Tiến Dũng đã nói thẳng trước cán bộ ngành thuế: "Cán bộ thuế toàn ăn vặt. Ngay cả việc mua hóa đơn, người nộp thuế phải đi lại nhiều cơ quan, thậm chí nhiều trường hợp phải chi bồi dưỡng cho cán bộ thuế".

Một thực tế được nhiều DN phản ánh, chuyên gia cảnh báo: Tâm lý doanh nghiệp nói chung là "sợ" cán bộ thuế. Vì hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp thường dễ bắt lỗi. Mỗi khi có cuộc kiểm tra, không ít thì nhiều, doanh nghiệp đều biết điều để được cho qua...

Thậm chí, lãnh đạo một bộ khác đã không ngần ngại phản ánh với lãnh đạo với Bộ Tài chính là có tình trạng cưa đôi, chi phần trăm bồi dưỡng cho cán bộ thuế để giảm số thuế phải nộp.

Những cuộc điều tra ý kiến DN về môi trường kinh doanh hay tính minh bạch trong quản lý nhà nước đều phản ánh một thực tế là công chức ở nhiều ngành như: đầu tư, xây dựng, đất đai... thuế một bộ phận không nhỏ thường có hành vi gây khó khăn và để được việc phải có chi phí bôi trơn, bồi dưỡng... Vì thế, chi phí không chính thức là một khoản đáng kể trong hoạt động của DN.

Trong buổi làm việc mới đây của Thủ tướng với ngành thuế, người đứng đầu Chính phủ đã nhắc nhở, tổ chức ngành thuế chưa thích hợp với cơ chế mới Phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ thuế còn yếu kém (nhũng nhiều, tiêu cực, kém trách nhiêm...)

Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường minh bạch trong quản lý thuế và xây dựng chính sách thuế. Tập trung cải cách mạnh thủ tục hành chính thuế... kiên quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý thuế...

Thực tế, con sâu làm rầu nồi canh ở đâu cũng khó tránh. Ngành thuế luôn cần công chức giỏi và các bạn trẻ nộp đơn thi đông là điều mừng để lựa chọn. Nhưng làm sao những người mới vào không còn nhiễm cái tính ăn vặt và làm sao để ngành thuế không còn bị kêu ca. Điều đó có phần nào bắt đầu từ những cuộc thị tuyển như trên đây

Phạm Huyền