- Hết tính chuyện cấm uống bia rượu sau 22 h, giờ lại đến dự thảo cấm bán bia vỉa hè, trong khi phương Tây họ vẫn bán. Lạ thay, chính đơn vị soạn thảo cũng biết là khó thực hiện, nhưng vẫn muốn đưa vào.
Biết “bó tay” từ khi soạn thảo
Tới đây, các hành vi như kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè; bán sản phẩm bia cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng rượu bia sẽ bị xem là vi phạm pháp luật.
Đó là nội dung dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia, do Bộ Công Thương soạn thảo, dự kiến sẽ ban hành năm nay.
Lại một lần nữa, người ta nghi ngờ: liệu những quy định trên có khả thi? Đặc biệt, với tình trạng kinh doanh bia vỉa hè cũng như thói quen uống bia vỉa hè của người dân phổ biến ở các đô thị lớn, kéo dài hàng chục năm qua, thì cơ quan chức năng có dễ dàng thay đổi được “tập quán” này?
Theo dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đưa ra, tới đây sẽ cấm bán bia trên vỉa hè. |
Trả lời báo Pháp luật TP.HCM, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đơn vị tham mưu soạn thảo nghị định, thừa nhận, đúng là việc xác định người nào có biểu hiện say bia, say rượu, phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hiện chưa có quy định hay quy chuẩn cụ thể để nhận biết, xác định. Vấn đề ở đây là ý thức tự giác từ người bán và người mua. Không chỉ ở Việt Nam, các nước cũng rất khó giám sát và áp dụng các chế tài đi kèm đối với việc này.
“Ý tưởng quy định là vậy nhưng thực tế đòi hỏi ý thức tự giác của người dân là quan trọng nhất” - ông Dũng nói.
Hay đối với quy định cấm kinh doanh bia trên vỉa hè, ông Dũng cũng cho rằng đây là vấn đề không đơn giản. Bởi, các nước văn minh vẫn cho phép bán bia vỉa hè, nhưng tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và dành không gian cho người đi bộ.
“Uống bia vỉa hè văn minh thì không sao. Tôi đã có dịp sang Pháp và Ý, ở đó họ vẫn cho phép bán bia vỉa hè nhưng rất quy củ, sạch sẽ. Đây cũng là câu chuyện ý thức”.
Ông Dũng lý giải thêm, rằng thực tế ở nước ra kinh doanh vỉa hè còn nhếch nhác, mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, thậm chí còn gây mất an ninh trật tự,... nên cần đưa vào quy định. Tuy nhiên, bản thân ông cũng nhận thấy quy định này rất khó thực hiện. Trước đây, Việt Nam cũng đã có quy định cấm bán rượu bia ở đường giao thông, bến xe,... nhưng ít khả thi.
“Chúng tôi sẽ xem lại việc này, tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, việc hạn chế bán bia ở cổng trường học, trong công sở... thì được chứ cấm ở vỉa hè là rất khó vì cái này nó giống như văn hóa tiêu dùng rồi. Ở nhiều nước thì người ta cấm được, nhưng ở ta, điều khoản cấm ở vỉa hè là rất khó khả thi” - một quan chức khác của Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm trên báo chí.
Ông Dũng cho hay, các quy định trên mới là dự thảo, mới dừng ở ý tưởng, cần lấy ý kiến của nhiều phía, trong đó có người dân. Trên tinh thần ấy, “có thể sau khi tham khảo, quy định này sẽ được đưa ra khỏi dự thảo nghị định và thay vào đó là đưa ra bộ quy chuẩn mới về kinh doanh vỉa hè để có hành lang pháp lý trong công tác quản lý, xây dựng đô thị văn minh hơn” - ông Dũng cho hay.
Nếu mục đích của cơ quan quản lý là nâng cao ý thức, giáo dục cho người dân tự giác thực hiện, như mong muốn của nhà làm chính sách, thì liệu có cần luật hóa hay chỉ nên đưa vào chương trình tuyên truyền và giáo dục trong nhà trường, cộng đồng?
Uống bia vỉa hè gần như thành một nét văn hóa của người phố cổ (ảnh Zing) |
Lại quy định của 'ông trên trời'?
Theo tờ trình của Bộ Công Thương, nghị định trên nếu ra đời sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh đối ngành bia, mang lại những tác động tích cực đối với xã hội, như giảm thiểu tác động xấu tới sức khỏe của người sử dụng, đảm bảo trật tự an ninh,... Thị trường bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) sẽ tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách...
Bộ Công Thương ước tính, sau khi nghị định có hiệu lực, thuế thu về cho ngân sách nhà nước ước tính tăng thêm khoảng 3.150 tỷ đồng/năm. Phí để thực hiện việc cấp giấy phép sản xuất bia ước tính 3,5 tỷ đồng mỗi năm.
Trả lời báo Thanh niên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, trước đây, Bộ Công Thương đã có nghị định quản lý về rượu, nay có thêm nghị định quản lý về bia thì rất tốt, cụ thể hóa một bước nữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.
Song, rất nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về tính thực tiễn của dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: “Một chính sách như thế này, theo tôi, nó không khác lắm so với các chính sách, dự thảo chính sách trước đây như dự thảo cấm bán bia rượu sau 20 giờ hay biển xe chẵn đi ngày chẵn, biển xe lẻ đi ngày lẻ, hay ngực lép không được lái xe...”.
Trong khi đó, hiện có rất nhiều lĩnh vực cần tập trung xây dựng chính sách để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh, thực phẩm... hàng ngày, hàng giờ làm cho hàng ngàn người thiệt mạng. “Cần tập trung nghiên cứu chính sách xây dựng để triển khai, xử lý những bất cập trên, thay vì đề ra những chính sách đâu đâu, xa rời thực tế”, ông Phú nhận xét.
Ng. Hà (tổng hợp)