- Việc nghiên cứu đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua vùng trời Lào, Campuchia là vì hành khách, vì DN chứ không phải vì cá cược thắng - thua của cá nhân nào. Để sử dụng tài nguyên bầu trời hợp lý, tới đây, sẽ xem xét nắn thêm nhiều đường bay khác.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định như vậy tại buổi làm việc sáng 10/9 với Cục Hàng không, đại diện Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không không quân, các hãng hàng không nội địa... về đường bay thẳng, sau khi có kết quả bay thử nghiệm.
Bay thẳng: cần thiết trong mọi trường hợp
Bộ trưởng Thăng một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM. “Ở đây, vấn đề là hiệu quả của doanh nghiệp, lợi ích của người dân chứ không phải là sự thắng - thua, sự đánh cược của cá nhân nào. Mục tiêu cuối cùng là để hành khách hài lòng”, Bộ trưởng nói. Việc nắn đường bay, rút ngắn hành trình cũng chỉ là một trong những giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của ngành hàng không.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã báo cáo kết quả bay thử nghiệm SIM, theo phương pháp tối ưu, cho thấy đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất đã tiết kiệm được quãng đường 85km, thời gian bay 5 phút và 190 kg nhiên liệu. Các thông số trên đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) công nhận là chính xác, đáng tin cậy.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cần tiếp tục nghiên cứu xem xét quy hoạch vùng trời, cảng hàng không để sử dụng hợp lý (ảnh VTC) |
Đại diện Bộ Quốc Phòng, Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, cùng chung nhận định, kết quả thử nghiệm vừa qua là đáng tin cậy, và việc chúng ta tiết kiệm chỉ 2 giây bay cũng quý.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay, trung bình mỗi năm, có 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Tính sơ bộ 5 ngày tránh bão, với 70 chuyến mỗi ngày trên đường bay trục, ít nhất 350 chuyến bay phải bay vòng vèo, lệch sang Tây.
Nghi án phi công thích bay dài để câu giờ Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu vấn đề: có hay không việc các phi công chỉ muốn bay dài để được tính thêm giờ bay? Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho hay hãng hiện đã trả lương theo khoán, không tính bay theo giờ nên không có chuyện câu giờ. Ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng giám đốc VietJet Air, cũng cam kết hãng không trả lương theo giờ bay mà khoán một cục. |
“Trong mọi trường hợp, có đường bay thẳng vẫn tốt hơn không” - ông Thắng nhận định. Theo ông, đường bay thẳng sẽ giúp giải quyết tổng thể bài toán đường bay trong nước, giảm ách tắc trên đường bay trục. Các hãng hàng không cũng chủ động, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đường bay.
Minh chứng điều này, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho hay, thời gian qua, việc nắn chỉnh 20 đường bay đã tiết kiệm cho hãng tới 4.300 giờ bay một năm, kể cả khi đường bay tới Huế, Đà Nẵng giảm xuống chỉ 1 phút rưỡi cũng mang lại hiệu quả đáng kể.
Đại diện hàng không tư nhân VietJet Air, Phó Tổng giám đốc Lương Thế Phúc tiết lộ, với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, hãng này tiết kiệm tới vài nghìn USD/chuyến. Hoặc, khi làm việc với các đối tác Thái, hai bên đã đàm phán bớt được đáng kể chi phí bay cho một chuyến chặng Sài Gòn - Bangkok, từ 780 xuống còn 260 USD.
Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cũng cho hay, mỗi khi có bão, hãng phải bay vòng tránh sang phía Tây, mỗi chuyến bay lại phải xin phép, thủ tục rất phức tạp. Nếu có đường bay thẳng, hãng sẽ xin phép ngay từ đầu mùa mưa bão.
Nên bay thẳng chiều từ Nam ra Bắc
Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, liên quan đến đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM sử dụng không phận Lào, Campuchia, có 3 vấn đề cần tháo gỡ. Đầu tiên là mực bay. Hiện Lào chỉ đồng ý với mực bay FL240-FL280, ông Thanh khẳng định mực bay FL 280 không khả thi về mọi mặt, nên cần đàm phán với các nước bạn về mực bay tối ưu. Thứ hai là vùng trời. Đường bay thẳng sẽ đi qua nhiều vùng cấm bay của Hà Nội, như khu vực huấn luyện bay Thọ Xuân, Vinh, Cát Bi và Biên Hòa. Cuối cùng là chi phí quá cảnh cho một chuyến bay.
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc Đinh Việt Thắng đề xuất giải pháp đường bay thẳng sẽ bay chiều từ Nam ra Bắc, còn bay từ Bắc vào Nam vẫn theo đường bay trục hiện tại.
Đường bay thẳng thử nghiệm của Cục Hàng không |
Ông Thắng lý giải, từ TP.HCM ra Hà Nội qua rất nhiều sân bay, không chỉ Nội Bài mà cả Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân, Cát Bi... Nếu “nắn”, tất cả sẽ được hưởng lợi từ đường bay thẳng. Hơn nữa, các hãng hàng không bao giờ cũng muốn bay một chiều ổn định, tránh điều chỉnh độ cao lên xuống liên tục, giảm được rủi ro về không lưu. Phía Lào cũng dễ chấp thuận giải pháp này, bởi nếu bay thẳng cả hai chiều, mật độ bay tăng, cơ quan không lưu nước bạn sẽ không điều hành nổi do hạn chế về trang thiết bị cũng như trình độ nhân lực.
Vì thế, ông Thắng cho biết Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ phía bạn trang thiết bị và đào tạo miễn phí cho kiểm soát viên không lưu. Hiện tổng công ty đã chuẩn bị xong phương thức bay, chương trình khai thác, chỉ còn cài đặt dữ liệu hai đầu (mất 3 ngày là xong).
“Nếu thỏa thuận được với phía Lào, Campuchia và giải quyết xong về khu vực cấm bay thuộc Bộ Quốc phòng, thì chỉ 42 ngày sau là có thể bay được trên thực tế”, ông Thắng nói.
Phó Tổng giám đốc VietJet Air Lương Thế Phúc cũng nhất trí với phương án lượt đi bay Hà Nội - TP.HCM theo trục cũ, lượt về bay thẳng với điều kiện đàm phán được về giá.
Về phía Bộ Quốc phòng, trung tướng Phương Minh Hòa cho biết, với các khu vực cấm bay, tới đây khi bay giả định sẽ xem xét các tình huống có máy bay quân sự, từ đó tính ra mỗi ngày bay thẳng được bao nhiêu chuyến, thời điểm bay thế nào. Trừ khu vực Biên Hòa, với các khu vực Thọ Xuân, Vinh, Cát Bi sẽ dễ tháo gỡ hơn, không ảnh hưởng nhiều.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu để nắn nhiều đường bay, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM, sao cho hiệu quả hơn. Tổ công tác của Bộ sẽ sớm làm việc với cơ quan quản lý hàng không Lào, Campuchia để đàm phán các vấn đề còn vướng mắc. Trong tháng 9, Cục Hàng không có báo cáo để Bộ trưởng làm việc với Bộ trưởng Giao thông nước bạn, nếu cấp cao hơn sẽ kiến nghị lên Chính phủ để tháng 10, có kết quả cuối cùng về việc nắn đường bay Hà Nội - TP.HCM.
Ngọc Hà