Trong vòng một thập kỷ, Hoàng Hữu Kiều đã trở thành doanh nhân tầm cỡ quốc tế ở Mỹ với tên Kieu Hoang.

Nổi danh toàn cầu

Rời Việt Nam năm 1975, Hoàng Kiều cùng vợ và con sang định cư tại Mỹ. Sau 31 năm, ông trở thành chủ nhân của tập đoàn Raas (Rare Antibody Antigen Supply Inc) có mạng lưới rộng khắp nước Mỹ và chi nhánh tại Trung Quốc. Đây là một trong những hãng chuyên cung cấp huyết tương (blood plasma) lớn nhất thế giới. Công ty này đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn ở Trung Quốc, và hiện nay cung cấp một dòng sản phẩm liên quan đến máu và y khoa.

Ngành kinh doanh chính của Raas thời kỳ đầu chỉ là thu gom huyết thanh chuyên dụng cung cấp cho ngành công nghiệp phân tách. Một thời gian sau, Raas mở rộng phòng thí nghiệm và "bao" luôn dịch vụ thử nghiệm cho các cơ sở sản xuất huyết tương lớn của Hoa Kỳ như Cutters, Baxter, trung tâm điều trị Alpha... Chỉ hơn 10 năm sau, Raas đã xây dựng được hàng loạt trung tâm tách hồng huyết cầu ra khỏi dịch tương ở khắp vùng phía tây của Hoa Kỳ. 

{keywords}
Bản giới thiệu về ông Hoàng Kiều trên website

Năm 1987, ông đặt nền móng cho cơ ngơi của mình tại Trung Quốc bằng việc thành lập Công ty sản xuất huyết tương Shanghai Raas tại Thượng Hải. Để chuẩn bị cho các sản phẩm từ huyết tương do Công ty Raas Thượng Hải sản xuất thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hoàng Kiều lập thêm một công ty khác chuyên lo việc thiết lập kênh phân phối. Ông còn tổ chức rất nhiều hội thảo về sản phẩm do ông tự thuyết trình, tự marketing tại các cơ sở y tế. Hiện nay nhà máy của Raas ở Thượng Hải đã chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc.

Năm 1988, Raas Thượng Hải cũng là đơn vị đầu tiên ở Trung Quốc thương mại hóa ngành phân tách huyết tương và chỉ mấy năm sau đã đoạt luôn giải thưởng “doanh nghiệp đột phá công nghệ tiên tiến”. Ông Hoàng Kiều được chính quyền Thượng Hải phong tặng “Công dân danh dự”. 

Các chế phẩm từ huyết tương của Công ty Raas được sử dụng trong ngành huyết học và trong nhiều chuyên khoa khác nhau, xuất khẩu đi 30 quốc gia khác nhau. Raas trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba, đồng thời là một trong 10 công ty trên thế giới sản xuất các chế phẩm từ huyết tương. Quốc hội Mỹ cũng ít nhất 3 lần cấp bằng “Nhân vật của năm” cho ông Hoàng Kiều với tư cách là doanh nhân tiêu biểu.

Đại gia hào phóng

Trở về quê hương sau hơn 30 năm xa cách, ông đã dồn nhiều tâm sức cho công việc từ thiện với ước nguyện: mỗi năm cố gắng dành 1 triệu USD giúp quê hương xóa đói giảm nghèo và sẽ tiếp tục triển khai những chương trình từ thiện suốt cuộc đời. Công ty của ông đã chi đến hàng chục tỉ đồng để xây hơn nhà cho người nghèo, cứu trợ lũ lụt và giúp đỡ các trẻ em tàn tật. Một số bệnh nhân ở Việt Nam đã được chữa trị và cứu sống nhờ các sản phẩm trên của Công ty Raas mà ông Hoàng Kiều kịp thời gửi đến giúp đỡ.

{keywords}
Hoạt động từ thiện cùng người đẹp

Người dân Khánh Hòa biết đến Công ty Raas và ông Hoàng Kiều từ Festival biển 2007. Khi ấy, Công ty Raas đã tài trợ gần 6 tỷ đồng để tổ chức 3 chương trình: Raas - Những lời yêu thương, Carnaval - Đêm của biển và tái hiện làng quê Việt Nam độc đáo trên đường Trần Phú.

Năm 2008, Công ty Raas tiếp tục tài trợ 1 tỷ đồng để tổ chức chương trình khai hội du lịch Nha Trang - Điểm hẹn 2008. Trong lễ diễu hành “Nha Trang chào đón Hoa hậu Hoàn vũ”, Công ty Raas lại là nhà tài trợ chính với số tiền 900 triệu đồng. Ngoài ra, ông Hoàng Kiều còn trích một số tiền lớn làm từ thiện tại Khánh Hòa, trao nhiều nhà đại đoàn kết ở Ninh Hòa và Vạn Ninh.

Tại Tiền Giang, ông quyết định đầu tư hơn 400 tỷ đồng vào CTCP du lịch Tiền Giang với đề xuất xây dựng một dự án du lịch Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cồn Thới Sơn đậm chất truyền thống để thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế; đồng thời tạo công ăn, việc làm cho người dân tại đây. 

Ông cũng đã góp vốn vào thương hiệu Bưởi Năm Roi Hoàng Gia và đã xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài... Tuy nhiên, quá trình đầu tư này đã không thành công, sau nhiều trục trặc, thương vụ của ông Kiều đã bị địa phương từ chối. Đại gia này buộc phải rút lui.

Duy Linh