Đã gần 3 năm quyết liệt nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao và gần đây có xu hướng tăng lên. Câu chuyện xử lý nợ xấu hẳn sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn trong thời gian tới.
Con số đau đầu
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ. Tỷ trọng nợ xấu đã tăng khá nhiều so với con số 3,61% cuối năm 2013.
Như vậy, gần 3 năm quyết liệt xử lý với rất nhiều nỗ lực của NHNN cũng như các NH thương mại nhưng các con số nợ xấu vẫn cho thấy những rủi lớn nhất của hệ thống NH vẫn cò tiềm tàng.
Tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên. |
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, từ 2012 đến nay, toàn hệ thống NH đã xử lý được khoảng 184 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Việc ra đời của VAMC cũng đã mang lại những kết quả nhất định. Tính đến 20/8/2014, VAMC đã mua được 56 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng; bán được 1,4 nghìn tỷ đồng.
Nhìn trên con số tuyệt đối, nợ xấu đã được xử lý là rất lớn và nếu không có những nỗ lực nói trên, tỷ lệ nợ xấu có thể đã tăng cao hơn, đe dọa tới sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, xu hướng tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2014 được giải thích một phần do tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề chưa cải thiện, tín dụng chưa thông và các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh áp dụng chuẩn mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.
Nói về điều này, ông Trần Du lịch cho rằng, nền kinh tế thoát khỏi giai đọan bất ổn vĩ mô, nhưng vẫn chưa thoát khỏi trì trệ. Từ 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm tạo nên vòng luẩn quẩn: sức mua giảm-tồn kho tăng-sản xuất giảm-nợ xấu tăng-tín dụng giảm…
Trong bối cảnh đó, từ năm 2013, Chính phủ luôn luôn đặt vấn đề xử lý nợ xấu đồng bộ với những giải pháp hỗ trợ để ổ định hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô. Vì thế, nhận định chung của nhiều chuyên gia là, cuộc chiến xử lý nợ xấu đã thu được các kết quả tích cực. Tuy nhiên, có một thực tại không thể phủ nhận là nhiều vướng mắc mang tính căn bản vẫn còn tồn tại, chưa thể xử lý trong một sớm một chiều.
Niềm tin ở thì tương lai
Đánh giá về hiện tượng nợ xấu tăng mạnh, lãnh đạo NHNN cho biết, sự khó khăn của các DN và nỗ lực phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng là những nguyên nhân cơ bản.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tốc độ tăng nợ xấu của hệ thống NH đang chậm lại và có xu hướng bắt đầu giảm. Hiện tượng này cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
Mặc dù vậy, điều mà các chuyên gia chờ đợi lớn nhất là những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, xử lý điểm nghẽn hấp thụ vốn của nền kinh tế, tạo điều kiện để tái cơ cấu hệ thống NH.
Cuộc chiên nợ xấu vẫn cần quyết liệt hơn. |
Ông Trần Du Lịch cho rằng, nợ xấu lại tiếp tục phát sinh là do nợ “dây chuyền” của DN tác động lây lan. Việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi đó những DN vướng nợ chưa có khả năng phục hồi khi kinh tế tiếp tục trì trệ
“Nợ xấu không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà nó gắn liền với bài toán kinh tế vĩ mô, khai thông thị trường, phục hồi tổng cầu của nền kinh tế và khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ quá trình mua bán nợ, xử lý tài sản, nên phải có những giải pháp đồng bộ nhằm xử lý triệt để vấn đề nợ xấu”, ông Lịch nói.
Điều cần thiết lúc này là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu minh bạch, công bằng. Cần cơ chế phối hợp liên ngành, trung ương-địa phương; hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ; hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu DN…
Lấy ví dụ từ VAMC, Ông Lịch cho rằng, VAMC đang bị hạn chế, dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. Một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua nợ. Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống NH tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc rà soát khuôn khổ pháp lý, phân loại ngân hàng và cơ cấu lại các NH yếu kém là các giai đoạn tiếp theo trong quá trình tái cấu trúc nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng.
TS. Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho biết, kinh nghiệm thế xử lý nợ xấu phải gắn liền với tái cấu trúc ngân hàng, bao gồm cả giải pháp vĩ mô của Chính phủ và giải pháp vi mô của các ngân hàng.
Có thể thấy, xử lý nợ xấu thời gian qua dù đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, hiện tượng nợ xấu phát sinh và gia tăng cho thấy, các giải pháp thời gian qua có lẽ mới chỉ đạt mức độ là biện pháp hạ sốt, chưa dứt điểm được bản chất.
Sự suy yếu khó gượng dậy của hàng loạt các DN, các NH và nền kinh tế nói chung sau một thời kỳ phát triển nóng đang là lực cản khách quan lớn nhất để xử lý nợ xấu. Và tất nhiên, để dọn đẹp hết khối nợ xấu đã tích tụ cả chục năm qua là điều không thể nhanh được. Điều quan trọng là với nền tảng tạo dựng và đường ray đã tạo ra thì có thể đặt niềm tin cho việc xử lý nợ xấu ở tương lai.
Nguyễn Hà