Việc tái cơ cấu toàn hệ thống cho đến từng ngân hàng (NH) đến nay đã đạt kết quả theo lộ trình đề ra. Thế nhưng, như đẩy một chiếc xe quá nặng, nhiều hỏng hóc trên một quãng đường gập ghềnh, càng sốt ruột, gắng sức để đi nhanh lại cảm giác bị chậm lại. Vì thế, ngay cả người trong cuộc cũng muốn đi nhanh hơn.

Gọn đợt đầu

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu đã có rất nhiều lo ngịa về tiến độ tái cơ cấu (TTC). Nhiều chuyên gia đã cho rằng, hiện vẫn còn thiếu một số đề án tái cơ cấu quan trọng như: Tái cơ cấu BĐS, tái cơ cấu thu chi ngân sách...CPH các DNNNdù đang được thúc ép nhưng có nguy cơ khó đạt tiến độ.

Về TTC ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong 9 NHyếu kém được xác định từ năm 2012 đã phê duyệt 8 phương án, một NH còn lại sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

{keywords}
Tất cả mục tiêu đề ra trong đề án 254 về tái cơ cấu NH đều đã đạt được theo lộ trình đề ra.

Trong 9 NH bắt buộc TCC đầu tiên, gần đây là hợp nhất là giữa PVFC và Westernbank ra đời Pvcombank đã được 1 năm. Đến thời điểm này, tất cả các chỉ số tài chính đều tăng trưởng bền vững. Các chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu đều được kiểm soát theo đúng lộ trình của đề án tái cấu trúc. Đặc biệt, PVcomBank đáp ứng tốt và trên chuẩn mực các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN.

Cuối 2013, Tienphongbank là NH đầu tiên công bố thực hiện xong đề án TTC, vượt tiến độ 1 năm. Sau hai năm TTC, NH đã bù gần xong khoản lỗ 1.160 tỷ đồng trước đây. Tổng tài sản của TPBank tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ cấu. Nợ xấu từ 5,8% giảm về còn 2,3%...

SHB sau sáp nhập Habubank chịu gánh nặng lớn về lỗ và nợ xấu đến nay đã xử lý đúng lộ trình. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh từ trên 8% sau khi sáp nhập xuống còn khoảng 4%.Dù phải phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định nhưng SHB vẫn đảm bảo lợi nhuận, chia cổ tức. Đến cuối quý II/2013, SHB có lợi nhuận tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 6 tháng, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 32%.

SCB - vụ TTC đầu tiên từ hợp nhất SCB, TinNghiaBank và Ficombank, trong 6 tháng 2013 đã hoàn thành 102% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. Còn với Navibank sau TTC đổi tên thành NH Quốc dân (NCB) đã có những tín hiệu khả quan. Tổng tài sản đến cuối tháng 6/2014 tăng 20,6%, tín dụng và huy động lần lượt tăng trưởng 32,5% và 34,1% so với cuối 2013; nợ xấu giảm được từ 6,06% xuống còn 4,8%.

Công bố mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 NHTMCP yếu kém tăng 3,17% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Chủ tịch một NH cũng thuộc nhóm này cho biết, mỗi NH đều có những thay đổi rõ nét từ những yếu tố nền tảng thể hiện qua từng con số cho đến những chuyển biến tốt lên trong quản trị, chiến lược phát triển....

Ông Nguyễn Đình Lâm – Chủ tich PVcombank nhìn nhận rằng, bước đầu thực hiện tái cơ cấu, lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu mà trước hết là phải loại bỏ những nguyên nhân gây ra khó khăn, củng cố NH an toàn thực sự. Chỉ có NH an toàn mới làm nên một NH tốt và mạnh mẽ trong tương lai.

NHNN đã khẳng định, tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã thực hiện đúng lộ trình tại Đề án 254 đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống các TCTD được bảo đảm an toàn và trong tầm kiểm soát của NHNN, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi. Số lượng các TCTD yếu kém giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và tái cơ cấu theo nguyên tắc tự nguyện, chưa phải sử dụng biện pháp can thiệp bắt buộc và chưa phải sử dụng nguồn lực của nhà nước.

Vào giai đoạn mới

Trên thực tế, những NH tái cơ cấu đợt đầu, khi đã dần khắc phục được nhưng khó khăn nhất đã vạch ra những chiến lươc cho giai đoạn phát triển mới.

PVcombank đã thuê hẳn tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới (BCG) để xây dựng chiến lược và đã đi vào triển khai. NH này đã đầu tư hệ thống công nghệ core banking T24 mới, cơ cấu lại bộ máy và đào tại lại toàn bộ nhân sự, mở rộng hệ thống kinh doanh hướng tới một NH hiện đại, an toàn, hiệu quả.

Tienphongbank đánh dấu giai đoạn mới của mình trong một diện mạo thương hiệu mới và xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các yếu tố lợi thế của cổ đông lớn về vàng, công nghệ, đầu tư công nghiệp phụ trợ…

{keywords}
Các ngân hàng bắt đầu chuẩn bị cho một lộ trình phát triển tiếp theo sau tái cơ cấu.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, sau 9 NH đầu tiên, một số NH yếu được xác định trong năm 2013 đang được áp dụng phương án giám sát chặt chẽ và có phương án tái cơ cấu.Trong số hoạt động bình thường cũng đã có 24/25 Nh được chấp thuận phương án tái cơ cấu.

Nhiều NH không buộc phải tái cơ cấu nhưng cũng đã thực hiện sáp nhập để tăng quy mô, năng lực để cạnh tranh. Trong số đó phải kể đến HDbank và Đại Á đã hợp nhất tốt đẹp. Sacombank và Phương Nam đang lên kế hoạch hợp nhất trong tương lai gần.

Hàng loạt ngân hàng khác như: MaritimeBank, Seabank, Vietinbank, Vietcombank, cho đến Việt Á, Mê Kông, Bản Việt, PGbank đều lên tiếng về khả năng tìm kiếm những đối tác cho việc sáp nhập, hợp nhất.

Trong khi đó, việc tái cơ cấu các công ty tài chính dù không ồn ào nhưng đang được xử lý rất nhanh gọn.Sau khi anh cả PVFC tự giải thóa để ra đời PVcombank thì hàng loạt các công ty tài chính đã được xử lý. Trong số đó có thể kể đến SHB sáp nhập Vinaconex Viettel, Techcombank mua Tài chính hóa chất, VPBank mua lại Công ty tài chính Than khoáng sản.

Báo cáo trước phiên chất vấn Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hoạt động của các NH từ chỗ một thị trường hết sức bất ổn vào những năm 2011 đã dần đi vào ổn định hơn. Đến nay, quá trình tái cơ cấu của hệ thống các TCTD đã đi đúng với lộ trình đặt ra. Trong tuần này, Chính phủ sẽ tiếp tục thông qua giai đoạn 2 của quá trình TTC hệ thống NH.

Và trên thực tế, các ngân hàng đã bắt đầu những giai đoạn hai của mình để hướng đến những tổ chức tốt và mạnh sau mọt giai đoạn củng cố an toàn.

Phước Minh