- Theo dự thảo mới đây của Bộ Công Thương, chủ quán bia phải khám sức khỏe 1 lần/năm, đồng thời cơ sở kinh doanh bia phải bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30 độ C.

Chủ quán bia phải khám sức khỏe 1 lần/năm

Theo nội dung trong Dự thảo Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia (lần 2) mà Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm còn hiệu lực do các đơn vị có chức năng, thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Công Thương.

Chủ cơ sở hoặc người quản lý có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khoẻ và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế ít nhất 1 lần/năm. Việc khám sức khoẻ do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.

Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục truyền nhiễm không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình kinh doanh bia. Người trực tiếp kinh doanh bia phải mặc trang phục riêng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh bia.

Đối với cơ sở kinh doanh bia hơi, nhân viên xuất bán bia phải được trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ như: áo, mũ, khẩu trang, găng tay; trước khi xuất bán, chiết rót bia hơi phải thay găng tay sạch hoặc rửa tay sát khuẩn.

Nhiệt độ quán bia phải dưới 30 độ C

{keywords}

Ngoài các quy định trên, Dự thảo của Bộ Công thương còn yêu cầu các cơ sở kinh doanh bia phải có hệ thống thông gió, chống nóng được lắp đặt phù hợp với yêu cầu bảo quản nhằm bảo đảm thông thoáng ở các khu vực, bảo đảm nhiệt độ nơi kinh doanh không quá 30 độ C.

Các cơ sở kinh doanh bia cũng phải trang bị các dụng cụ, phương tiện phòng chống cháy nổ và hệ thống báo động cháy trong trường hợp khẩn cấp; Có bảng nội quy về an toàn lao động; Cơ sở phải thực hiện nghiêm luật phòng cháy, chữa cháy.

Đồng thời, có đủ giá, kệ bảo quản làm bằng các vật liệu chắc chắn, hợp vệ sinh; bảo đảm đủ ánh sáng và che chắn an toàn.

Khu vực vệ sinh của cơ sở phải được bố trí ngăn cách với khu vực kinh doanh; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm; ít nhất phải có một nhà vệ sinh cho 25 người; có đủ nước sạch, xà phòng, các chất tẩy rửa để vệ sinh và rửa tay; có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở nơi dễ nhìn.

Đối với các cơ sở kinh doanh bia hơi, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế và lắp đặt nhằm duy trì điều kiện bảo quản lạnh liên tục 24/24 giờ theo mức nhiệt độ yêu cầu, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất các khả năng nhiễm bẩn, lẫn nước, lẫn tạp chất làm ảnh hưởng đến chất lượng bia trong quá trình xuất bán bia cho khách hàng; thiết bị, dụng cụ rót bia phải được vệ sinh hàng ngày.

Bên cạnh đó, sản phẩm bia phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 15 cm, cách tường tối thiểu 30 cm và cách trần tối thiểu 50 cm.

Có quy trình vệ sinh cơ sở và ghi nhật ký vệ sinh; các sản phẩm tẩy rửa, sát trùng dụng cụ kinh doanh và rửa tay phải an toàn cho kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)