- Các siêu dự án FDI có quy vốn tỷ USD, doanh thu tỷ USD sẽ được hưởng một khung ưu đãi thuế tối đa nhất từ trước tới nay theo đề xuất của Bộ Tài chính. Điều này sẽ có lợi cho Samsung, Intel, Nokia và các Tập đoàn Nhà nước.
Nới điều kiện, đẩy ưu đãi cao
Mới đây, Bộ KHCN công bố, cả nước chỉ có được 80 DN được công nhận là DN công nghệ cao. Thực tế này cho thấy bức tranh yếu kém về trình độ năng lực DN Việt. DN công nghệ cao không phải là một danh hiệu, nhưng đó là một chứng nhận để hưởng ưu đãi ở mức cao các loại thuế.
Theo Luật thuế TNDN hiện nay, gói ưu đãi phổ thông nhất là mức thuế 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế.
Đặc biệt, nếu DN công nghệ cao đồng thời là DN có quy mô vốn đầu tư lớn, vốn trên 6.000 tỷ đồng... thì sẽ được ưu đãi kịch trần. Đó là mức thuế suất 10% trong 30 năm thay vì chỉ 15 năm.
Tuy nhiên, các phân tích của Bộ Tài chính khi sửa đổi các điều luật liên quan đến thuế đã cho thấy, những tiêu chí đưa ra trên gần như là bất khả thi.
Theo Bộ Tài chính, tại thời điểm cấp phép đầu tư, dự án có thể được coi là áp dụng công nghệ cao, nhưng chỉ sau 1-2 năm, công nghệ đó không còn là công nghệ cao nữa nên những DN có dự án tương tự ra đời trong thời gian ngắn sau đó sẽ không được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
Các siêu dự án FDI có quy vốn tỷ USD, doanh thu tỷ USD sẽ được hưởng một khung ưu đãi thuế tối đa nhất từ trước tới nay |
Thêm nữa, Luật Công nghệ cao yêu cầu DN này phải có ít nhất 5% tổng số lao động có trình độ Đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển, doanh thu bình quân 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ 4 trở đi, phải đạt 70% trở lên.
Bộ Tài chính khẳng định, các tiêu chí này là quá cao so với nhu cầu thực tế. Việc vừa đòi các DN có quy mô vốn lớn từ 6000 tỷ đồng trở lên đáp ứng được các tiêu chí công nghệ cao như vậy là không phù hợp thực tế hiện nay của Việt Nam.
Bộ này cho hay, những DN quy mô đầu tư rất lớn, doanh số lên tới 2-3 tỷ USD/năm, sử dụng hàng chục nghìn lao đông sẽ khó đáp ứng điều kiện trên. Trong khi đây hầu hết là nhà đầu tư chiến lược, làm ăn lâu dài nên cần thời gian rất dài, ít nhất là trên 15 năm mới có thể thu hồi vốn và phát triển được.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị bổ sung quy định về ưu đãi sắc thuế này đối với dự án lớn. Theo đó, những dự án sản xuất công nghiệp, nông nghiệp... có quy mô vốn từ 12.000 tỷ đồng trở lên, gấp 2 lần so với mức hiện nay, giải ngân trong vòng 5 năm, tăng 2 năm so với quy định hiện nay nhưng chỉ cần sử dụng công nghệ đã được thẩm định về khoa học công nghệ thì sẽ được hưởng gói ưu đãi như trên.
Đối với dự án đặc biệt như sử dụng công nghệ tiên tiến lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam hoặc ở khu vực Đông Nam Á, hoặc sản xuất hàng hoá có doanh thu trên 20.000 tỷ/năm, hoặc doanh nghiệp chế xuất sử dụng trên 6.000 lao động, hoặc DN hạ tầng kinh tế thì sẽ được kéo dài thêm thuế suất 10% trong 15 năm nữa, tức 30 năm.
Việc nới điều kiện như vậy sẽ giúp cho Việt Nam có thể cạnh tranh thu hút vốn FDI trước các đối thủ Indonesia, Thái Lan, Myamar, Ấn Độ.
Siêu FDI và Tập đoàn Nhà nước hưởng lợi
Một câu hỏi lớn được đặt ra là, liệu cơ chế mở như vậy sẽ tạo cơ hội cho hơn 450 ngàn DN đang hoạt động hay chỉ cho một số ít các ông chủ lớn?
Liệu cơ chế mở như vậy sẽ tạo cơ hội cho hơn 450 ngàn DN đang hoạt động hay chỉ cho một số ít các ông chủ lớn? |
Theo thống kê, cả nước có 123 dự án FDI đã được cấp phép còn hiệu lực có quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng, tổng vốn đăng ký là 139 tỷ USD, chiếm 57% tổng vốn đầu tư các dự án FDI của cả nước. Trong đó, 63 dự án FDI có vốn 12.000 tỷ trở lên với tổng vốn đầu tư là 116,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 48% trên tổng vốn đầu tư FDI cả nước.
Hầu hết, các dự án này thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế như điện, viễn thông, lọc hoá dầu, thép.
Ngoài ra, cả nước đang có khoảng 47 dự án do DNNN làm chủ đầu tư, gồm 24 dự án điện, 3 dự án lọc hoá dầu và 20 dự án hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, hiện có 38 dự án đã đi vào hoạt động, 9 dự án đang làm thủ tục.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 15 dự án BOT nhiệt điện có vốn đầu tư nước ngoài quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng đang chờ phê duyệt đầu tư hoặc đang giai đoạn đàm phán.
Trên thực tế, số những DN, dự án đáp ứng các tiêu chí ưu đãi trên đều là các ông chủ lớn đã đừng đệ trình xin Chính phủ Việt Nam khung ưu đãi nhất.
Điển hình là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, Formosa - Đài Loan- sản xuất gang thép hay lọc hoá dầu Nhơn Hội của nhà đầu tư Thái. Trong nước, đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư dự án cảng biển, cảng hàng không như sân bay Long Thành...
Dự kiến, ngân sách sẽ phải giảm thu mất khoảng 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu cũng ưu đãi về thuế cho ngành công nghiệp hỗ trợ như vậy thì ngân sách sẽ giảm thu tiếp 400 tỷ đồng. ...
Song, bộ Tài chính cho rằng, ngân sách sẽ được bù đắp từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, casino... nên việc nới ưu đãi thuế sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu cho ngân sách trong trung và dài hạn.
Dự kiến ngày 3/11 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi các điều tại các Luật về thuế với các điểm bổ sung trên.
Phạm Huyền