- Nhiều đại gia một thời đang gồng mình lấy lại vị thế ông trùm. Giai đoạn sóng gió nhất có lẽ đã qua, nhưng khó khăn vẫn còn dai dẳng đeo bám.

Qua vùng sóng gió

Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam - VOSCO (VOS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2014 với lợi nhuận gộp khá cao sau khi thua lỗ liên tiếp ba quý trước đó và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Thông tin trên khiến cổ phiếu VOS tăng kịch trần, với hơn 1 triệu đơn vị được chuyển nhượng ngay trong phiên đầu tháng mới, 3/11. Rất nhiều NĐT đánh cược vào khả năng VOSCO tiếp tục kinh doanh khả quan trong quý IV, qua đó thoát lỗ trong cả năm và tránh bị hủy niêm yết bắt buộc.

Chủ trương phát triển đội tàu bằng vay nợ vốn mang đến ánh hào quang cho VOS trong quá khứ nay lại là gánh nặng. Mắc cạn trên đống nợ, đại gia đầu ngành lĩnh vực vận tải biển này buộc phải bán tàu để tìm lại chính mình.

{keywords}

Nhiều món nợ lớn đã có cách giải quyết và quan trọng hơn, TTF đã tìm được nguồn vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Gỗ Trường Thành (TTF) của ông trùm ngành gỗ Võ Trường Thành cũng đang đẩy mạnh việc bán nợ sau khi đã bán được nhiều khoản cho DATC và các đối tác.

Tới thời điểm này, TTF vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2014 nhưng cổ phiếu này vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Trong 4 quý gần đây, TTF ghi nhận lợi nhuận rất thấp so với quy mô. Dòng tiền vẫn là điểm đáng ngại nhất của DN này trong năm 2012-2013. Tuy nhiên, nhiều món nợ lớn đã có cách giải quyết và quan trọng hơn, TTF đã tìm được nguồn vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng vừa thông báo lợi nhuận quý III/2014 tăng vọt 80% so với cùng kỳ. Một trong những điểm đáng lưu ý là lợi nhuận và doanh thu của DLG tăng cao nhờ mảng nông nghiệp sau thời kỳ bị tụt giảm vào 2012 và 2013.

{keywords}

Giá vốn bán hàng giảm mạnh cùng với khoản tiền lãi từ bán tàu đã giúp VOS chuyển từ lỗ sang lãi.

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến nhiều đại gia đang nỗ lực lấy lại vị thế, như trường hợp ông Đặng Thành Tâm ở KBC, nhà Doji ở TPBank. KBC đã hồi phục ấn tượng trong cả năm qua nhờ giải được bài toán nợ nần, trong khi TPBank hoàn thành kế hoạch năm trong 9 tháng với tín dụng tăng cao nhờ tái cấu trúc, mở rộng hoạt động bán lẻ.

Còn nhiều chông gai

Có khá nhiều tín hiệu cho thấy, các DN đang thoát dần ra khỏi vòng bão tố, sóng gió. Nhiều DN đã thấy áp lực nợ nần giảm đi trông thấy như trường hợp KBC, VOSCO hay Gỗ Trường Thành... Tuy nhiên, tái cấu trúc DN không phải là dễ.

Trường hợp TTF, khối nợ của DN giảm đáng kể, lãi vay cũng giảm mạnh trong cả năm qua. Theo phân tích của SSI Research, doanh thu nửa cuối năm 2014 của TTF sẽ tăng đáng kể do các đơn hàng của DN này thường được giao trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau. TTF dự kiến doanh thu 2014 là 1.400 tỷ đồng và 2015 là 1.700 tỷ đồng.

{keywords}

Triển vọng là tương đối sáng. Mặc dù vậy, có lẽ con đường để lấy lại vị thế ông trùm ngành gỗ của TTF vẫn còn nhiều chông gai. Có một thực tế là: TTF vẫn còn nợ rất lớn, nợ ngắn hạn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Cách duy nhất giúp TTF lấy lại vị thế ông trùm là phải chia sẻ tiềm năng của mình cho các chủ nợ, cho các đối tác. Việc lấy lại tiếng tăm và vị thế cũng cần có thời gian.

Tương lai của VOSCO cũng đã bớt đen tối. Tuy nhiên, yếu tố chính giúp VOS có lãi trong quý III vừa qua là nhờ bán tàu. VOS đã liên tục bán bớt đội tàu của mình trong vài năm gần đây khi mà hoạt động vận tải biển gặp khó khăn và lãi suất vay lên cao. Bán tàu giúp gánh nặng nợ giảm, DN nhờ đó có thể có lãi. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là DN sẽ teo tóp lại. Vị thế ông trùm trong lĩnh vực vận tải biển sẽ bị đe dọa.

VOS từng nhiều lần cho biết việc bán tàu là hoạt động tái cơ cấu lại đội tàu theo hướng giảm bớt những tàu cũ, trọng tải nhỏ và thay thế bằng đội tàu hiệu quả và hiện đại hơn. Nhưng giới đầu tư đều ngầm hiểu là VOS buộc phải bán bớt tàu để lấy tiền duy trì hoạt động. Gánh nặng nợ nần đang nhấn chìm “niềm tự hào” của ngành hàng hải Việt Nam.

CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) cũng là một trường hợp được tin tưởng sẽ có nhiều thay đổi sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HOSE. Đây cũng là một DN lớn trong lĩnh vực vận tải biển. Khó khăn và có thể nhiều lý do khác đã khiến VSP đổi tên thành “bất động sản”. Tuy nhiên, tương lai của DN dường như vẫn còn u ám.

Trong năm 2013, VSP đặt ra kết hoạch lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng nhưng kế hoạch đã không trở thành hiện thực. Cổ phiếu này đang có mức giá 2.200 đồng trên sàn UPCOM.

Rất nhiều DN vốn một thời là “ông trùm”, là siêu cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Trong giai đoạn 2008-2010, nhiều cổ phiếu tăng giá vài trăm phần trăm trong một thời gian ngắn như VSP, VCG, PVA, S96...

Tuy nhiên, giờ đây, nhiều cái tên đã biến mất hoặc lụi tàn mà nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những sai lầm về đường hướng.

Huấn Tú