Từng là “trùm lâm tặc”, 10 năm trốn lệnh truy nã và từng lĩnh án 10 năm tù, nhưng khi được trả tự do, anh đã quyết tâm trồng rừng từ hai bàn tay trắng để… “trả nợ” rừng. Chỉ sau 8 năm, anh đã trở thành tỷ phú nức tiếng với hơn 433ha rừng. Anh là Trịnh Văn Yên, sinh năm 1964 ở khu II, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Cú “ngã” đầu đời

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được anh Yên. Tiếp tôi tại nhà riêng, anh Yên cười bảo: “Không phải tôi “chảnh” đâu, mà vì bận quá, ngày nào tôi cũng ở trong rừng, khi thì kiểm tra rừng trồng mới, lúc thì hướng dẫn công nhân khai thác gỗ, giao dịch với bạn hàng, có khi nửa đêm mới về nhà. Tôi không muốn mang tiếng thất hẹn”.

Nhìn người đàn ông có nước da ngăm đen, cách nói chuyện cởi mở, ít ai nghĩ rằng anh đã từng lầm đường lạc lối. Yên là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em, từ nhỏ đã rất thông minh, nhanh nhẹn. Do nhà nghèo nên học hết lớp 8, Yên phải bỏ học theo đàn anh đi chặt gỗ thuê phụ giúp gia đình. Hễ ở đâu có gỗ quý, là ở đó có Yên.

Làm “lâm tặc” được hơn 2 năm, sau khi đã học được “mánh khóe” của các trùm buôn gỗ lậu và thấy nghề này kiếm tiền dễ như bỡn, Yên liền liên kết với một số người có máu mặt và bước chân vào nghề buôn gỗ lậu.

Nhờ sự thông minh, khôn khéo và một chút liều lĩnh, chỉ sau 2 năm hành nghề, Yên đã nổi tiếng là người mạnh tay trong những phi vụ buôn bán “khủng”. Yên cho biết, khi đó buôn gỗ rất lãi, đi 3 chuyến bị bắt 1 chuyến vẫn lãi hàng trăm triệu đồng. Vì vậy mà sau vài năm buôn gỗ lậu, Yên đã thành “đại gia”, có xe máy đẹp, nhà cao cửa rộng.

Nhưng người đời có câu: “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Năm 1988, Yên ký được một hợp đồng lớn ở Chương Mỹ, đưa gỗ từ Sơn La về trót lọt, nhưng khách hàng lại chê gỗ xấu, không đúng hợp đồng nên không mua. Yên lẳng lặng đưa gỗ về với ý định sẽ đổi lô gỗ khác, song để ký được hợp đồng, trước đó Yên phải qua đội quân cò mồi, không bán được gỗ đồng nghĩa với việc đội này không có tiền hoa hồng.

{keywords}

Anh Trịnh Văn Yên bảo, niềm vui lớn nhất của anh là con cái ngoan ngoãn, học giỏi và giúp nhiều người có việc làm ổn định.

Bực “thái độ” của khách hàng nọ, nhóm cò mồi gồm 6 người đã ép Yên đi cùng đến đòi tiền hoa hồng. Thấy vị khách không đồng ý, nhóm cò mồi xông vào cướp sạch tài sản. Vụ việc xảy ra, công an vào cuộc, chỉ sau vài giờ 6 người đã bị tóm gọn, duy chỉ còn Yên.

Vài ngày sau thì lệnh truy nã Trịnh Văn Yên được phát đi toàn quốc. “Mặc dù tôi không tham gia vụ cướp mà chỉ liên lụy, nhưng lúc đó còn trẻ tuổi, cứ thấy công an lùng sục là sợ nên tôi đã trốn đi thật xa” – anh Yên kể lại.

Trốn ở Quảng Ninh một thời gian, Yên vượt biên sang Trung Quốc, sau đó định trốn sang Hồng Kông nhưng không thành. Năm 1994, Yên về nước và ẩn náu ở vùng núi Hàm Yên (Tuyên Quang), đổi tên, thay họ, bắt tay vào trồng cam và lập gia đình. Dù vậy, Yên luôn phải sống trong lo âu, thấp thỏm, 10 năm trốn truy nã, chưa một đêm nào yên giấc.

Năm 1998, nghĩ rằng cái tên Trịnh Văn Yên đã không còn trong sổ sách, cộng với nỗi nhớ nhà, đặc biệt là muốn về thắp nén hương tạ tội với bố nên Yên quyết định về quê.

“Biết bố mất mà không về chịu tang được, tôi ân hận lắm. Hôm đó, vừa thắp nén nhang cho bố xong thì công an ập vào bắt, rồi tôi bị kết án 10 năm tù giam” – giọng Yên chùng xuống khi nhớ lại quá khứ buồn.

Trả nợ rừng xanh

“Chưa hết “sốc” vì phải ngồi tù tới 10 năm, tôi lại phải đón nhận thêm một cú “sốc” khác. Mặc dù đã có với nhau một đứa con trai, nhưng khi vợ tôi cầm đơn lên trại giam đòi ly dị, dù rất buồn, tôi cũng không còn cách nào khác là phải ký vào đơn, lấy đó làm động lực cải tạo tốt để sớm được trả tự do làm lại cuộc đời” – anh Yên xúc động kể lại.

Nhờ nhanh nhẹn nên khi ở trong trại, Yên được phân làm đội trưởng đội sản xuất, chuyên chăn nuôi lợn, gà, dê và khai thác đá. Do có thành tích cải tạo tốt nên năm 2005, anh được đặc xá tha trước thời hạn 3 năm.

“Hôm bước chân ra khỏi cổng trại, tôi cứ ngoái đầu lại nhìn hàng keo, xà cừ trong khuôn viên và nghĩ, ngày mới vào trại hàng cây kia chỉ bằng cán dao, nay đã to bằng cái thùng. Nếu mình trồng hàng nghìn, hàng triệu cây thì chắc chắn sẽ thành một cánh rừng và mang về giá trị rất lớn. Từ suy nghĩ đó, tôi đã quyết tâm trồng rừng” – Yên nói.

Về địa phương, vượt qua những mặc cảm ban đầu, anh xin thầu lại 1,3ha hồ của HTX Đoàn Kết và 4ha ao của một số người dân ở thị trấn Kỳ Sơn để thả cá, nuôi gà, vịt. Năm đầu, Yên thả 1 tấn cá giống, nuôi 200 con gà, vịt, nhưng đến gần kỳ thu hoạch thì lũ ập đến làm vỡ ao hồ, cá trôi hết sạch. Trắng tay, nhưng Yên không nản.

Năm 2006, với 30 triệu đồng vay của ngân hàng, anh đầu tư cống xả, thoát lũ khi có mưa lớn và tiếp tục thả 2 tấn cá giống, nuôi 1.500 con gà vịt và vụ đó Yên thu về gần 10 tấn cá thịt, hàng tấn gà, vịt. Có vốn, anh mạnh dạn thầu 6ha đồi núi trọc và bắt tay vào trồng rừng, trong đó anh khoanh 2ha nuôi hơn 200 con lợn, còn lại trồng keo tai tượng.

Sở dĩ anh chọn trồng keo tai tượng vì keo nhanh lớn, thu hồi vốn nhanh và đặc biệt là cây keo rất hợp với chất đất ở đây. Cũng trong năm đó, hạnh phúc đã đến với anh khi chị Vũ Thị Ngần, quê Hải Dương đã vượt qua mọi dị nghị lấy anh làm chồng. Có thêm động lực, Yên càng quyết chí làm ăn để trả nợ đời...

Thấy chăn nuôi hiệu quả, anh đầu tư xây dựng trang trại nuôi từ 5.000 – 10.000 gà đẻ trứng và lấy thịt, đồng thời thầu và mua thêm gần 300ha đồi trọc để trồng keo.

“Hồi đó, mỗi năm tôi thu khoảng 400 – 500 triệu đồng từ chăn nuôi, mới đây tôi nuôi thêm khoảng 300 con dê, lợn rừng, trung bình thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm rồi lại “thả” tất chỗ tiền đó lên rừng” – anh Yên vui vẻ nói.

Đến cuối năm 2008, Yên đã có trong tay 300ha rừng và đến nay là 433ha, trong đó có khoảng 10ha gỗ lát, sưa. Rừng trồng đến đâu, anh cho máy múc mở đường tới đó.

“Để có diện tích rừng lớn như vậy, tôi đã đầu tư vào đây hơn 30 tỷ đồng và tuân thủ mô hình “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa qua, tôi đã ký được một hợp đồng lớn với đối tác nên đang cho khai thác khoảng 50ha, dự kiến thu hơn 3 tỷ đồng” – anh Yên cho biết.

Với chừng đó diện tích rừng, hiện anh Yên tạo việc làm cho khoảng 100 lao động thời vụ và 15 – 20 lao động thường xuyên với mức lương 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người đã gắn bó với anh 5 – 6 năm, từ hộ nghèo không có việc làm, nay đã xây được nhà cửa khang trang như anh Lê Văn Thắng, xóm Văn Tiến; anh Nguyễn Văn Thi, xóm Đồng Bến, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn)… Ngoài ra, Yên còn nhận nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người từng có thời gian lầm lỡ vào làm việc tại trang trại.

Cũng tại trang trại, tôi gặp anh Nguyễn Hữu Bình ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Anh Bình bị kết án 20 năm tù, cùng cải tạo ở trại Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) với anh Yên và năm 2012 được trả tự do.

Nhưng về quê, Bình không có việc làm và không hòa nhập được với cộng đồng nên cuộc sống rất khó khăn. Biết chuyện, anh Yên đã rủ Bình lên Kỳ Sơn rồi cho 100 triệu đồng làm vốn, 1ha để trồng rừng, làm trang trại.

“Nếu không có vợ chồng anh Yên giúp đỡ, không biết cuộc sống của tôi sẽ như thế nào. Mang tiếng là “lâm tặc”, “trùm” buôn gỗ lậu nhưng anh Yên rất hiền, sống tình cảm, công nhân rất quý...” – anh Bình xúc động nói.

Nhờ sự nỗ lực vươn lên và có nhiều đóng góp cho quê hương, anh Trịnh Văn Yên đã được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen và nhiều năm liền là nông dân xuất sắc cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, vừa qua anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen do có nhiều thành tích tổ chức và thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù...

(Theo Dân Việt)