Có lợi thế về nhan sắc, cách nói chuyện ngọt ngào, cộng thêm mác là Tổng Giám đốc Công ty Nhà nước, Trợ lý Tổng Giám đốc công ty hoặc tự nhận là em gái Phó Tổng giám đốc một tập đoàn lớn của Nhà nước, những nữ siêu lừa đã chiếm đoạt tiền của đối tác và người dân nhẹ dạ, cả tin. Số tiền mà các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt từ vài chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng. Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mới đây, các đối tượng này đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt những bản án nghiêm khắc.

1. Nữ Tổng Giám đốc gây thiệt hại cho đối tác hơn 32 tỷ đồng: Nguyễn Hồng Anh (tức “Lisa Nguyễn”), 40 tuổi là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cascon, tiền thân là Công ty liên doanh container Vinashin - TGC (viết tắt là Công ty VTC) có ngành nghề sản xuất, kinh doanh các loại container đạt tiêu chuẩn quốc tế và kho bãi lưu giữ hàng hóa. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có 25% vốn; Nguyễn Hồng Anh có 15% vốn và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cascon.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, quá trình điều hành công ty, Nguyễn Hồng Anh đã ký hai hợp đồng tín dụng vay vốn của Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (viết tắt là Công ty VFC). Theo hai hợp đồng đã ký kết, Nguyễn Hồng Anh thay mặt công ty thế chấp kho thép cuộn, container để bán cho Công ty Vận tải biển Nam Triệu và Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương. Từ hai hợp đồng này, Công ty Cascon đã được Công ty VFC cho vay số tiền gần 200 tỷ đồng và hơn 3,2 triệu USD.

Ngoài ra, Công ty Cascon còn vay vốn dài hạn của Công ty VFC 30 tỷ đồng. Sau khi nhận được tiền vay, Nguyễn Hồng Anh đề nghị bán số tài sản thế chấp nêu trên với thỏa thuận, số tiền bán được sẽ chuyển trả nợ Công ty VFC. Tuy nhiên, sau khi bán tài sản thế chấp, Nguyễn Hồng Anh đã không trả nợ cho Công ty VFC như cam kết, gây thiệt hại cho Công ty VFC hơn 32 tỷ đồng.

{keywords}

Các đối tuợng Anh, Nhã và Quỳnh.

Trong quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn phát hiện Nguyễn Hồng Anh và đồng bọn đã làm và sử dụng hợp đồng giả để vay tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần Vietcombank (VCB). Đến nay công ty còn nợ Ngân hàng VCB số tiền gần 20 triệu USD. Hành vi của Nguyễn Hồng Anh và đồng bọn đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Nhận là em Phó Tổng giám đốc tập đoàn để lừa đảo hơn 100 tỷ đồng: Nguyễn Thị Nhã, 29 tuổi, trú tại phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2004, Nhã từ Gia Lai về Hà Nội thuê nhà ở đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy và sinh sống bằng nghề bán báo. Với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nhã tự giới thiệu mình là em Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông nên có quan hệ rộng, được “ông anh” tạo điều kiện cho làm ăn.

Trong thời gian thuê nhà ở Hà Nội, Nhã quen biết bà Hồ Thị Minh Phương, ở quận Cầu Giấy. Thấy bà Phương có kinh tế, Nhã đã nảy sinh ý định lừa đảo tiền bạc nên đã nhận bà Phương làm mẹ nuôi. “Mẹ - con” được ít ngày, Nhã đã rủ bà Phương góp tiền kinh doanh đại lý báo với mức lãi suất hấp dẫn. Thấy cách ăn nói hoạt bát và làm việc nhanh nhẹn của Nhã, bà Phương tin tưởng nên đã chung vốn buôn bán với Nhã.

Thời gian đầu, Nhã trả lãi và gốc cho bà Phương rất đầy đủ. Khi thấy bà Phương đã tin tưởng tuyệt đối, Nhã tiếp tục gạ bà Phương góp nhiều vốn để buôn điện thoại. Quá trình chung vốn kinh doanh, bà Phương đã cho Nhã vay nhiều lần với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng. Biết bà Phương ham cho vay tiền hưởng lãi suất cao, Nhã tiếp tục gạ bà Phương đi vay hộ nhiều người khác với mức lãi suất 30% một tháng. Đến khi bà Phương phát hiện ra đã bị Phương lừa đảo thì bà đã bị chiếm đoạt số tiền gần 9,4 tỷ đồng.

Trong số các bị hại như bà Phương, người bị Nhã chiếm đoạt tiền nhiều nhất là chị Lê Kiều Trang, ở quận Ba Đình với số tiền 27,9 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, trong thời gian hai năm, với thủ đoạn gạ chung tiền góp vốn kinh doanh hoặc vay tiền trả lãi suất cao, Nhã đã lừa đảo và chiếm đoạt của nhiều bị hại với tổng số tiền hơn một trăm tỷ đồng. Số tiền này Nhã đã chơi lô đề hết, hiện không có khả năng thanh toán.

3. Siêu lừa mang hai bản án chung thân: Lý Thị Trúc Quỳnh, 36 tuổi, trú tại phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội, nguyên Trưởng phòng KV9, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh. Trong thời gian công tác, Quỳnh liên tục thực hiện nhiều phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới các hình thức khác nhau. Năm 2010, Quỳnh đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng thông qua hình thức gom tiền của nhiều người để mua cổ phiếu cho họ với giá ưu đãi, nhưng sau khi nhận tiền đã không thực hiện lời hứa mà giữ lại để sử dụng cá nhân.

Cuối tháng 10/2014, liên quan đến một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác dưới hình thức lừa bán ôtô, xe máy giá rẻ để nhận tiền đặt cọc gần 39 tỷ đồng rồi chiếm đoạt luôn, lần thứ hai, Quỳnh bị TAND TP Hà Nội tuyên án tù chung thân. Theo cáo trạng, sau khi bị cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, trong thời gian được tại ngoại, Quỳnh tiếp tục nghĩ ra thủ đoạn lừa đảo mới.

Do đang là bị can trong vụ án, không đủ điều kiện thành lập công ty nên Quỳnh đã đặt vấn đề với chị Trần Thị Minh Nguyệt, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội là Quỳnh có nguồn mua ôtô, xe máy giá rẻ. Mỗi xe ôtô nhập khẩu tùy từng loại mà có giá rẻ hơn thị trường từ 8.000 USD đến 10.000 USD một xe. Quỳnh bàn với chị Nguyệt thành lập công ty để lấy tư cách pháp nhân mua bán ôtô, xe máy cùng hưởng lợi nhuận.

Tin tưởng Quỳnh, Nguyệt đã thành lập Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch AT69 (viết tắt là Công ty AT69), đứng danh làm Tổng Giám đốc và cho Quỳnh làm Trợ lý Tổng Giám đốc. Khi Công ty AT69 hoạt động, chị Nguyệt ký hợp đồng mua bán với khách hàng, xuất hóa đơn. Quỳnh lo nguồn xe cung cấp cho khách hàng. Mỗi hợp đồng ký với khách hàng mua bán một xe ôtô, Quỳnh đều hứa chi hoa hồng cho chị Nguyệt từ 50 đến 70 triệu đồng.

Thời gian đầu, Quỳnh mua xe ôtô, xe máy tại các đại lý ở Hà Nội rồi chịu bù lỗ để bán lại với giá rẻ hơn giá mua nhằm tạo niềm tin với khách hàng. Các khách hàng sau khi nhận xe đi đăng ký thấy hợp pháp nên rất tin tưởng Quỳnh có nguồn mua ôtô, xe máy giá rẻ nên tiếp tục đặt cọc mua xe hoặc giới thiệu người khác đặt cọc mua xe của Quỳnh. Chỉ trong khoảng năm tháng, sau khi khách hàng đặt cọc tiền mua ôtô, xe máy, Quỳnh đã chiếm đoạt của 28 bị hại với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng.

Từ những vụ án trên cho thấy, mỗi một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng đều tìm đến đích chung là “đánh” vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham làm giàu bất chính của 1 số người. Do không tìm hiểu kỹ nên họ đã vô tình tiếp tay cho đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Hậu quả từ sự cả tin đã khiến nhiều người khuynh gia bại sản vì cầm cố, thế chấp nhà cửa, tài sản để vay tiền góp vốn làm ăn với đối tượng

(Theo CAND)