Trong nhiều tháng liền, CPI thấp, giá xăng giảm liên tục thì nhiều mặt hàng, dịch vụ không chịu giảm giá theo thị trường buộc phải can thiệp.

Ép đủ kiểu mới chịu giảm

Hồi đầu tháng 11, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các Sở Tài chính kiểm tra, yêu cầu các hãng, cá nhân kinh doanh sữa cần tính toán lại chi phí trực tiếp cũng như gián tiếp phù hợp với đầu vào nguyên liệu. Đồng thời đề nghị các hãng sữa tính toán lại chi phí để giảm giá.

Việc này động thái quản lý rất thời sự nhưng lại cho thấy một sự bất lực trong quản lý giá sữa vốn bất kham. Còn nhớ, hồi đầu năm Bộ Tài Chính đã lần đầu tiên áp trần giá sữa, giúp cho giá giảm tới 22%. Đây là biện pháp nặng nhất đối với thị trường do các DN FDI thống lĩnh và vốn rất tự do này.

{keywords}
Nhiều mặt hàng không giảm giá theo diễn biến chung.

Tuy nhiên, sau đó trên thị trường sữa vẫn tìm nhiều cách lách để tránh kiểm soát và tăng giá. Và kể cả khi giá sữa thế giới giảm thì giá trong nước vẫn chưa giảm buộc Bộ Tài chính một lần nữa vào cuộc.

Đối với giá vận tải, sau nhiều lần xăng dầu giảm giá nhưng giá cước vẫn không hề giảm. Dự luận và các DN phản ứng quá mạnh thì Bộ Tài chính phải văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý, địa phương, DN và cầu tới cả Bộ Giao Thông vào cuộc để giảm giá cước.

Và sau một thời gian ngắn vào cuộc rầm rộ, việc giảm giá vốn dĩ là tất yếu theo quy luật thị trường thì buộc phải can thiệp, ép giảm bằng nhiều cách với sự vào cuộc rầm rộ để rồi đồng loạt ký kết, cam kết, báo cáo thành tích giảm giá.

Đến chiều 25/11, ‘thành tích’ giảm giá cước được báo cáo là can thiệp kịp thời để yêu cầu các DN vận tải phải giảm giá theo giá xăng dầu. Mức giảm thấp nhất khoảng 2% và cao nhất cũng đã lên tới 33%.

Đến nay, các loại giá cả do Nhà nước điều tiết cũng đều đã tới giới hạn của việc tăng cao, như giá dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh, giá than... Hiện chỉ có giá điện vẫn còn khoảng trống tăng giá theo lộ trình thị trường hoá.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 đã giảm 0,27% so với tháng 10. So tiếp tới tháng 12/2013, CPI mới chỉ tăng 2,08%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ: "Bề ngoài, CPI tháng 11 âm là có khác thường. Vì theo chu kỳ, thường cuối năm sẽ tăng giá. Trong 10 năm qua, chỉ có duy nhất CPI tháng 11/2008 là tăng trưởng âm".

Nói về tác động kiềm chế và giảm giá thời gian qua, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, người tiêu dùng hiện giờ đã chi tiêu thông minh hơn. Người dân tính toán chi tiêu cũng góp phần giá cả không thể tăng được.

Thêm vào đó, chính sách điều hành của Chính phủ đã đúng hướng, khi chuyển từ kiềm chế lạm phát năm 2013 sang mức độ kiểm soát lạm phát năm 2014, nghĩa là giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định.

Chu kỳ ổn định mới

Ông Lâm phân tích, lạm phát năm nay thấp bắt nguồn từ nguyên nhân giá cả hạ nhiệt, chứ hoàn toàn không phải do nguyên nhân tổng cầu yếu, sản xuất suy giảm. Đặc điểm này hoàn toàn trái ngược với bản chất lạm phát năm 2013 thấp.

Khi đó, Bộ Công Thương cho biết, chỉ số tồn kho rất lớn, thậm chí có ngành lên tới 70-80%. Sức mua trên thị trường quá yếu khiến cho doanh nghiệp buộc phải hạ giá, sản xuất cầm chừng, trong khi giá cả đầu vào từ thị trường thế giới vẫn tăng.

Năm nay, tình hình hoàn toàn khác. Như đã công bố, 4 nhóm hàng hoá đều giảm mạnh, trong đó, đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI tới 37% và nhóm giao thông đã kéo tụt CPI tháng 11 xuống.

{keywords}
Cước vận tải chỉ giảm khi bị ép mạnh.

Riêng xăng dầu trong nước đã giảm tới 21% so với đầu năm. Giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore chỉ còn 85 USD/thùng và có thể còn rơi xuống mức 65 USD/thùng.

Giá thực phẩm, nông sản, lúa gạo, sắt thép, phân bón, sữa... đều giảm sâu, trung bình từ 10-15%.

Tháng 3, CPI âm cũng được xác nhận không phải cầu yếu, mà do Bộ Công Thương đã tổ chức nguồn cung dồi dào nên giá cả dịp Tết và ra Giêng không tăng.

Một minh chứng khác được ông Lâm nêu ra là tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, loại trừ yêu tố giá trong 11 tháng qua vẫn tăng 6-6,5%, cao hơn mức 5,7% năm 2013. Điều đó càng cho thấy, lạm phát thấp không phải do sức mua yếu và sản xuất suy giảm.

Lạm phát dưới 3% của Việt Nam năm nay sẽ còn thấp hơn cả năm 1996 là 4,5%, năm 1997 là 3,7%, năm 2002 tăng 4%, năm 2003 tăng 3%. Mức lạm phát trên chỉ cao hơn giai đoạn kinh tế bị giảm phát như năm 1999, lạm phát 0,1%, năm 2000, lạm phát âm 0,6%.

"Nhiều người vẫn cho rằng lạm phát cao, GDP tăng cao thì tốt cho nền kinh tế, lạm phát thấp quá sẽ ảnh hưởng tới GDP. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi đều cho thấy, chẳng có mối quan hệ tỷ lệ thuận nào giữa GDP và lạm phát", ông Lâm nói. Và trường hợp tốt nhất cho kinh tế Việt Nam là đạt tăng trưởng cao, lạm phát thấp.

Thực tế năm 1996-2002, lạm phát bình quân 4% nhưng tăng trưởng 8% đã chứng tỏ rằng, không thể bắt buộc tăng trưởng cao thì lạm phát sẽ cao. Đối với DN tư nhân và người dân, lạm phát cao là khoản thuế vô hình đánh vào túi tiến của tất cả mọi người.

Tỷ lệ cộng dồn lạm phát từ năm 2007-2012 là 69,6% nhưng tăng trưởng chỉ có 37,72%. Năm 2014 có thể bắt đầu một thời kỳ mới ổn định hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết: "Tổng Cục Thống kê dự báo lạm phát cả năm 2014 sẽ chỉ dưới 3%". Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng con số này chỉ 2,5%. Như vậy, lạm phát năm nay bằng một nửa so với năm 2013, thấp xa so với mục tiêu lạm phát 5% vừa điều chỉnh của Chính phủ.

Dưới 3% cũng là mức lạm phát thấp kỷ lục trong 10 năm gần đây. Giai đoạn từ 2004-2013, có 4 năm lạm phát dưới 7% là 2006, 2009, 2011 và 2013, trong đó, năm 2013 có mức thấp nhất là 6,04%. Còn lại, các năm khác đều giữ mức rất cao và đỉnh điểm nhất là 19,89% hồi năm 2008.

Phạm Huyền