- Thêm một lần nữa Ngân hàng Nhà nước kiên nhẫn gia hạn chính sách cho vay ngoại tệ với các DN sản xuất hàng xuất khẩu và đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho dù định hướng chung là phải chuyển dần quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán và thực hiện chủ trương chống đô-la hóa.

Lần thứ 3 gia hạn

Hôm 18/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chính thức xác nhận chủ trương cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tự quyết cho vay ngoại tệ đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu và nhập xăng dầu được vay ngoại tệ đến hết năm 2015, thay vì sẽ chấm dứt hoạt động cho vay đối với hai nhóm nhu cầu này sau ngày 31/12/2014 theo như thời hạn hiệu lực của Thông tư số 29/2013/TT-NHNN.

Bà Hồng cho biết, ngay trong tuần tới, NHNN sẽ có thông tư hướng dẫn thay thế Thông tư số 29/2013/TT-NHNN.

Như vậy, những lo ngại về việc các TCTD sẽ phải chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với phần lớn các nhu cầu của DN hiện nay từ sau ngày 31/12/2014 đã được giải tỏa. Đây cũng là lần thứ 3, NHNN gia hạn sau khi đã nhượng bộ hai lần cho các năm 2013 và 2014.

Trước đó, để thực thực hiện Đề án chống đô la hóa nền kinh tế, NHNN đã thu hẹp dần khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ. Trong Thông tư 37 năm 2012, NHNN đã quy định đến hết ngày 31/12/2013 phải chấm dứt cho vay ngắn hạn đối với hai nhu cầu nói trên. Tuy nhiên, cuối năm 2013, NHNN đã ban hành Thông tư 29 cho phép các đối tượng trên vay vốn ngoại tệ đến hết ngày 31/2/2014.

{keywords}

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Trên thực tế, trong cả năm 2014, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cho vay ngoại tệ đối với bốn nhu cầu vốn theo Thông tư 29, trong đó hai nhu cầu nói trên chấm dứt sau ngày 31/12/2014.

Hai nhu cầu khác vẫn được thực hiện bình thường. Đó là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Và cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Theo bà Hồng, hiện nay dư nợ cho vay ngoại tệ đối với các DN thực hiện phương án sản xuất kinh doanh xuất khẩu qua biên giới và thanh toán đơn hàng nhập khẩu xăng ngắn hạn vào khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ. Trong đó, vay nhập khẩu xăng chiếm 6% và vay xuất khẩu chiếm 24%.

Tỷ trọng cho vay ngoại tệ, trong khi đó, chiếm khoảng 10-15% tổng dư nợ tín dụng và có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Kiên định mục tiêu chống đô la hóa

Trao đổi về mục tiêu chống "đô-la hóa" trong nền kinh tế, Phó Thống đốc Hồng khẳng định, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu này và có sự linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, yêu cầu là phải chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán.

{keywords}

NHNN kiên nhẫn gia hạn chính sách cho vay ngoại tệ với các DN sản xuất hàng xuất khẩu và đầu mối nhập khẩu xăng dầu

"Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các TCTD chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ", Phó Thống đốc khẳng định.

Có thể thấy, chủ định khép tín dụng ngoại tệ của nhà điều hành khá rõ ràng trong vài năm gần đây. Mặc dù vậy, có lẽ vì lợi ích chung, đã có sự trì hoãn trong các chính sách điều hành.

"Việc tiếp tục duy trì chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các DN có thể vay được ngoại tệ, tiết giảm chi phí khi lãi suất tiền đồng cao hơn lãi suất cho vay ngoại tệ và tỷ giá đang ổn định", bà Hồng cho biết.

Xét về bản chất, các quyết định nói trên là một sự hỗ trợ đối với các DN, nhất là các DN trong lĩnh vực nông lâm thủy sản và để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tín dụng ngoại tệ. Các DN trong các lĩnh vực này đã được hưởng lợi lớn trong các năm vừa qua.

Đơn giản có thể thấy, với biến động tỷ giá điều hành rất ổn định chỉ 1-2% trong năm gần đây, các DN đã chủ động vay ngoại tệ mà hoàn toàn có thể kiểm soát được rủi ro. Lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ khoảng 3-5%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi vay bằng VND.

Cũng theo bà Hồng, những lần gia hạn đối với hai nhu cầu tín dụng ngoại tệ nói trên là xuất phát từ thực tế. Trong những lần đi địa phương, như xuống Cần Thơ năm trước đây, các DN nông lâm thủy sản đã kiến nghị về vấn đề này, họ đề nghị có giải pháp hỗ trợ các DN xuất khẩu thông qua hình thức vay bằng ngoại tệ có lợi hơn về chi phí.

Bên cạnh đó, về phía các TCTD, trong điều kiện hiện chưa thực sự thông suốt bởi sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu, thì việc cho phép NH mở rộng cho vay ngoại tệ này sẽ tạo điều kiện cho hệ thống NH mở rộng tín dụng hơn.

"Trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, NHNN cho phép các TCTD lại tiếp tục được tự quyết cho vay với hai nhu cầu này đến hết năm 2015".

Thực tế cho thấy, trong hai năm qua, tình hình kinh doanh của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, tín dụng chưa mở rộng nhiều do nhu cầu trong nước còn thấp. Thị trường ngoại tệ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có cung cầu ngoại tệ, quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kiều hối, FDI, FII... Cân đối được tất cả các yếu tố trên thì mới có được những cam kết trong điều hành tỷ giá - một chỗ dựa quan trọng cho DN và nền kinh tế nói chung.

Cho tới thời điểm này, Thống đốc NHNN chưa đưa ra định hướng về biến động tỷ giá USD/VND cho năm 2015. Tuy nhiên, 2% là điều mà nhiều người nghĩ tới bởi mục tiêu lớn nhất của NHNN trong vài năm gần đây là ổn định tỷ giá để phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Mạnh Hà