Hàng tỷ USD sẽ được dành để mua máy bay xịn nhưng liên tục giảm giá vé, khuyến mãi... để cạnh tranh kéo khách... Người khéo mua có thể bay Hà Nội - Sài Gòn với giá rẻ hơn tàu hỏa.
Hàng không Việt Nam 2014, các hãng ganh nhau sắm tàu bay, mở đường bay mới, giảm giá vé,... khiến cuộc đua mở rộng thị phần ngày càng quyết liệt.
Trên đường đua tỷ đô
Thị trường hàng không nội địa năm 2014, theo Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục đà sự tăng trưởng khi vận chuyển được 17,5 triệu hành khách, tăng 20,5% so với năm trước đó.
Năm qua, có quá nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng không tại Việt Nam. Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan, Ukraine, và đặc biệt là sự kiện biển Đông... khiến lượng khách đi máy bay sụt giảm nghiêm trọng ở một số thị trường trọng điểm. Các vụ tai nạn hàng không bất ngờ ập đến càng khiến tâm lý khách bay hoảng sợ.
Khách hành ngày càng có nhiều cơ hội đi máy bay với giá vé hợp lý. |
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, giá dầu thô rớt mạnh giúp kinh doanh hàng không “dễ thở” hơn. Cộng với đó, kinh tế ấm lên, du lịch khởi sắc, nhu cầu đi lại của hành khách tăng,... thì tính cả năm, hoạt động kinh doanh của các hãng vẫn rất khả quan.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa cho hay năm qua đạt hơn 15,75 triệu hành khách, tăng gần 7% so với năm 2013. Mặc dù hệ số sử dụng ghế tại nhiều thị trường giảm mạnh, nhưng trên toàn mạng vẫn đạt xấp xỉ 80%.
Nhờ đó, tổng doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty năm 2014 ước đạt 71.970 tỷ đồng, bằng 102% với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt khoảng 647 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2013.
Hàng không tư nhân VietJet Air, năm 2014, kết quả kinh doanh cũng sáng sủa. Lượng khách trên mạng đường bay nội địa tăng 79%, mạng quốc tế tăng 50%. “Năm qua, hãng chuyên chở gần 6 triệu hành khách, doanh thu tăng 55%. Như vậy, sau 3 năm kể từ từ chuyến bay đầu tiên, gần 10 triệu hành khách đã đi máy bay VietJet”, Tổng giám đốc điều hành của hãng, ông Lưu Đức Khánh, tiết lộ.
Đạt được kết quả trên, năm nay, thị trường hàng không đã chứng kiến những cuộc đua “nóng” giữa các hãng hàng không nội địa trong việc “rót tiền” mở rộng đội tàu bay, mở đường bay mới, bất chấp kinh tế còn khó khăn.
Nếu Vietnam Airlines nhắm đến những chiếc tàu bay thế hệ mới nhất, hiện đại, tiện nghi, được ví như những “khách sạn 5 sao” là Boeing 787-9, Airbus A350-900, thì hàng không tư nhân VietJet Air cũng chứng tỏ tiềm lực của mình khi con số tăng trưởng về đội tàu bay đạt 53%. Chiếc tàu bay thứ 20 của hãng về Việt Nam đúng vào ngày cuối cùng của năm 2014. Từ nay đến 2020, lần lượt những chiếc máy bay trong hợp đồng mua, thuê 100 chiếc sẽ được hãng đưa vào khai thác. Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng đổ tiền đầu tư, mở rộng đội tàu bay, nâng tổng số tàu bay đến Tết Nguyên đán của hãng lên 10 chiếc.
Có thêm tàu bay, các hãng liên tục mở đường bay mới. Vietnam Airlines chú trọng mở rộng mạng đường bay quốc tế, với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... VietJet Air, ngoài nhắm tới các đường bay đông khách trong nước, năm qua hãng cũng bắt đầu khai thác các chuyến bay quốc tế đi Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Bangkok (Thái Lan). Jetstar Pacific ngoài mở rộng mạng đường bay nội địa đã lấn sân ra quốc tế khi mở lại đường bay tới Thái và Sing.
Cuộc cạnh tranh trực diện giữa các hàng khiến khách hàng được hưởng lợi. |
Cuộc đua về giá vé mới diễn ra đặc biệt gay gắt. Chương trình “Khoảnh khắc vàng”, thường giảm giá tới một nửa các chặng bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines, giờ đã lên con số 16, tức 16 lần giảm giá trong một năm. Các hãng hàng không giá rẻ dường như đang nhìn nhau để giảm giá. VietJet Air liên tục tung ra hàng nghìn vé rẻ, từ 0 đồng, 19.000 đồng đến 100.000 đồng... Jetstar Pacific, đương nhiên, tuần nào cũng mở bán giá rẻ. Chưa kể, nhân dịp mở đường bay mới, các hãng cũng ồ ạt tung ra các mức giá hấp dẫn. Hành khách, tất nhiên là những người được lợi hơn cả nhờ có sự cạnh tranh này.
Co kéo thị phần
Cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường hàng không khiến thị phần hành khách giữa các hãng liên tục dịch chuyển. Thống kê gần đây nhất từ Cục Hàng không cho thấy, thị phần khách nội địa của Vietnam Airlines là 56%, VietJet Air 29,4%, Jetstar Paciffic 13,1% và Vasco 1,5%. Theo một nguồn tin, đến tuần cuối cùng của năm 2014, thị phần nội địa của VietJet Air đã chạm mốc 35%.
Dự báo, năm mới 2015, con số trên còn biến động. Trong cuộc đua giành thị phần hành khách nội địa, mỗi hãng đều chứng tỏ được lợi thế cũng như bộc lộ sự yếu kém của mình.
Vietnam Airlines năm qua vừa hoàn tất việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thu về hơn 1.093 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ nay hãng sẽ hoạt động như một công ty cổ phần, bình đẳng với các doanh nghiệp khác, không trông đợi gì từ ưu ái về vốn vay, bảo lãnh của Chính phủ. Hơn nữa, số lợi nhuận của hãng trong năm qua vẫn là tính trên toàn tổng công ty, nếu tách riêng doanh thu từ khai thác bay thì khó có thể đạt mức cao.
Chưa kể, hãng vẫn phải có trách nhiệm với “gánh nợ” JPA - mặc dù có ưu thế phát triển mảng hàng không giá rẻ, song tình hình tài chính vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có thông tin về việc sẽ tách JPA ra, nhưng thời điểm nào vẫn là một ẩn số.Trong khi đó, VietJet Air lại đang trên đà phát triển năng động. Hãng này dự kiến IPO trong năm 2015 để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, mở rộng đội tàu bay và mạng đường bay. Điều đặc biệt, có tới 40% lượng hành khách của hãng là bay lần đầu, nên tiềm năng về khách bay của hãng rất lớn. Song, hãng cần khắc phục tình trạng chậm, huỷ chuyến cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.
Riêng Jetsstar Pacific, với sự trợ giúp của Vietnam Airlines, đang dần lấy lại phong độ của mình. Tuy nhiên, việc không được tự chủ về kế hoạch kinh doanh cũng như lỗ luỹ kế tới thời điểm này vẫn là vài nghìn tỷ, hãng cần có nhiều thời gian để giải quyết, khó bứt phá ngay được.
Ngọc Hà