- Tình trạng các gian hàng cả ngày không một bóng người tham quan mua sắm, phải treo biển giảm giá hơn 50%, có chỗ đóng cửa vì ế ẩm... không chỉ khiến Grand Plaza hay Parkson Landmark "chết lâm sàng", mà còn là viễn cảnh u ám của các trung tâm mua sắm hạng sang.

Cắn răng chịu lỗ

Thống kê mới nhất do CBRE vừa công bố, Hà Nội hiện có 18 trung tâm thương mại, 3 trung tâm thương mại tổng hợp và 8 sảnh bán lẻ. Tổng nguồn cung mặt bằng lên tới 625.000 m2. Riêng 2014 đã có 5 dự án gia nhập thị trường cung cấp thêm khoảng 55.000 m2 diện tích cho thuê.

So với các nước trong khu vực, số trung tâm mua sắm tại Hà Nội vẫn còn quá ít ỏi, tuy nhiên về mức độ hấp dẫn người tiêu dùng cũng như doanh thu lại rất khiêm tốn. Nhiều gian hàng cả ngày không có một bóng người vào tham quan mua sắm, có gian treo biển giảm giá hơn 50%, hay nhiều gian hàng phải đóng cửa vì ế ẩm... là những gì đang tồn tại ở các trung tâm thương mại cao cấp tại Hà Nội. 

Parkson Hà Nội cho biết kể từ khi mở cửa - năm 2011 - đến nay chưa ngày nào công ty đạt doanh thu như kế hoạch đề ra. Các gian hàng cũng phải chịu những khoản lỗ lớn. Không chỉ có Parkson thua lỗ mà sẽ còn rất nhiều nhà bán lẻ hạng sang khác có mặt tại Việt Nam đối mặt với viễn cảnh này.

{keywords}

Doanh thu trên mỗi mét vuông sàn quá thấp

Được khôi phục lại từ công trình “bách hóa tổng hợp Tràng Tiền” có giá trị lịch sử và truyền thống của thủ đô, sau hơn 2 năm tu sửa, Tràng Tiền Plaza khai trương với sự có mặt của các thương hiệu lớn như: Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex...

Đây vốn được xem là trung tâm thương mại cao cấp bậc nhất Hà Nội, sánh ngang tầm các trung tâm mua sắm lớn trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi khai trương, Tràng Tiền Plaza ngày càng vắng khách. Sự kiện trung tâm này tạm dừng đóng cửa sửa chữa hồi tháng 8/2014 sau khi đã đầu tư lên đến 400 tỷ đồng không gây ngạc nhiên với nhiều người.

Sau 2 lần đóng cửa, trung tâm này vừa trở lại hồi tháng 12/2014 với nhiều mặt hàng giá rẻ hơn. Theo CBRE, lần mở cửa gần đây nhất Tràng Tiền Plaza buộc phải thay đổi cơ cấu khách thuê khi có thêm nhiều gian hàng ẩm thực, ăn uống, mặt hàng phù hợp với nhu cầu người Hà Nội hơn.

Trước đó, thị trường bán lẻ từng chứng kiến "cái chết" của nhiều trung tâm thương mại hạng sang. Năm 2013, sau 2 năm hoạt động, Trung tâm thương mại Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) đành đóng cửa vì ế ẩm. Hàng Da Galleria - sau nhiều lần cải tổ - đến nay vẫn đang chật vật vì kinh doanh không hiệu quả. Khi mới khai trương, nơi đây cũng hút khá nhiều khách thuê kiốt với kỳ vọng “hốt bạc” từ khách tới mua sắm vì nằm tại vị trí đắc địa, cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 1km.

Trung tâm thương mại Mipec Mall cũng phải tái cơ cấu khi cho nhà bán lẻ Lotte Mart (Hàn Quốc) thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) của Pico Mall trước đó.

Áp lực phía trước

Doanh thu èo uột trong khi đó giá thuê mặt bằng bán lẻ ở các TTTM cao cấp lại cao ngất ngưởng. Theo báo cáo mới nhất của CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ năm 2014 dù giảm bình quân tới 15,5% tại khu vực trung tâm và 10,4% tại khu vực ngoài trung tâm so với năm 2013, nhưng vẫn khá cao bình quân khoảng 85 USD/m2/tháng ở khu trung tâm, và khoảng 60 USD/m2/tháng đối với các TTTM tổng hợp, khu sảnh bán lẻ và TTTM dao động từ 30-50 USD/m2/tháng ở ngoài trung tâm.

Đánh giá về thị trường, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho rằng việc đóng cửa Parskon Landmark là diễn biến hoạt động kinh doanh bình thường, không chỉ ở Việt Nam. Trung tâm mua sắm hoạt động không tốt sẽ phải đóng cửa hoặc cải tạo lại, trong khi thị trường vẫn đón các thương hiệu mới hay các trung tâm khác mở rộng kinh doanh.

{keywords}

Các trung tâm mua sắm đua nhau khuyến mãi

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các TTTM mở ra quá nhanh, quá nhiều, cạnh tranh với nhau và quá lạc quan về tiêu dùng của người dân Việt Nam nên dẫn đến lỗ lã, đóng cửa.

Tại một cuộc hội thảo mới đây, các chuyên gia bán lẻ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc bán hàng như kiểu bao cấp của một số trung tâm mua sắm chính là yếu điểm mất khách. 

Trong giai đoạn hiện nay mặc dù người tiêu dùng ngày càng thắt chặt hơn trong chi tiêu, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Không ít các tập đoàn bán lẻ quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan vẫn tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Thậm chí, họ còn bàn đến câu chuyện "se duyên" cùng các nhà bán lẻ trong nước để nắm bắt xu hướng thị trường, hình thành những mô hình bán lẻ mới.

CBRE dự báo, từ năm 2015 sân chơi bán lẻ sẽ cạnh tranh bình đẳng hơn giữa công ty trong nước và nước ngoài khi đầu 2015 theo cam kết WTO, Việt Nam phải cho các công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh 110/115 ngành hàng mà không phải kiểm tra ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế), được cho là rào cản đối với các công ty nước ngoài.

Thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh và có nhiều tên tuổi các nhà phân phối gia nhập thị trường phân phối hàng xa xỉ, đồ hiệu khiến cho sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Các trung tâm mua sắm không còn cách nào khác là phải tự thay đổi để thích nghi. 

D.Anh