Hoá chất vào cơ thể trên ngưỡng cho phép sẽ tác động đến cấu trúc AND, làm thay đổi cấu trúc các protein trong cơ thể, gây nên các đột biến về gene.

TIN BÀI KHÁC


Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng tìm thấy tỷ lệ mẫu táo, lê của Trung Quốc dư lượng bảo quản Carbendazim là 45,8% vào năm 2006. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường USEPA của Mỹ, Carbendazim được xếp vào nhóm C - có thể gây ung thư.
 
GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện hóa học, khẳng định: “Hoá chất hoá học, khi đã vào cơ thể trên ngưỡng cho phép sẽ tác động đến cấu trúc AND, làm thay đổi cấu trúc các protein trong cơ thể gây nên các đột biến về gene dẫn tới nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư…"

Khó xác định chính xác chất bảo quản
 
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, nguyên Viện phó Viện Công nghệ sau thu hoạch, cho biết nếu bảo quản bằng các biện pháp an toàn như xử lý vật lý, dùng nhiệt, dùng các sản phẩm thuốc tím… thì thời gian cam tươi có thể kéo dài 1 - 2 tháng, mận tươi 10 ngày, vải tươi 3 - 4 ngày, chứ không hoa quả nào giữ được tới 4 - 6 tháng như nhiều loại đang bán trên thị trường hiện nay.
 
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, một số hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc được phát hiện trên thị trường thời gian qua đã được ngâm qua chất bảo quản từ trước, rồi mới nhập về Việt Nam. Vì thế, với công nghệ của ta hiện nay, rất khó để xác định chính xác hoa quả đã sử dụng loại chất bảo quản gì.
 
“Chúng ta chỉ có thể kiểm tra được dư lượng hóa chất trên hoa quả có vượt quá ngưỡng cho phép hay không, còn nếu muốn biết đó chính xác là chất gì thì cần có chất chuẩn, phải biết được nguồn gốc của loại thuốc đó, mà điều này rất khó”, ông Huân nói.
 
Nhiều người tiêu dùng đã tận mắt chứng kiến những loại quả để vài tháng vẫn không hề hấn gì.
 
Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến cáo: “Để hạn chế mua phải những loại hoa quả có chất bảo quản độc hại, người tiêu dùng không nên mua hoa quả trái vụ và những loại quả có hương vị màu sắc khác thường. Nên mua ở những cửa hàng hoa quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi chỗ đó thường lõm. Vì thế, nên ngâm quả rồi hãy rửa. Cách rửa để tồn dư hóa chất trôi đi nhiều nhất là rửa liên tục dưới vòi nước chảy, vừa rửa vừa dùng tay sát nhẹ vào vỏ trái”.
 
Tươi mãi... không thối!

 
Thông tin về nhiều loại hoa quả "bẩn" đã được nhiều người tiêu dùng kiểm chứng. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, cách đây vài tháng, chị có mua 5 quả lê vàng về để cúng rằm, đứa con nghịch ngợm làm lăn một quả vào gầm giường, do đang bận việc nên chị không tiện lấy ra ngay rồi quên khuấy đi mất. Hai tuần trước, gia đình chị chuyển nhà, lúc thu dọn đồ đạc mới thấy quả lê trong góc ở gầm giường vẫn còn vàng ươm, không hề chuyển màu.

“Cầm quả lê lên tôi giật mình khi thấy lớp vỏ chỉ bị héo đi một chút, cuống vẫn còn nguyên không bị rụng, làm gì có loại quả bình thường nào mà để đến bốn, năm tháng vẫn không bị thối như thế. Từ khi đó, tôi không bao giờ dám mua lê về ăn nữa”, chị Liên nói.
 
Không vô tình phát hiện như chị Liên, chị Nguyễn Ánh Tuyết, ở Quan Nhân, Hà Nội còn tự tay làm thử nghiệm với loại táo đỏ, ăn giòn, ngọt vẫn được các bà bán hàng quảng cáo là “táo mèo Lạng Sơn” và sau đó đã phải “từ giã” món ăn khoái khẩu này mãi mãi.
 
Chị Tuyết nhớ lại: “Tôi thường xuyên mua loại táo đó vì cả nhà rất thích ăn. Nhưng một lần nghe mấy chị bạn trên cơ quan khuyến cáo đó là táo Trung Quốc, có nhiều chất bảo quản độc hại nên tôi quyết định làm thí nghiệm để ba quả trên nóc tủ bếp ba tuần rồi một tháng, hai tháng, đến ngày đầu tiên của tháng thứ ba vẫn thấy chúng tươi nguyên. Hoảng quá, tôi vứt đi vội rồi cấm các con không được ăn loại táo đó nữa”.
 
Hoa quả Trung Quốc bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay khiến người tiêu dùng đứng, ngồi không yên về việc có hay không các loại chất bảo quản hoa quả và nếu có thì chúng độc hại tới mức nào.
 
“Hoa quả để đến vài tháng mà không bị hỏng chắc chắn đã được ngâm hóa chất gì đó. Bây giờ ra chợ tôi không biết mua gì về ăn cho an toàn, hàng Trung Quốc họ cũng bảo là của Mỹ, rồi trong nước nên chẳng biết đường nào mà lần. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý thật nặng những người bán hàng vì hám lợi mà làm hại sức khỏe cộng đồng”, chị Liên bức xúc.
 
(Theo Đất Việt)