Dù sở hữu số vốn lên tới hàng nghìn tỷ USD và có quy mô hoạt động trên toàn
cầu nhưng không ít “ông lớn” vẫn phải “cầu cạnh” Chính phủ Mỹ để tránh đối mặt
với bi kịch phá sản.
TIN BÀI KHÁC:
‘Cá mập’ nhà đất xin viện trợ
Sau tuyên bố thua lỗ nặng trong quý I/2011, Tập đoàn cho vay thế chấp nhà lớn
nhất nước Mỹ Fannie Mae lại phải cầu cứu Chính phủ khoản tiền cứu trợ 8,5 tỷ
USD.
Báo cáo tài chính của tập đoàn công bố ngày 6/5 cho biết, trong ba tháng
đầu năm nay, Fannie Mae lỗ 8,7 tỷ USD. Theo Fannie Mae, nguyên nhân thua lỗ là
do giá nhà giảm 1,8% trong ba tháng đầu năm khiến số nhà bị tịch thu tăng lên
khi nhiều chủ nhà vay tiền thế chấp để mua nhà, nhưng phải bỏ nhà khi giá bán
không bằng số tiền vay thế chấp.
|
Với khoản đề nghị cứu trợ trên, tổng số tiền mà tập đoàn ngân hàng này vay Chính
phủ Mỹ từ tháng 9/2008 lên tới 99,7 tỷ USD. Đây là gói cứu trợ lớn nhất của
Chính phủ đối với một công ty.
Trong khi đó, một “đại gia” cho vay thế chấp “anh em” của Fannie Mae là Freddie
Mac mới đây cũng thông báo lỗ gần một tỷ USD trong quý đầu năm nay và có khả
năng sẽ “cầu cứu” Chính phủ trong tương lai không xa.
Đây không phải lần đầu tiên hai “con cá mập” nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac
phải cầu viện Chính phủ. Năm 2007, bong bóng nhà đất Mỹ tan vỡ châm ngòi cho
cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng dưới chuẩn, từ đó gây ra cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu và suy thoái kinh tế.
Cùng với việc nền kinh tế số 1 thế giới khủng hoảng nghiêm trọng năm 2008, hai
nhà cho vay thế chấp lớn nhất của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac, chiếm 40% thị
phần, với tổng tài sản vào khoảng 5.000 tỷ tuyên bố mất khả năng thanh toán gây
chấn động thị trường tài chính thế giới.
Hai năm trôi qua kể từ khi nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ, hoạt động kinh doanh
của Fannie Mae vẫn không khá hơn và một lần nữa phải kêu cứu.
Lúc này, Tổng thống Obama nhận thấy Fannie và Freddie đang trở nên rất quan
trọng trong chương trình giải cứu thị trường nhà đất, do đó hai “đại gia” bất
động sản bắt đầu nhận được cứu trợ từ Chính phủ. Chương trình này nhằm mục đích
tái cấp vốn hoặc điều chỉnh nợ cầm cố nhà cho 9 triệu người Mỹ để họ tránh khỏi
cảnh bị tịch biên nhà.
Từ khi được Chính phủ thành lập lần lượt vào các năm 1938 (Fannie Mae) và
1970 (Freddie Mac) đến nay, hai ngân hàng thế chấp nhà đất này tạo điều kiện cho
hàng triệu người Mỹ có mức thu nhập trung bình và thấp vay tiền mua nhà với lãi
suất hợp lý. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ xảy ra, Fannie Mae và
Freddie Mac bơm 5.900 tỷ USD, tức khoảng 3/4 tổng vốn cho vay trên thị trường
cầm cố nhà đất.
|
Tháng 12/2009, Chính phủ Mỹ tuyên bố hủy bỏ giới hạn viện trợ 400 tỷ USD đặt ra
từ đầu cho hai đại gia nhà đất, nhưng cam kết trong ba năm tới Chính phủ vẫn sẽ
hỗ trợ vốn bất chấp hai đại gia này thua lỗ bao nhiêu.
Như vậy, trong khi Mỹ đang cõng một khoản nợ công vượt ngưỡng 14.000 tỷ USD thì
việc tiếp tục cứu trợ cho hai “đại gia” nhà đất này là một thách thức không nhỏ.
‘Gã khổng lồ’ xe hơi phó thác số mệnh
Rơi vào tình cảnh chung với Fannie Mae và Freddie Mac, Tập đoàn xe hơi lớn nhất
nước Mỹ General Motors (GM) cũng phải “gửi gắm” số phận của mình cho Chính phủ.
Trước tình hình hiệu quả kinh doanh xuống dốc, ban lãnh đạo GM lập một bản kế
hoạch tái cơ cấu với đề nghị cứu trợ lên tới 30 tỷ USD. Tuy nhiên, do nhận thấy
sự thiếu khả thi của kế hoạch này, Chính phủ Mỹ quyết định bác đề nghị trên và
giải cứu kiểu “nhỏ giọt”.
“Gã khổng lồ” GM được Chính phủ Mỹ không ít lần “giang tay cứu giúp”.
Ngày 21/4/2004, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố chi cho GM 19,4 tỷ USD trong vòng 60
ngày để tái cơ cấu các kế hoạch tránh phá sản. Tuy nhiên, con số này dường như
không thấm tháp vào đâu so với những khoản thua lỗ khổng lồ. Vì vậy, đến ngày
23/5, GM lại được Chính phủ Mỹ đồng ý cho vay thêm 4 tỷ USD để tránh nguy cơ cạn
vốn hoạt động.
Suốt hơn một thế kỷ, tập đoàn sản xuất ô tô General Motors là “một phần của sức
mạnh Mỹ”. Trong suốt quá trình ra đời và trưởng thành, GM tiêu biểu cho một nền
công nghiệp được coi là trái tim của sức mạnh kinh tế Mỹ. Nó tạo ra nhiều việc
làm trình độ cao và thu nhập tốt, đồng thời cung cấp các sản phẩm đặc trưng của
đất nước cho người Mỹ. Cùng với Chrysler, GM là trụ cột thứ 2 trong ngành sản
xuất ô tô Mỹ không thể tồn tại trước sự khắc nghiệt của thương trường.
|
Liên tiếp nhận tiền cứu trợ nhưng hoạt động của GM vẫn không khá hơn và “gã
khổng lồ” này đã phải đối mặt với thảm kịch phá sản. Đến lúc này, để cứu vãn
hình ảnh của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, chính quyền của Tổng thống Obama quyết
định tung 30 tỷ USD để mua lại 60% cổ phần của GM sau khi nộp đơn xin phá sản và
tái cơ cấu toàn diện.
Ngân hàng lớn nhất Mỹ ‘hết hơi’
Trước GM không lâu, Chính phủ Mỹ cũng phải giang tay cứu giúp “đại gia” ngân
hàng của nước này – Bank of America. Ngày 24/1/2009, Chính phủ Mỹ thông qua kế
hoạch hỗ trợ 20 tỷ USD cho Bank of America, đồng thời còn đảm bảo 98,2 tỷ USD
tài sản có vấn đề cho ngân hàng này.
Theo kế hoạch này, Bank of America sẽ sử dụng khoản tiền được lấy từ kế hoạch
700 tỷ USD được thông qua vào tháng 10/2008 vào việc hoàn thành thương vụ thâu
tóm Merrill Lynch.
Bank of America cũng phải nhờ đến khoản viện trợ của Chính phủ để “xốc” lại hoạt
động kinh doanh.
Bank of America trước đó lên tiếng yêu cầu Chính phủ trợ giúp khoản thua lỗ từ
thương vụ với Merrill Lynch sau khi nhận biết giá trị tài sản của Merrill trong
quý 4 giảm xuống chỉ còn 15-20 tỷ USD.
|
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ “sẽ bảo đảm cho ngân hàng này tránh được các khoản thua
lỗ lớn bất thường” đối với số tài sản trị giá 118 tỷ USD dựa trên các khoản tiền
vay bất động sản và địa ốc, vốn đang đóng băng do cuộc khủng hoảng tín dụng và
địa ốc.
Tuy nhiên, đổi lại sự ủng hộ này, Bank of America sẽ trao thêm cho Chính phủ một
lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá bốn tỷ USD, nâng tổng giá trị cổ phiếu thuộc sở
hữu của Chính phủ Mỹ lên 45 tỷ USD. Chính phủ Mỹ trở thành cổ đông lớn nhất của
ngân hàng này, nắm giữ 6% cổ phần. Ngoài ra, ngân hàng phải đồng ý giảm cổ tức
hàng quý và giảm lương của các vị trí điều hành.
‘Đại gia’ ngân hàng khác kêu cứu
Danh sách các tập đoàn lớn của Mỹ làm ăn thua lỗ và phải “xin tiền” Chính phủ
được nối dài bằng cuộc giải cứu của chính quyền Obama với ngân hàng lớn thứ 3
của Mỹ - Citigroup.
Theo quyết định công bố ngày 24/11/2008, Chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh cho lượng nợ
xấu địa ốc và các tài sản “độc hại” khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của
Citigroup, đồng thời “bơm” thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng này.
Nhờ có gói cứu trợ 20 tỷ USD của Chính phủ mà Citigroup thoát hiểm.
Để đổi lấy gói giải cứu này, Citigroup phải “nhường” cho Chính phủ Mỹ lượng cổ
phiếu ưu đãi trị giá 27 tỷ USD và mức cổ tức 8%. Mức cổ tức này cao hơn mức cổ
tức 5% mà Chính phủ Mỹ có được từ các gói đầu tư trong kế hoạch 700 tỷ USD vào
các ngân hàng khác thời gian qua. Trước đó, như một phần của Chương trình giải
cứu tài sản xấu (TARP), Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đầu tư 25 tỷ USD vào Citigroup.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng có được lượng chứng quyền trị giá 2,7 tỷ USD để
mua cổ phiếu của Citigroup trong tương lai.
Citigroup từng là đế chế tài chính mạnh nhất tại Mỹ với tài sản 2.000 tỷ USD và
là tập đoàn ngân hàng có mạng lưới dịch vụ lớn nhất thế giới - tại trên 100
nước. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, giá trị vốn hóa thị trường của
Citigroup ở thời điểm được giải cứu chỉ còn có 20 tỷ USD.
Cũng theo thỏa thuận chung về việc giải cứu Citigroup, ngân hàng này nhất trí sẽ
chịu khoản lỗ 29 tỷ USD đầu tiên cộng thêm 10% lượng thua lỗ tiếp theo trong
danh mục tài sản xấu trị giá 306 tỷ USD được bảo lãnh này. Còn lại 90% khoản
thua lỗ tiếp theo, Bộ Tài Chính Mỹ sẽ chịu trách nhiệm 5 tỷ USD, FDIC chịu trách
nhiệm 10 tỷ USD, và FED “gánh” phần còn lại.
Citigroup không phải thay đổi ban lãnh đạo, nhưng chấp nhận áp dụng các hạn chế
ngặt nghèo hơn đối với lương thưởng cho lãnh đạo và phải điều chỉnh những khoản
nợ thế chấp xấu trong danh mục 306 tỷ USD này.
‘Ông lớn’ bảo hiểm được giải vây
Trong số các cuộc giải cứu của Chính phủ Mỹ đối với các “ông lớn”, có lẽ gói cứu
trợ tập đoàn bảo hiểm AIG để lại dấu ấn nhất.
Trước sự ra đi của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, đánh dấu cuộc khủng hoảng
tài chính toàn cầu và làm giá cổ phiếu rơi tự do trên các thị trường tài chính
thế giới, giới chức Mỹ hết sức bối rối. Ngay lúc đó, thông tin thua lỗ của AIG
được tung ra. Dường như mường tượng được ra viễn cảnh đổ vỡ hệ thống tài chính
toàn cầu, giới lãnh đạo Mỹ đưa ra một quyết định lịch sử, đó là can thiệp để cứu
AIG.
AIG là “ông lớn” đầu tiên được Chính phủ Mỹ giải cứu.
Theo thỏa thuận, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho AIG vay 85 tỷ USD trong hai
năm. Đổi lại, Chính phủ Mỹ sở hữu 79,9% cổ phần AIG và có quyền thay thế ban
lãnh đạo tập đoàn này. Quyết định mang tính bước ngoặt trên của Chính phủ Mỹ
được giới phân tích đánh giá rất cao. Theo nhiều chuyên gia, nếu AIG phá sản thì
việc này sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới thị trường. AIG sụp đổ cũng
có nghĩa nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư ở Mỹ sẽ mất khả năng nhận bảo hiểm trong
trường hợp khó khăn.
AIG là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, với hơn 100.000 nhân viên trên toàn
cầu, hoạt động ở 130 nước. Tài sản của họ khoảng hơn 1.000 tỷ USD - một phần ba
trong đó là tại châu Âu.
Đây cũng là một trong những công ty nước ngoài lớn nhất kinh doanh ở Trung Quốc.
Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là bảo hiểm, nhưng không phải chỉ là bảo
hiểm gia đình, mà công ty còn làm cho các doanh nghiệp lớn, và quan trọng nhất
là ngân hàng.
|
(Theo Báo Đất Việt)