- Trước Công nguyên, tiền thân những người Óc Eo từ vùng cao Tây Nguyên thiên di xuống châu thổ kiếm nguồn thức ăn và thịt cá nơi các đồng lúa nổi. Người ta gọi dòng lúa nổi ở châu thổ sông Cửu Long là lúa trời vì cư dân lúc bấy giờ không phải gieo cấy.

Những hạt lúa chín rơi rụng và bị kết cứng trong bùn khô vào đầu mỗi mùa nắng sẽ nảy mầm khi mùa mưa đến làm cho đất mềm. Cây lúa lớn mạnh theo từng con lũ trong khi các cây cỏ khác bị chết ngộp không theo kịp nước, và về cuối mỗi mùa lụt thì chúng đơm bông, kết hạt cứng chắc, nặng trĩu, sẵn sàng cho vụ thu hoạch.

Việc thu hoạch lúa trời diễn ra vào cuối mỗi mùa nước lụt nên cư dân phải kết gỗ làm thành xuồng, bè để di chuyển theo những dòng nước nhất định tạo thành luồng lạch, khởi đầu cho việc hình thành hệ thống đường nước mà trong mùa khô chúng là con đường, sang mùa nước lại trở thành dòng kinh.

Sau này khi nhiều trung tâm cư trú đông hơn được thành lập thì người ta nối thẳng các đường nước thành sông đào, kinh đào, và tạo ra các bến nước làm nơi thuyền bè tụ họp thành thứ chợ nổi trao đổi hàng hóa sản vật. Kỹ thuật đào kinh đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng nhất của văn hoá Óc Eo và là khởi đầu cho việc hình thành văn minh sông nước giữa đồng bằng Nam bộ, là điều kiện tạo nên thương cảng Óc Eo sau này.

{keywords}

Thương Cảng Óc Eo

Thương Cảng Óc Eo được hình thành từ thế kỷ thứ I, nằm ở phía nam ngọn núi Ba Thê (An Giang này nay). Tàu thuyền sau khi qua eo biển Kra (Thái Lan) vào vịnh Rạch Giá rồi theo sông rạch vào cảng Óc Eo trao đổi hàng hóa rồi ra vịnh Cần Giờ, không vòng qua bán đảo Cà Mau như hiện nay.

Nhiều thư tịch cổ đề cập đến hoạt động nhộn nhịp của thương cảng Óc Eo suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên, biến nó thành nơi đô hội phồn vinh mà các thương nhân đóng thuế bằng bạc!

Theo sự hướng dẫn của viên hoa tiêu người bản xứ,con tàu chở hai sứ thần Trung Hoa là Chu Ứng và Khang Thái vượt qua mũi Vũng Tàu tiến về vịnh Cần Giờ, rồi theo dòng sông lớn mà đi về phía mặt trời lặn để đến Óc Eo. Tập ký sự "Chuyện lạ ở phương Nam" của hai ông mô tả các con tàu Phù Nam gồm bốn cột buồm với những cánh buồm nằm nghiêng, đủ lớn để chở hàng trăm người với 40-50 tay chèo.

Đến thế kỷ thứ năm thì giao thương tại đó hết sức nhộn nhịp và rất có quy củ. Liu Ching-Shu trong Kỳ viên cũng cho biết: giao dịch tàu biển được trả bằng vàng, người ta có thói quen thuê tàu đi đông đi tây, xa hay gần, và người chủ chỉ được trả công khi con tàu đến nơi đúng hẹn.

{keywords}

PGS.TS Nguyễn Văn Kim.

PGS, TS Nguyễn Văn Kim (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận đinh, Óc Eo là đô thị lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là thương cảng quốc tế. Đó là một hệ thống bao gồm những điểm quần cư và đô thị, những trung tâm chính trị - tôn giáo và văn hóa, hải cảng cùng với những điểm sản xuất thủ công - buôn bán và những vùng công nghiệp. Lý do quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của Óc Eo là do vị trí của nó trên trục đường thương mại trên biển giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ và bên kia là sông Mê Kông cùng với Trung Quốc. Vào thời kỳ phồn thịnh của Óc Eo và Phù Nam, tàu thuyền trong khu vực có thể thực hiện những hải trình rất dài mà không phải đi dọc theo bờ biển. Do vậy, về mặt chiến lược, Óc Eo là một địa điểm trung chuyển rất thuận lợi.

Còn TS Võ Sĩ Khải, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng thủ công nghiệp đặc biệt phát triển ở thời đại Óc Eo. Thặng dư nông phẩm và sản phẩm thủ công nghiệp phong phú đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thương nghiệp nội địa cũng như với bên ngoài. Từ đó, tư tưởng lợi nhuận và tính hữu hiệu của thương mại đã hình thành ở họ, làm cơ sở cho nền thương mại đặc biệt phát triển vào thời đại Óc Eo."Các loại tiền tệ, con dấu và hàng hóa của các nước như tượng đồng và một số đồ gốm Ấn Độ, gương đồng thời Hậu Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy, hình của các hoàng đế La Mã Antoninus Pius và Marcus Aurelius chạm trên vàng tìm thấy trong những di tích Óc Eo cho thấy địa bàn giao lưu của các cư dân cổ ở đây rất rộng lớn", TS Khải đánh giá.

{keywords}

Đồng vàng La Mã từ năm 308 Công Nguyên và đồng vàng La Mã phát hiện tại di chỉ Óc Eo

Với sự hợp tác của các nhà khảo cổ học quốc tế đã phát hiện những sản vật đặc trưng của Óc Eo như hạt thủy tinh ở các thương điếm trên con đường hương liệu từ Ai Cập đến Nhật Bản. Hay các cuộc khai quật của khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy có một số loại hình đặc biệt như các loại hạt chuỗi hình cầu, các loại vòng cổ vòng tay, hoa tai phong phú về kiểu dáng, nhẫn với hoa văn tinh xảo như chữ Sanscript, hình bò Nadin và các loại đồng tiền vàng La Mã ở Óc Eo càng chứng minh đó là càng cổ sầm uất.

Tuy nhiên, do quá trình vận động của địa chất, việc dịch chuyển sông rạch từ tây sang đông làm cô lập Óc Eo, nên đến thế kỷ thứ VI, thương cảng Óc Eo đã mất vai trò của mình.

Trần Lan Phương