Trong đó, mức bù cho xăng A92 là cao nhất, tới 2.448 đồng/lít. Dầu diezen được sử dụng 1.350 đồng/lít, dầu hoả được bù 1.693 đồng/lít.
Các mức xả Quỹ trên đều tương ứng với mức chênh lệch "âm" trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay so với giá cơ sở, tính đến ngày 23/2.
Đồng thời, việc trích lập Quỹ vẫn tiếp tục như bình thường với mức trích 300 đồng/lít,kg cho cả 4 mặt hàng xăng dầu.
Nguyên nhân là bởi giá dầu thế giới đã hồi phục bất ngờ trở lại kể từ đầu tháng 2.
![]() |
Không thể tăng giá theo thế giới, xăng dầu chịu lỗ nặng. |
Bộ Công Thương cho biết, ngày 23/2, trên thị trường Singapore, giá xăng A92 thành phẩm đã giao dịch ở mức 67,89 USD/thùng, giá dầu diezen tăng lên mức 72,74 USD/thùng, dầu hoả lên mức 67,89 USD/thùng và dầu madut đã tăng lên mức 351,38 USD/tấn.
So với cách đây hơn 30 ngày, giá xăng thành phẩm đã tăng tới 14,37 USD/thùng, tăng tới 26%. Dầu diezen thành phẩm cũng tăng tới 11,71 USD/thùng, tương ứng tỷ lệ tăng 19%. Dầu hoả tăng 5,63 USD/thùng, tăng 9%. Dầu madut tăng 75,63 USD/thùng, tỷ lệ tăng 0,2%.
Ghi nhận kể từ ngày 3- 4/2, giá xăng thành phẩm bắt đầu vượt lên ngưỡng trên 60 USD/thùng sau một thời gian dài trước đó chỉ loanh quanh 50 USD/thùng, có lúc xuống tận hơn 44 USD/thùng. Giá dầu diezen cũng vậy, bắt đầu trở lại ngưỡng 70 USD/thùng kể từ 9/2, sau 1 tháng liên tục chỉ ở mức 60 USD/thùng.
Như vậy, sau 15 lần liên tiếp giảm giá, mặt hàng xăng dầu trong nước đã đổi chiều, chững lại và phải bù lỗ. Đây cũng là lần thứ 2 trong tháng 2, Bộ Công Thương ra quyết định điều tiết này.
Giá bán lẻ hiện nay vẫn giữ nguyên từ 21/1, trong đó, xăng RON 92 là 15.670 đồng/lít; Dầu điêzen 0,05S là 15.170 đồng/lít; Dầu hỏa là 15.610 đồng/lít; Dầu madút 180CST 3,5S là 11.860 đồng/kg.
Đối với Quỹ bình ổn, Bộ Tài chính cho biết hiện số dư Quỹ là khá hơn, hơn 4.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2014.
Phạm Huyền