- Nhiều doanh nghiệp nông thôn, miền núi, trong đó có Hà Giang, đang đói vốn trầm trọng để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Dự án cho vay theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp đứng ra làm nòng cốt, của Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tháo gỡ khó khăn này.

Dư nợ cả trăm tỷ và vẫn đói vốn

Nằm ở biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có diện tích chè nằm trong tốp đầu của cả nước, chất lượng chè của Hà Giang cũng được đánh giá cao khi xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được quốc tế công nhận là một trong những hương vị đặc trưng. Vì thế, những năm gần đây, chè đã và đang trở thành cây trồng chính, là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Tiềm năng là rất lớn nhưng hiện nay, cây chè nơi đây vẫn chưa khai thác hết thế mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, GĐ Công ty TNHH Hùng Cường (Hà Giang) cho biết, đẩy mạnh phát triển chè có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm về sản xuất chế biến chè, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng mức che phủ hạn chế sự xói mòn, cải thiện môi trường, tạo nên những điểm du lịch sinh thái bền vững.

Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp hiện nay đang thiếu nguồn lực dài hạn để mở rộng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, mua máy móc công nghệ để sản xuất hiện đại. Đặc biệt, các DN ở những tỉnh miền núi thường huy động vốn rất khó.

{keywords}

Các tổ chức tín dụng thường e ngại trong việc cho vay vốn trung và dài hạn đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản.

Ông Hùng cho hay, công ty ông đang có dư nợ hơn 100 tỷ đồng tại 3 tổ chức tín dụng nhưng chủ yếu là vốn lưu động. Trong khi đó, một dự án đầu tư để thu hồi, hoàn lại vốn phải mất từ 6-7 năm. Vốn lưu động vay được hiện nay chỉ để thu mua 3-4 vòng quay. Vốn trung và dài hạn doanh nghiệp chưa vay được để đầu tư công nghệ.

“Lãi suất lâu dài từ 5%/năm trở xuống là hợp lý, thì mới dám làm. Vì quả thực là đầu tư như thế lấy lãi đâu? Chưa kể còn phải đầu tư cho công nghệ, mua máy móc, nhà xưởng, cho người dân trồng chè,... nên chúng tôi rất mong có mức lãi suất thực sự ưu đãi cho doanh nghiệp thì mới phát triển được.Với nhu cầu mở rộng để tăng sản lượng chè xuất khẩu, chúng tôi đang rất cần vay vốn trung và dài hạn, nhất là vay theo hình thức tín chấp”, ông Hùng kiến nghị.

Từ câu chuyện cây chè Hà Giang có thể thấy, khu vực nông nghiệp nông thôn đang rất khát các nguồn vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống và khả năng chi tiêu, cải thiện các điều kiện văn hoá - xã hội.

Gỡ rối bằng cho vay theo chuỗi

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đang triển khai thí điểm 30 dự án trên toàn quốc về việc cho vay sản xuất theo chuỗi, trong đó, doanh nghiệp đứng ra làm nòng cốt.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp có liên kết với vài trăm hộ nông dân sẽ được chọn làm đầu mối với ngân hàng. Trước đây, phía ngân hàng vừa phải cho doanh nghiệp và nông dân vay, mất thủ tục 2 lần mà không quản lý chặt được thì việc cho doanh nghiệp vay thẳng, chịu trách nhiệm là cách làm hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, DN sẽ cung cấp giống, công nghệ, cách chăm bón cho bà con nông dân.

Dự án vay vốn theo mô hình chuỗi liên kết phải được thẩm định của 3 bộ: NN-PTNT, KH-CN và ngân hàng đầu mối. Theo ông Bình, với hình thức này, doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án với hạn mức tín dụng và chứng minh tính khả thi của dự án.

Vị đại diện NHNN cho rằng, điểm nhấn chính sách tín dụng trong năm 2015 là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các hình thức cho vay chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao,...

Trước những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng còn cầm tay chỉ cách cho đơn vị này vay vốn. Ông gợi ý, tốt nhất là tỉnh nên đề xuất dự án vì tỉnh gần dân, nắm quỹ đất. Sau đó, Sở KH-CN thẩm định máy móc; Sở NN-PTNT thẩm định chất lượng chè. Doanh nghiệp nên xây dựng đề án hợp tình, hợp lý rồi trình cho tỉnh.

“Chỉ cần tỉnh phê duyệt là dự án phù hợp chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh, quy hoạch vùng nguyên liệu. Bên NN-PTNT thẩm định giống chè tốt, Bộ KH-CN khẳng định công nghệ tốt, ngân hàng sẽ thẩm định dòng tiền”, vị lãnh đạo cam kết.

Có thể nói, những gợi mở của đại diện lãnh đạo NHNN đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận dòng vốn để đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất. Đây chính là một trong những động lực quan trọng giúp nông nghiệp cất cánh.

Đến nay, NHNN đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Số tiền các NHTM đã ký kết với các doanh nghiệp tham gia chương trình lên tới hơn 5.600 tỷ đồng, tính đến 28/2, tổng số tiền giải ngân đạt 2.420 tỷ đồng. Theo ông Bình, sang tháng 4 NHNN sẽ sơ kết dự án này để xem xét sửa đổi Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng cho vay doanh nghiệp.

Duy Anh