- Với sức tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia/năm, đứng thứ ba tại châu Á, thị trường bia Việt là mảnh đất màu mỡ cho các hãng bia muốn "thâm canh". Nhưng, cũng có nhiều thương hiệu bia không chịu được “nhiệt” đã phải rút lui không kèn, không trống lực hoặc “sống dở, chết dở”.
Bia nội lặng lẽ biến mất
Với sự khởi đầu ồn ào, thu hút được sự chú ý của dư luận, song, Sư Tử Trắng cũng không “gầm” được lâu. Sau một năm hầu như lượng tiêu thụ của nhãn hiệu bia này không đáng kể và cái tên này cũng dần lu mờ trong tâm trí người tiêu dùng.
Không rõ số phận của “tân binh” này thế nào, chỉ biết bây giờ không dễ để mua Sư Tử Trắng tại các tiệm tạp hóa hay siêu thị.
'Ông lớn' bia ngoại cũng thất bại thảm hại
Năm 2013, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã đầu tư 200 triệu USD để sản xuất bia tươi đóng chai Laser, được quảng cáo là "bia tươi đóng chai, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam". Nhưng, sự sai lầm trong thông điệp sản phẩm, thực hiện quảng bá không đúng, không nhất quán khiến bia tươi Laser bị đánh đồng với bia lề đường. Cùng với năng lực tài chính không đủ, chỉ sau 1 năm, Tân Hiệp Phát đã dừng không sản xuất bia tươi Laser. Cũng từ đó, thương hiệu này mất hút trên thị trường.
Ngay cả với các hãng bia ngoại dày dạn kinh nghiệm thương trường thì hiểu được thị trường cũng không phải là điều đơn giản. Thất bại của bia Foster là ví dụ điển hình. Thương hiệu bia Foster's gắn với chiến lược marketing và câu slogan "...kiểu Úc", như "bia phong cách Úc". Ban đầu slogan này đã tạo chú ý nhưng sau một thời gian đã bị người tiêu dùng quay lưng vì bia bán tại thị trường VN nhưng lại nêu cao tinh thần Úc, khiến khách hàng cảm thấy không được tôn trọng. Sau gần 10 năm cố gắng ở thị trường VN, nhãn hiệu bia Foster đã biến mất trên thị trường.
Một trường hợp thất bại khác là do thương hiệu bia nhưng lại dựa vào kênh phân phối sữa. Năm 2006, Công ty Vinamilk đã liên doanh với Tập đoàn SABmiller để thành lập Công ty SABmiller Việt Nam. Nhà máy bia SABmiller đặt tại Bình Dương, được khánh thành vào tháng 3/2007, cho ra đời thương hiệu bia Zorok. Tiếc rằng sự mới mẻ của bia Zorok trên thị trường bia Việt Nam cũng như tiêu thụ chỉ dựa vào kênh phân phối sữa nên chỉ sau hai năm hoạt động, Vinamilk đã nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho SABmiller.
Hiện ngoài bia Zorok, SABmiller có thêm bia Miller nhưng thị phần của hãng này tại VN vẫn ở mức thấp và có thể coi như đã thất bại, dù rằng đây là tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới với 200 nhãn hiệu bia phân phối tại 60 quốc gia.
'Sủi bọt' theo vốn ngoạiTrong hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt của các công ty đa quốc gia, bia có lẽ là một trong các lĩnh vực hấp dẫn nhất. Hàng loạt thương hiệu bia đình đám của Việt Nam lần lượt đổi “quốc tịch” hoặc bị bán cổ phần cho đối tác ngoại.
Thương vụ đình đám nhất gần đây chính là việc “đổi quốc tịch” của bia Huế. Hợp tác với Tập đoàn Carlberg (Đan Mạch), dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp 50% vốn, Công ty TNHH Bia Huế (Huda) chính thức ra đời năm 1994. Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm khi bỏ ra 1.875 tỷ đồng mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Hồi sinh ở nước ngoài
Còn BGI, sau khi đóng cửa tại Việt Nam, công ty này sang Pháp và “hồi sinh” bia 33 Export. Giữa châu Âu, “thủ phủ” bia của thế giới, bia 33 Export vẫn được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt vì hương vị khá đặc biệt.
Tái sinh thương hiệu bia "vang bóng một thời"
Từng trở thành một phần hình ảnh Hà Nội thời bao cấp nhưng vì nhiều lý do, bia Trúc Bạch đã âm thầm rời khỏi thị trường. Năm 2008, Công ty CP Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mới khôi phục lại thương hiệu này.
Cơ sở để Habeco kỳ vọng vào sự trở lại của bia Trúc Bạch là do sản phẩm vẫn đang được nhiều người dân Hà Nội nhớ đến. Đặc biệt, sản phẩm được kết hợp giữa bí quyết sản xuất bia hơn 120 năm nay và sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu từ Czech và Pháp. Ngay từ khi trở lại, bia Trúc Bạch đã được Habeco định vị ở phân khúc cao hơn Heineken. Tuy nhiên, hành trình tìm lại thời hoàng kim của thương hiệu này còn nhiều khó khăn.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)