Loại thuốc SHS cho vào giá khiến giá đỗ mập mạp hơn, rễ ít hơn, ủ nhanh hơn được rất nhiều hộ sản xuất giá tại Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội sử dụng. Và chỉ có người tiêu dùng là ăn vào mà không biết.

TIN BÀI KHÁC


Thuốc thổi giá lớn, không bán ở chợ

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc vừa đưa tin về việc cơ quan chức năng nước này phát hiện 6 cơ sở sản xuất với 25 tấn giá đỗ bẩn. Đây là những cơ sở đã sử dụng chất phụ gia nguy hiểm bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Viện nghiên cứu an toàn thực phẩm thành phố Thẩm Dương ngày 18/4 công bố kết quả: Những chất phụ gia có nitrit natri, urê Urea và enrofloxacin, trong đó nitrit natri là chất khi phản ứng với axit trong dạ dày sẽ trở thành một trong những tác nhân gây bệnh ung thư.

Sau khi có những thông tin trên, PV đã bỏ ra gần 1 ngày để khảo sát, tìm hiểu trên địa bàn Hà Nội về loạt thuốc khi cho vào giá để ủ có thể giảm được thời gian và giúp thân giá được mập mạp hay trắng hơn hay không?

Mặc dù, chúng tôi đã khảo sát kỹ con phố chuyên bán phụ gia thực phẩm là phố Hàng Buồm và khu chợ đầu mối bán buôn lớn của Hà Nội là chợ Đồng Xuân, nhưng vẫn không thấy có sự hiện diện của loại thuốc “kì diệu” nào có thể cho vào giá, nhằm kích thích phát triển của loại thực phẩm này. Câu trả lời nhận được là những cái lắc đầu hoặc chưa nghe bao giờ và thậm chí có người còn khuyên không nên cho những đồ "vớ vẩn” ấy vào giá, vì làm ảnh hưởng sức khỏe con người.

Chưa kịp để chúng tôi trình bày xong loại phụ gia muốn mua để cho vào ủ giá, Cô Hiền, người bán hàng khô chợ Đồng Xuân, Hà Nội nói: “Làm gì có loại thuốc nào như thế, bán những đồ chết người đấy ai mà dám bán, ở đây bán hàng khô có rõ nguồn gốc xuất xứ thôi”.

Trước đó, chúng tôi cũng tiến hành tìm hiểu thực tế ở một số chợ như Nghĩa Tân, Ngã Tư Sở, Nhổn nhưng cũng đều nhận được câu trả lời là không có bán những hàng độc hại như thế.

...Hộ sản xuất giá vẫn có

Mặc dù tìm mỏi mắt không thấy thuốc cho vào giá để kích thích phát triển ngoài chợ nhưng PV đã có được loại thuốc kích thích có tên SHS tại chính làng làm giá Thượng Cát.

Để tìm hiểu rõ ngọn ngành của loại thuốc có tên SHS, mà nhiều người vẫn truyền tai nhau khi cho vào giá trước khi ủ sẽ được sản phẩm với thân hình mập mạp, ít rễ và trắng nên nhìn rất ngon mắt. Chúng tôi đã tìm về làng Thượng Cát, đây là nơi chuyên sản xuất giá và đưa về nhập cho các chợ đầu mối, chợ cóc và hộ tiểu thương kinh doanh ở trong nội thành và các vùng lân cận.

Tại chợ cóc, ngay ngã tư dẫn vào làng Thượng Cát, có 4-5 tiểu thương bán giá. Theo quan sát của chúng tôi, đây là loại giá có nhiều rễ và khá “tong teo” không hề mập mạp. Thấy khách lạ, người bán hết sức nhiệt tình mời mọc và khẳng định đây là loại giá sạch, bán ở đây cho người làng thì không phải lo.

Giá đỗ là món ăn ưa thích của nhiều gia đình (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong vai người đi học hỏi kinh nghiệm làm giá đỗ, một số người bán rau quả ở khu chợ cóc cho biết, cứ vào làng mà hỏi ở đây chẳng ai giữ nghề cả đâu. Vào hỏi họ cách làm, cách pha nước. Sau khi chúng tôi tiết lộ câu chuyện: Đã tự làm một mẻ nhưng giá đỗ không “béo”, màu không được trắng, đang muốn hỏi xem có phụ gia hay thuốc hoặc kinh nghiệm gì để cho vào hay không.

Chị Tâm, bán rau ở chợ cóc Thượng Cát cho biết: “Có thuốc hết cả đấy, em muốn làm trắng hay mập cứ vào nhà người ta mà hỏi. Hỏi địa chỉ mua mà họ không nói, cứ thử xin chia thuốc với họ bằng cách mua vài lọ nhỏ về cho vào giá ủ”.

Theo hướng dẫn của những người bán hàng này, chúng tôi đã vào một số hộ gia đình chuyên làm giá với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong vai người mua giá với số lượng lớn hàng yến để nhập cho các hộ kinh doanh. Hầu hết, những người bán đều cho biết giá ở đây phải đặt trước còn gấp quá thì không thể đáp ứng ngay được. Thậm chí, theo quan sát, một số hộ gia đình làm giá nhiều, nhưng vẫn từ chối lời đề nghị nhập giá mỗi ngày vài yến của chúng tôi.

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, anh H ( chồng chị T) chủ một cơ sở sản xuất giá tiếp đón niềm nở hỏi cụ thể số lượng cần mua và giá bán. Nhưng, chị T với ánh mắt dò xét, lại gạt phắt ngay lập tức và cho biết không có giá bán kể cả dặn trước, vì không có người làm. Thế nhưng, khi nhìn vào bên trong gian nhà chứa các vại ủ giá, PV vẫn thấy có gần 20 hũ đang được chuẩn bị dỡ, để sáng sớm đưa ra chợ đầu mối.

Đưa điều thắc mắc này hỏi với nhiều người trong làng, được biết sau khi có hàng loạt bài báo viết về tình trạng sử dụng loại thuốc có thể giúp giá mập mạp và ít rễ, các gia đình làm giá hết sức đề phòng với người lạ, hoặc không phải khách quen vào hỏi mua, nhất là hỏi đến chuyện mua thuốc. Vì sợ đoàn kiểm tra hoặc nhà báo đến điều tra.

Sau một lúc loanh quanh, trong vai người chuẩn bị kinh doanh, đang cần học hỏi kinh nghiệm, chúng tôi vào một gia đình chuyên làm giá đỗ. Khi bắt đầu hỏi về kinh nghiệm và các bước sản xuất một mẻ giá, chị H trình bày khá tỉ mỉ và nhấn mạnh điều quan trọng là chọn nước sạch để làm. Nhưng, khi hỏi về loại chất cho vào để làm giá trắng hơn, thì người phụ nữ này khẳng định chỉ có nước làm trắng hay đen giá, ngoài ra không có loại thuốc hay chất gì.

Tuy nhiên, khi bước sang gia đình làm giá bên cạnh, sau một lúc hỏi về kinh nghiệm làm giá đỗ. Chúng tôi đã đề cập đến việc mua thuốc SHS cho vào khi ủ giá ở đâu?. Ông chủ làm giá, cho biết: “Có người đưa đến thì mua chứ cũng chẳng biết cụ thể, ở trong Hà Nội đi tìm là có mà. Dùng thì dùng thế thôi, chứ nước vẫn là quan trọng nhất. Thuốc chỉ là một phần”.

Tiếp tục đi dọc đường làng để hỏi về các gia đình làm giá, sau khi PV trình bày về việc muốn học hỏi kinh nghiệm làm giá trắng hơn. Bác K trạc tuổi hơn 50 cho biết: “Phải cho thuốc SHS vào ngay khi đưa vào ủ, còn sau đó mới cho vào thì không có kết quả gì đâu".

Khi hỏi về chuyện muốn mua thuốc SHS cho vào giá để ủ, một người phụ nữ phóng xe máy trên đường dẫn PV đến một cơ sở sản xuất giá và dặn: “Cháu cứ vào đề nghị chia thuốc với họ, không bán nhiều cứ mua vài lọ đã. Họ dễ tính lắm, không phải quen biết gì đâu. Ở đây nhà nào chẳng có thuốc đó”.

Nhưng, thật oái ăm, cặp vợ chồng làm giá này lại tỏ ra hết sức dữ dằn, sau khi trình bày về việc muốn mua SHS để về cho vào giá cho thân to ra, vì đã có một mẻ không thành công. Người đàn ông lại nói rằng: “Nhầm nhà rồi, ở đây có bán giá hay gì đâu. Ở đây cũng chẳng có loại thuốc nào như thế. Đi nơi khác mà hỏi”.

Chưa dừng lại ở đó, PV tiếp tục hỏi thêm một số người dân trong làng Thượng Cát về chuyện mua thuốc cho vào giá. Trong vai người đang cần học kinh nghiệm, chúng tôi được chị M bán tạp hóa bên đường làng hướng dẫn kỹ càng về các bước ủ giá. Được biết, chị M đã có 1 năm đi làm thuê cho các hộ sản xuất giá. Công việc bận rộn như có con mọn, đặc biệt việc thay nước 6-7 lần/ ngày vào các thời điểm đã ấn định không được quên, khiến cho những người làm giá hết sức vất vả.

Sau khi PV đề cập đến chuyện thuốc SHS, chị M cho biết: Chị có biết loại thuốc đấy, chủ nhà quy định từng hũ cho bao nhiêu giọt, các chị cứ việc làm theo. Chứ không biết địa chỉ bán cụ thể”. Theo lời chị M, giá có cho thuốc thường mập hơn, cân nặng hơn, còn giá thường không cho thuốc mảnh khảnh, nhiều rễ.

Chị M nói thêm: “Ở đây chị thỉnh thoảng mua vài lạng giá sạch ở mấy nhà gần đây làm, chứ ít khi chị quan tâm loại giá mập kia lắm. Người mua không biết thì họ cũng cứ mua, còn nhiều người vẫn thích mua loại giá gầy hơn”.

Có mặt tại cửa hàng bán đỗ và ngô nằm sát đường Thượng Cát, PV hỏi mua đỗ và mua thuốc. Không chút ngại ngần, người đàn ông bán tạp hóa ở cạnh cửa háng bán đỗ thắc mắc: “Mua có nhiều không, thuốc SHS chứ gì?”, ở đây bán cả hộp lớn chứ không bán rời”. Nhưng, sau một lúc thuyết phục với lý do đi đường xa từ Diễn đến đây, nên vẫn cố gắng giúp đỡ.

Theo lời người đàn ông này, hộp lớn đóng trong thùng các tông chứa từ 20-25 vỉ với giá bán dao động khoảng 8000 đồng/vỉ, mỗi hộp lớn có giá bán khoảng 200.000 đồng. Người bán cho biết: “Mua cả thùng thì dùng mấy năm cũng chưa hết". Tuy nhiên, hình thức bao bì của thuôc SHS đã thay đổi hẳn so với bao bì của thuốc SHS cũ.

  Cách đóng gói và hình thức bên ngoài của SHS đã có sự thay đổi

Nếu như thuốc SHS trước đây đựng trong vỉ bìa cứng, từng ống thủy tinh được xếp gọn theo từng ô, thì nay thuốc SHS được đóng trong túi polime, mỗi túi có 20 ống nhỏ bằng nhựa dẻo. Bên ngoài, cả mặt trước mặt sau đều là những dòng chữ Trung Quốc màu xanh, tuyệt nhiên không có một dòng chữ La tinh nào để người dùng có thể biết được thành phần bên trong, cũng như tác dụng của nó.

Sau khi người đàn ông này hỏi cửa hàng bán đỗ bên cạnh còn có vỉ rời để bán hay không?. Người bán bên kia điện thoại có vẻ đề phòng, hỏi cặn kẽ ai mua. Sau khi được người đàn ông này khẳng định: “Mấy đứa trẻ con ở Diễn vào mua về làm mấy vại thôi, chứ có ai đâu”, thì bên kia mới đồng ý. Chưa đầy 5 phút sau, người có thuốc đưa đến tận cửa hàng, với mức giá 32.000 đồng/4 vỉ.

Không chỉ bán, mà chính người đàn ông kia cũng tỏ ra rất thành thạo về sử dụng thuốc. Thậm chí đưa ra lời khuyên: “Mỗi ống này phải pha loãng với nước lã, đổ vào vại. Mỗi ống dùng cho 4-5 vại, nếu dùng quá liều lượng đó thì nó không lên đâu. Cái này sử dụng cẩn thận, vì đổ ra ngoài là nó đã bị sủi rồi”. Quả đúng như người đàn ông này nói, chỉ cần một cách thí nghiệm nhỏ bằng cách cho nước bên trong ống ra sàn nhà, sau khi dung dịch khô sẽ để lại một lớp mịn như cát nhỏ.

Đưa thắc mắc mua cái này ở đâu?, người đàn ông này cho biết: “ Cái này lấy theo mẻ lớn ở biên giới, chứ ở đây làm gì có”.

Sau khi có mẫu thuốc trên, VTC News đã gửi mẫu đến Trung tâm Kiểm định của Cục bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chúng tôi sẽ chuyển tới quý độc giả thông tin về kết quả kiểm định thuốc trong bài viết sau.

(Theo VTC News)