Ông Ngô Văn Phước (60 tuổi, ở ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nuôi 3 con cá hải tượng có trọng lượng khoảng 70 kg mỗi con trong vườn nhà.

Cá hải tượng có tên khoa học là Arapaima gigas phân bố chủ yếu tại Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon. Một vài giống cá hải tượng có thể đạt đến chiều dài 6 m và cân nặng đến cả tấn. Loài cá này được mệnh danh là "thủy quái" do kích thước khủng và tính phàm ăn.

Lần đầu tiên sinh sản trong ao nuôi

Cá hải tượng khoác vẻ ngoài đặc biệt nên được các bậc cự phú lùng mua nuôi để cầu tài lộc. Từ thập niên 90, cá hải tượng được du nhập vào Việt Nam qua đường không chính thức (xách tay) để nuôi làm cảnh.

Theo một chủ vựa cá cảnh ở quận Tân Bình, hiện nay dù giá cá hải tượng đã giảm nhiều so với thời kỳ mới nhập, nhưng vẫn khá đắt. Giá một cặp cá hải tượng giống, dài 20 cm có giá khoảng 3,5 triệu đồng; cá lớn tùy theo trọng lượng và độ đẹp có thể lên đến cả trăm triệu. Chi phí mua thức ăn để nuôi loài cá này khá tốn kém, trung bình 1 con cá hải tượng dài 1,5 m; mỗi ngày ăn hết gần 5 kg cá. 

{keywords}

Cả ngàn con cá hải tượng con sinh trưởng phát triển tốt trong hồ nuôi. Cá con thường bơi thành dòng trên lưng cá trống.

Ông Phước cho biết, năm 2014 một người có cho ông 7 con cá hải tượng con, mỗi con khoảng 20 kg. "Sau, có người bạn thấy thích nên tui cho họ 2 con. Hồ chật hẹp, đàn cá đánh nhau nên chết mất 2 con, hiện chỉ còn 3 con, 2 trống 1 mái", ông Phước nói.

Được biết, hiện tại ở Việt Nam chưa có trường hợp cá hải tượng sinh sản thành công trong môi trường nhân tạo. Thế nhưng điều bất ngờ là từ đầu năm nay, một trong ba con cá được ông Phước nuôi đã sinh sản ra đàn cá cả ngàn con.

Trao đổi về điều này, một giảng viên trường Đại học Nông Lâm TP HCM đang phụ trách mạng Fishviet.com cho biết: "Tại Việt Nam trước đây chưa từng ghi nhận thông tin cá hải tượng sinh sản thành công trong môi trường ao nuôi. Việc ông Phước nuôi cá hải tượng sinh sản được là một tín hiệu cho thấy cá đã thích nghi và được thuần hóa tốt với môi trường nước ngọt tại Việt Nam".

Tuy nhiên chuyên gia này cũng cảnh báo về nguy cơ phát tán ra ngoài tự nhiên của loài cá này một khi chúng đã thích nghi và sinh sản tự nhiên được. "Cá hải tượng là một trong những loài cá nước ngọt có kích thước lớn nhất thế giới. Hải tượng là loài cá dữ, tốc độ tăng trưởng nhanh, thích nghi với cả những vùng nước thiếu oxy, nếu lọt ra ngoài tự nhiên sẽ tác động xấu đến môi trường sống của các loài cá bản địa khác", ông này nói.

Loài cá háu ăn, hung dữ

Hồ cá của nhà ông Phước xây kết hợp tiểu cảnh, dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng vào để nuôi. Hồ có chiều sâu khoảng 1,5 mét, dài ngoằn ngoèo; bờ xây gạch, nước hồ đục và có thả lục bình. Theo ông Phước, trước hồ có thả nuôi nhiều loại cá nhưng kể từ khi ba con cá hải tượng sinh sống, các loài cá bản địa đều trở thành thức ăn của loài cá to lớn này.

Cá hải tượng khi sinh sản trở nên rất hung dữ. Đứng trên mép hồ, ông Phước dùng một sào tre khuấy nhẹ mặt nước. Từ phía xa, hai bóng đen lùi lũi tiến tới như tàu ngầm. Một trong hai con cá bơi vòng vòng, con còn lại quẫy mạnh và đớp chiếc sào tre. Con trai ông Phước nói: "Đó là cá trống, nó hành xử vậy để bảo vệ đàn con".

{keywords}

Chỉ cần thấy có người, cặp cá trống liền ra canh chừng và đớp bóng cảnh cáo.

Cá hải tượng có kích thước lớn, phàm ăn. "Tuần rồi, tui mua lại một tấn rưỡi cá lóc, cá rô đổ xuống hồ làm thức ăn cho cá hải tượng. Trung bình tuần nào tui cũng phải mua cá làm thức ăn cho chúng", ông Phước nói.

Hiện, có cả ngàn con cá hải tượng con sống trong hồ. Hiện cá con đã to bằng ngón chân cái, chúng ăn các loài cá nhỏ hơn và phát triển rất tốt. Ông Phước chưa có ý định bán cá con. "Muốn bán cũng không biết bán thế nào. Sau này cá lớn có thể tui sẽ di chuyển sang hồ khác để nuôi" - ông Phước chia sẻ.

Ông Hà Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng cho biết, vừa rồi đã có kiểm tra việc cá hải tượng được nuôi và sinh sản tại vườn nhà ông Phước. "Tới đây xã sẽ mời ông Phước lên làm việc và đưa việc nuôi cá hải tượng vào sự quản lý tránh để cá sổng ra ngoài môi trường, ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên", ông Thuận khẳng định.

Cá hải tượng là loài giới hạn mua bán quốc tế theo Công ước

CITES. Loài cá này mặc dù hiện chưa bị nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có Giấy phép Xuất khẩu do cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)