- Tạm bợ, lụp xụp, nhếch nhác, diện tích quá hẹp,... nên theo nhiều chuyên gia, việc xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên hiện nay và di dời ra ngoại thành là cần thiết. Nhưng, cũng có ý kiến lo sợ sẽ thất bại.
Xóa bỏ, di dời là cần thiết
Không kể khoảng 1.200 tiểu thương buôn bán chính thức tại đây, từ lâu chợ Long Biên đã trở thành nguồn nuôi sống hàng nghìn người kinh doanh nhỏ lẻ như vậy, chưa kể còn nhiều người nghèo từ các tỉnh lên đây gồng gánh thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Tất cả đều tâm tư, không biết cuộc sống sẽ ra sao khi chợ Long Biên bị xóa sổ và di dời.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng di dời chợ Long Biên là cần thiết. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, gắn bó với Hà Nội nên khi nghe tin xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên cảm thấy buồn. Bà con đang buôn bán tại đây, người tiêu dùng, người buôn bán nhỏ lẻ và những ai đang sống được nhờ chợ chắc cũng không muốn di dời.
Nhưng, bà Loan cho rằng, vấn đề hiện nay là chợ Long Biên rất tạm bợ, lụp xụp, diện tích hẹp, không đủ điều kiện để trở thành chợ đầu mối, ai cũng nhận thấy điều này.
Vì vậy, việc xây dựng chợ đầu mối mới là cần thiết, giúp xóa bỏ những yếu kém hiện nay, mang lại sự hiện đại, đảm bảo buôn bán tốt hơn. Quy hoạch mạng lưới chợ toàn quốc của Bộ Công thương được xây dựng khá cẩn thận, tạo nên mạng lưới chợ hiện đại đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới.
Rất nhiều người đang kiếm sống nhờ chợ Long Biên (ảnh LAD) |
Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội từng là Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nói, chợ Long Biên nên được di dời vì quy mô không đảm bảo, hạ tầng yếu kém, xuống cấp, bẩn thỉu, nhếch nhác. Cách quản lý chợ cũng thiếu chuyên nghiệp, hàng hóa lẫn lộn thực phẩm với nông sản.
“Ở các thành phố lớn tại châu Á thường mỗi cửa ô phải có một chợ đầu mối. Chợ cách trung tâm khoảng 20km, kết nối với các vùng cung cấp rau quả thực phẩm, có diện tích rộng chừng 20 Ha. Đường đi lối lại, rõ ràng, có trung tâm dịch vụ hậu cần, có cơ quan kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vận tải, sửa chữa xe,... đồng bộ. Vì thế, Hà Nội di dời các chợ Long Biên, Hoàng Mai, thành lập chợ tại Sóc Sơn, Đông Anh là phù hợp, ông Phú cho biết.
Lo sợ thất bại
Tuy nhiên, theo ông Phú, lo nhất là làm chợ thất bại. Quy hoạch của ta thì khá rõ ràng, sáng sủa, nhưng lại yếu ở khâu thực hiện. Hà Nội đã từng làm chợ đầu mối ở Bắc Thăng Long, nhưng không ai vào vì không thuận tiện, nay chỉ dành cho kinh doanh kho vận.
“Làm chợ đầu mối mà người buôn bán không vào là thất bại và trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước” - ông nói.
Quan điểm của ông là Nhà nước phải đầu tư chợ đầu mối, không thể xã hội hóa được. Xã hội hóa dễ dẫn đến người buôn bán bị thu thuế, phí cao, tiểu thương sợ.
Hơn nữa, chợ đầu mối không chỉ là nơi mang hàng hóa đến buôn bán, mà còn là nơi quản lý về an toàn thực phẩm. Bà con buôn bán nghèo, cần giảm thuế, phí, chi phí gian hàng để mời gọi, đừng gây phiền hà cho họ. Mọi chính sách, cơ chế phải minh bạch, công khai, người kinh doanh phải được biết mình sẽ trả bao nhiều tiền để vào chợ, ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng. Tránh tình trạng sau khi xây xong đưa ra con số "khủng" rồi bổ đầu cho các gian hàng, như nhiều chợ tại Hà Nội đã làm thời gian qua, thì chắc chắn là thất bại.
Cùng với đó, buôn bán bên ngoài cũng phải được quản lý chặt. Đặc biệt, hệ thống vận tải cần phải tổ chức sao cho chuyên nghiệp, không thể quẳng người buôn bán kinh doanh ra xa 15-20 km, rồi mặc người ta muốn làm gì thì làm. Hệ thống vận tải phải thuận tiện và có giá cả cạnh tranh, có như vậy mới thay đổi được tư duy buôn bán, mang lại sự văn minh hiện đại. Cần phải hỏi ý kiến người dân về nơi xây dựng chợ, thiết kế chợ, thiết kế gian hàng và để người dân tham gia vào mọi quá trình xây dựng, quản lý chợ, tránh lợi ích nhóm, có vậy mới mang lại thành công, ông Phú nói.
Tiểu thương tâm tư Mặc dù đang bán hoa quả tại chợ Thanh Xuân Bắc, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Trọng Khang và chị Lê Thu Hà quê Khoái Châu (Hưng Yên) không khỏi lo lắng nếu chợ Long Biên bị xóa bỏ, bởi đây đầu mối cung cấp hoa quả cho họ nhiều năm nay. Hàng ngày, anh Khang dậy lúc 4 giờ sáng, chạy xe máy lên chợ Long Biên mua các loại trái cây như cam, mãng cầu, bơ, măng cụt,... chở về Thanh Xuân Bắc cho vợ bán. Tuy phải đi từ nhà trọ ở Thanh Xuân Bắc lên, tuy xa nhưng mua được giá rẻ. Nay nếu chợ không còn, anh lo không biết sẽ tìm đầu mối cung cấp trái cây hàng ngày ở đâu. Nếu chuyển sang khu vực Đông Anh thì quá xa, đi lại vất vả hơn nhiều. Không chỉ anh Khang, nhiều người buôn bán hóa quả bằng xe thồ, thúng, sọt cũng khá lo lắng. Hàng ngày, họ đạp xe đi chợ từ sớm, chọn mua trái cây, rồi đạp lang thang qua các phố, các chợ nội thành Hà Nội bán cho tới tối. Nếu giờ phải sang tận Đông Anh thời gian đi lại sẽ tăng thêm, thời gian bán hàng sẽ giảm đi, chắc chắn công việc sẽ nhọc nhằn và cuộc sống trở nên khó khăn hơn. |
Trần Thủy