Trước khi chiếc lưỡi cày vừa biết cày vừa biết luống ra đời thì cứ mỗi mùa trồng hành thì bà con xã Nam Trung lại "hoảng lên như bị ma đuổi".
Theo thông tin tại Cổng thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương, ông nông dân - thợ cơ khí Nguyễn Văn Chế sinh năm 1962, ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách.
Mặc dù chỉ học hết lớp 7/10, nhưng đúng như tên gọi của mình, ông rất mê sáng chế và đã có nhiều sáng chế hay, thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp như: Máy phay thái hành tỏi, máy sử dụng quạt gió làm tỏa nhiệt giúp cho việc sơ chế hành tỏi.
Trong đó, công trình "nghiên cứu, sản xuất lưỡi cày lên luống trồng cây vụ đông" của ông được đạt giải C tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ III.
Ông Chế bên chiếc cày lên luống của mình. Ảnh: Dân việt |
Sinh ra trong gia đình có đến 6 anh chị em, học hết lớp 7 thì ông phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ làm đồng, lo cho các em. Vì thế mà mọi nhọc nhằn, vất cả trong công việc nhà nông ông đều phải trải qua.
Ông Chế kể lại trên tờ Tuổi trẻ & Đời sống: "Cứ đến mùa trồng hành là bà con lại hoảng lên như bị ma đuổi ấy, không nhanh thì không kịp thời vụ.
Cây hành lại rất kén chọn đất, nghĩa là đất phải tơi xốp, lên luống đều, có độ dốc luống vừa phải thì cây mới phát triển tốt.
Mỗi vụ hành, có khi phải mất cả tháng chúng tôi mới lên luống xong mấy sào ruộng".
Vì thế, việc chế tạo thành công lưỡi cày làm luống hành khiến ông rất vui vì đã giúp người nông dân đỡ vất vả hơn mà vẫn bảo đảm thời vụ trong làm đất vụ đông.
Cụ thể, từ cuối năm 2008, ông bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Ban đầu, ông vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết, tính toán công dụng của lưỡi cày trên giấy. Sẵn có vật liệu trong xưởng, ông chế tạo ngay. Ông hì hục, cắt sắt, hàn xì, bắt ốc…
Làm xong cái đầu tiên, ông gắn lưỡi cày lên luống để chạy thử. Lần đầu tiên chạy thử, lưỡi cày không lên luống được, chỉ kéo một vệt dài sâu ở mặt ruộng.
Sau thất bại này, ông không nản, lại tiếp tục nghiên cứu sản xuất lưỡi cày và cho thử nghiệm... Ông Chế không còn nhớ được mình đã phải bỏ đi bao nhiêu sản phẩm làm thử. Sản phẩm hỏng chất đống trong nhà nhưng ông không nản.
Với nhiều người khi thất bại thì nản, nhưng đối với ông, mỗi lần thử nghiệm thất bại là một lần ông có thêm quyết tâm, phải làm bằng được, thậm chí có hôm thức trắng đêm để hàn, gò, thay đổi kết cấu sản phẩm rồi gia công, lắp đặt.
Cuối cùng, sau một năm mày mò nghiên cứu, đến năm 2009, chiếc lưỡi cày đa năng của ông Chế được trình diễn thành công trước sự chứng kiến của hàng trăm nông dân xã Nam Trung, thuật lại.
Sau cái ngày chế thành công lưỡi cày, ông Chế quyết định mở một xưởng cơ khí tại nhà để vừa tiếp tục làm lưỡi cày vừa hiện thực hoa những ý tưởng về máy móc nông cụ.
Mỗi năm ông bán đi hàng trăm lưỡi cày, mỗi lưỡi có giá từ 1-1,5 triệu đồng. Ông thuê thêm 5 nhân lực làm trong xưởng và trả lương mỗi người 5 triệu đồng/tháng.
Sau này, ông Chế còn "chế" thêm nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp khác như máy thái hành, tỏi; máy sấy hành, tỏi bằng năng suất lao động của hàng chục người cộng lại.
Ông Lê Công Hiền - Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết trên tờ Lao động:
“Sản phẩm lưỡi cày lên luống, làm đất trồng cây vụ đông của ông Chế đã được sử dụng rộng rãi, giải phóng sức lao động cho người nông dân, giảm chi phí khâu làm đất 200.000 - 210.000 đồng/sào.
Mỗi năm, xã Nam Trung trồng gần 200ha cây vụ đông, sử dụng sản phẩm này đã giúp nông dân tiết kiệm trên 1 tỉ đồng công lao động, rút ngắn thời gian làm đất 10-15 ngày/vụ.
(Theo Trí thức trẻ)