TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trao đổi về động thái "ra riêng" của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng.
- Lần đầu tiên các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng tách ra làm triển lãm riêng sau 3 năm "góp gạo thổi cơm chung" với các nhà sản xuất ô tô trong nước tại các kỳ Vietnam Motor Show từ năm 2012-2014. Liệu đây có phải tín hiệu khởi đầu cho việc khối doanh nghiệp ô tô nhập khẩu chính hãng không muốn chơi chung sân với doanh nghiệp ô tô lắp ráp trong nước? Nếu như vậy, theo ông, lý do của việc này là gì?
TS Nguyễn Bá Hải:
Về việc các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng tách ra không cùng làm Vietnam Motor Show vơi các nhà sản xuất ô tô trong nước như tiền lệ trước đây, theo tôi là một hành động chưa sớm nói được gì nhưng cũng chứa ẩn ý rằng họ không cùng một giá trị, một đích đến hay cùng một mối quan tâm với các nhà sản xuất ô tô trong nước nữa. Họ có thể sẽ có những sáng kiến riêng phụng sự tốt cho sứ mệnh của các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam và có thể những sáng kiến ấy không phù hợp với chính sách dành cho lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước. Đây cũng là một điều hay để có được sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong thị trường và người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lợi.
Các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng sẽ tách ra làm triển lãm riêng sau 3 kỳ Vietnam Motor Show. |
- Đặt giả thiết có một cuộc chia ly như vậy, điều đó có đồng nghĩa doanh nghiệp ô tô nhập khẩu sẽ chủ động điều chỉnh để phù hợp với chính sách của Việt Nam, tạo đầu ra lớn hơn cho sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt khi mức thuế suất sẽ chỉ còn 0%? Trong trường hợp đó, doanh nghiệp lắp ráp trong nước chịu sức ép như thế nào? Bản thân các doanh nghiệp ô tô FDI tại Việt Nam sẽ phải lựa chọn như thế nào để đảm bảo lợi nhuận của mình khi thời điểm 2018 đang đến gần?
Chúng ta thấy rằng mức thuế sẽ ngày càng giảm và Chính phủ cũng đã hỗ trợ nhiều năm cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, có thể việc hỗ trợ này còn nhiều việc cần làm hơn từ phía Chính phủ, nhưng đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thực sự khẳng định được sức mạnh nội địa hoá sản phẩm của mình. Việt Nam chưa có một doanh nghiệp ô tô sản xuất xe du lịch hay xe con có tỷ lệ nội địa hoá cao như những doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc dù các nước này có thời gian phát triển ô tô chưa dài. Tôi nghĩ rằng đối với việc này, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng cũng sẽ tự bảo vệ chính mình bởi nếu không cạnh tranh lành mạnh họ sẽ bị thiệt thòi, mất đi cơ hội và sẽ đi xuống.
Qua bài học này, các doanh nghiệp ô tô trong nước dù đang khó khăn khốc liệt vẫn phải cố gắng phát triển lên. Còn việc chia ly hay giữ nhau lại cũng rất khó khi cả hai bên không còn mặn mà với nhau nữa và chỉ có cách làm việc hiệu quả mới mang lại lợi ích cho cả hai phía. Nếu thuế nhập khẩu giảm xuống thì chắc chắn xe nhập khẩu sẽ có thị trường lớn hơn, đó là điều không tránh khỏi vì người mua là người thông minh. Các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô tại Việt Nam cũng phải đạt được chất lượng tương đương hoặc làm thế nào để có giá thành thấp hơn hơn trong khi chất lượng gần bằng thì người mua sẽ lựa chọn.
Chỉ cần lộ trình thuế giảm xuống, các doanh nghiệp trong nước đã bị sức ép rất mạnh vì công nghiệp phụ trợ yếu, trình độ sản xuất, công nghệ luyện kim cũng như công nghệ khác hỗ trợ cho ngành ô tô vừa thiếu vừa yếu. Áp lực đến với các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước ngay từ ngày hôm nay và những năm trước. Do đó, khi có sự chia ly với các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng, doanh nghiệp lắp ráp trong nước sẽ thiếu đi những tiếng nói, thiếu đi một người bạn đồng hành nên chắc chắn khó khăn sẽ còn nhiều hơn nữa. Một khi đã tách ra thế này, chắc chắn doanh nghiệp trong nước cũng phải lo để tập trung vào hiệu quả mới cạnh tranh được.
(Theo Báo Đất Việt)