- Không đồng tình với lý giải của Cục Chăn nuôi liên quan đến việc vẫn còn dùng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chất vấn: “Chúng ta vì lợn ít bệnh hay vì sức khỏe người dân?”.

Sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2015, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, trên thực tế, vẫn có không ít nguy cơ về VSATTP (vệ sinh an toàn thực phẩm) khi tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, hay tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,...

Đáng lưu ý, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) lý giải, việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi là để phòng bệnh cho con vật do điều kiện vệ sinh chuồng trại ở Việt Nam còn kém.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay: “Các nước cũng cho phép dùng kháng sinh, như Trung Quốc có 24 sản phẩm, Mỹ 49 sản phẩm. Liều kích sinh trưởng là liều thấp nhất. Tuy nhiên, thực tế bà con lạm dụng, cho vào liều cao hơn. Chúng ta cho phép sử dụng 28 loại kháng sinh, những loại khác không cấm đồng nghĩa với việc được phép sử dụng”.

{keywords}

Nông dân vẫn sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi

Ông Dương khẳng định, việc dùng kháng sinh gây nguy cơ gây mất VSATTP rất cao. Nếu bỏ, cần có lộ trình thích hợp vì ngay cả nước phát triển như Mỹ dự kiến đến 2018 mới bỏ, Trung Quốc chưa đưa ra lộ trình.

“Hiện trên thế giới mới có 11 nước không dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Việt Nam không thể nhanh hơn vì chuồng trại, vệ sinh chăn nuôi của chúng ta chưa đạt chuẩn như châu Âu, nếu bỏ ngay thì dịch bệnh sẽ rất nhiều”, ông Dương giải thích.

Song, tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát chất vấn: “Chúng ta vì lợn ít bệnh hay vì sức khỏe người dân?”. Theo Bộ trưởng, nếu chưa thể cấm sử dụng được tất cả các loại kháng sinh thì cần cấm dần từng nhóm, nhất là nhóm kháng sinh cho người đang được sử dụng trong chăn nuôi.

Còn về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, để ngăn chặn tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện thì ngăn chặn, không cho bán ra thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân không ăn thịt có chứa chất cấm.

Trong lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đề xuất: “Cần tổ chức thanh tra đột xuất, nếu báo trước thì khó tìm thấy dấu hiệu vi phạm. Chúng tôi kiểm tra các hộ dân vẫn phát hiện tình trạng cho trực tiếp chất cấm vào ao nuôi. Nên quản lý từ gốc, không cho nhập các loại chất cấm, kháng sinh không có trong danh mục”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, những tháng cuối năm, cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và vật tư nông nghiệp. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và phát hiện những mặt hàng nông sản có nguy cơ cao.

“Tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra rồi bắt đóng cửa, mà cần đẩy mạnh áp dụng Quy trình sản xuất Thực hành nông nghiệp tốt - GAP - trong chăn nuôi và thủy sản”, ông Phát nhấn mạnh.

Bảo Hân