“Dự trữ ngoại hối của chúng ta đến cuối tháng 7/2015 đã đạt 37 tỷ USD. Đây là số dự trữ bằng ngoại tệ, tiền tươi thóc thật, bấm nút một cái là có ngay. Còn nếu tính cả các khoản khác như vàng, tiền gửi của Kho bạc, của các tổ chức tín dụng ở Ngân hàng Nhà nước (không phải bằng tiền đồng)... thì khoảng 40 tỷ USD. Hiện riêng vàng chúng ta có 10 tấn”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong một cuộc trao đổi diễn ra ngày hôm qua 28-7-2015 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm ngoái, số liệu quỹ dự trữ ngoại hối được người đứng đầu ngành ngân hàng cập nhật công khai. Đây cũng là lần đầu tiên Thống đốc công bố số lượng vàng mà Việt Nam dự trữ được.

Thời gian qua đã có những phỏng đoán có khả năng quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam suy giảm ít nhiều do nhập siêu gia tăng trong quí 2-2015. Cuối năm ngoái dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên đến đỉnh 36 tỷ USD. Tuy nhiên con số mới được công bố cho thấy dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ những tháng vừa qua.

{keywords}

Từ năm 2012 trở về trước Việt Nam hầu như không có dự trữ vàng và nếu có ở một số thời điểm nào đó, thì lượng dự trữ cũng rất mỏng, trong khi lượng vàng nắm giữ thông qua huy động vốn bằng vàng của các ngân hàng rất lớn. Có thời điểm có ngân hàng cổ phần đã nắm trong tay tới hơn 30 tấn vàng.

“Hiện Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chủ động kiểm soát thị trường vàng và có thể can thiệp từ nguồn dự trữ nếu cần” – ông Bình nói. Ông cũng hy vọng trong trường hợp nguồn cung vàng trong nước nhiều lên do người dân bán ra, NHNN sẽ mua vàng trong nước, xuất khẩu, gia tăng nguồn cung cho quỹ dự trữ ngoại hối.

Đề cập đến việc liệu NHNN có giữ nguyên cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay, ông Bình cho biết mục tiêu 2% sẽ được giữ vững. “Một số ý kiến cho rằng nếu năm nay chúng tôi giữ điều chỉnh tỷ giá ở mức 2%, thì năm sau tỷ giá giống như chiếc lò xo bị nén lâu ngày có thể bật mạnh. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Thứ nhất chúng ta có lực ngoại tệ để can thiệp khi cần và sẵn sàng can thiệp. Thứ hai chúng tôi điều hành tỷ giá trong một lộ trình dài có sử dụng đồng bộ các công cụ như lãi suất, cung tiền, tỷ giá, chứ không tách rời chúng” – ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông, hiện lạm phát đang trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và dự báo có khả năng ở mức thấp vào cuối năm, nên NHNN đang chủ động điều hành lãi suất tiền đồng giảm thêm ở mức hợp lý nhằm tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc. Nền kinh tế mới chỉ bắt đầu phục hồi và mức phục hồi còn yếu nên lãi suất cho vay sẽ giảm nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên lãi suất huy động sẽ ổn định và khó có thể giảm thêm.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online