- Thị trường chứng khoán thế giới phiên giao dịch 11/8 đã chao đảo rất mạnh sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ (NDT). Giới đầu tư lo ngại về một làn sóng hàng hóa giá rẻ từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ càn quét nhiều nước.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sáng 11/8 bất ngờ quyết định giảm ngay lập tức 1,9% tỷ giá NDT/USD tham chiếu so với phiên liền trước từ mức 6,1162 NDT xuống 6,2298 NDT đổi 1 USD. Đây là mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ năm 1994, ngay lập tức kéo NDT xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Quyết định đột ngột và được xem là liệu pháp sốc đối với nền kinh tế của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán khu vực châu Á đồng loạt quay đầu giảm.

Chứng khoán Việt Nam đang từ hào hứng với kỳ vọng tăng dài hạn nhờ chính sách nới lỏng cho vốn ngoại đã bất ngờ sang giảm điểm về cuối phiên. VN-Index chung cuộc giảm 0,24%.

{keywords}

Trên Reuters, một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về những tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT. Theo quan chức này, đây là một bước tiến của Trung Quốc tới một tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường hơn.

Tuy nhiên, việc định giá lại đồng tiền khiến cho giới đầu tư trên khắp thế giới lo ngại một làn sóng hàng giá rẻ Made in China sắp trở lại. Hàng hóa của Trung Quốc vốn đã rẻ nay sẽ càng có cơ sở để tấn công vào thị trường của các nước khác trên thế giới.

Hàng loạt các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đã nhanh chóng giảm điểm mạnh. Chỉ số công nghiêp Dow Jones của Mỹ giảm 1,2%. Chỉ số tầm rộng S&P500 của Mỹ cũng giảm 1%. Trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa với mức giảm tới 1,6%.

Trong đó, cổ phiếu Apple ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong một năm rưỡi qua với mức giảm tới 5,2%. Các NĐT lo ngại nhu cầu tại đất nước hơn 1 tỷ dân Trung Quốc đối với iPhone sẽ giảm do giá mặt hàng này sẽ tăng lên theo đà suy giảm của NDT. Hàng loạt các cổ phiếu khác như General Motors giảm 3,5%. Cổ phiếu của hãng khai mỏ Freeport McMoRan thậm chí sụt 12%. Các cổ phiếu khai khoáng cũng giảm mạnh do lo ngại giá sẽ giảm theo sức mạnh của đồng USD và sức cầu đối với khoáng sản yếu đi. Cổ phiếu của hãng nhôm Alcoa giảm 6%.

{keywords}

Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm do giới đầu tư lo ngại về thực trạng nền kinh tế của nước này có thể đang ở trong tình trạng trục trặc.

Trước đó, tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 cũng rớt 1,6%.

Cổ phiếu hãng thời trang cao cấp Moet Hennessy Louis Vuitton lao dốc 5,4%, trong khi cổ phiếu của Gucci cũng mất 3,9%. Cổ phiếu các hãng xe hạng sang của Đức như BMW và Daimler đều giảm 4-5%.

Các thị trường chứng khoán châu Á tất nhiên cũng giảm mạnh trong phiên 11/8 với Nikkei 225 của Nhật giảm 0,4%.

Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm do giới đầu tư lo ngại về thực trạng nền kinh tế của nước này có thể đang ở trong tình trạng trục trặc.

Giá dầu thế giới cũng rớt mạnh theo giá trị đồng NDT và hiện đang tiến tới gần đáy thấp nhất 6 năm qua. Kết thúc phiên 11/8, trên sàn New York, dầu ngọt nhẹ giao tháng 9 đã giảm 1,88 USD/thùng, tương đương 4,2%, xuống mức 43,08 USD/thùng. Giá dầu Brent hạ 1,23 USD/thùng, tương đương 2,4%, xuống mức 49,18 USD/thùng.

Trên thị trường châu Á sáng 12/8, giá dầu đang quay đầu tăng gần 1% nhờ lực bắt đáy 6 năm và kỳ vọng vào một tương lai bớt u ám của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới, nhất là châu Á giảm mạnh do NHTW một số nước điều chỉnh giảm giá theo và do kỳ vọng vào một động thái tương tự ở các nước còn lại trong cuộc chiến hàng giá rẻ để thúc đẩy xuất khẩu.

Trong khi các thị trường tiền tệ và chứng khoán chao đảo thì vàng với tư cách là một kênh trú ẩn trong bão đã quay đầu tăng khá mạnh. Sau hơn một tuần nằm dưới ngưỡng 1.100 USD, vàng đã lấy lại mốc này. Chốt phiên 11/8 trên sàn Comex New York vàng lên gần sát 1.110 USD/ounce. Dù vậy, vàng được đánh giá vẫn trong xu hướng giảm dài hạn do đồng USD mạnh lên.

V. Minh