Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vừa tiến hành kiểm tra 48 trang trại chăn nuôi heo tại địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành, và đã phát hiện 14 nơi sử dụng chất Salbutamol - là chất cấm - để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Theo một cán bộ Sở NN-PTNT thì đây là điều bất thường, vì năm 2012 việc sử dụng chất cấm chỉ thấy ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trước hiện tượng này, lãnh đạo ngành thú y Đồng Nai đề xuất nên xử lý hình sự vì đây là hành vi đầu độc người tiêu dùng.

Nhanh lớn, nạc nhiều, tăng trọng...

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai vẫn được xem là địa phương có khả năng cung cấp thịt heo với số lượng lớn nhất trong cả nước với đàn heo gần 1,5 triệu con, được nuôi ở hơn 2.500 trang trại. Thông thường, heo xuất chuồng bán cho thương lái đều nằm ở mức từ 100 - 110kg/con bởi lẽ nếu vượt quá trọng lượng đó thì tỉ lệ mỡ nhiều, giá mua sẽ bị thương lái hạ xuống.

Ông Phan Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu khi trao đổi với chúng tôi đã cho biết: "Bên cạnh những trang trại nuôi heo bằng thức ăn công nghiệp thì cũng có những hộ nuôi heo bằng cách mua lại thức ăn thừa của các bếp ăn tập thể. Loại thức ăn này khiến heo có nhiều mỡ nên họ sử dụng chất tạo nạc để heo có thể đạt đến trọng lượng 130, 140kg/con mà lượng mỡ lại rất ít,... ".

Theo một số người chăn nuôi tại huyện Vĩnh Cửu, việc sử dụng "chất tạo nạc" - mà thực tế là chất Salbutamol - rất đơn giản: Nếu nuôi bằng cám pha loãng thì mỗi thùng cám 20 lít cho vào 1 muỗng canh Salbutamol. Nếu nuôi công nghiệp bằng máng ăn tự động thì cứ 1 tấn cám pha với 1kg Salbutamol. Bên cạnh đó, có người còn pha Sabutamol vào nước cho heo uống theo công thức 1 thìa cà phê Sabutamol hòa chung với 15 lít nước, hoặc 1 kg Salbutamol pha với 2.000 lít nước.

{keywords}

Con heo đứng không nổi vì bị cho ăn thức ăn có chất Salbutamol.

Ông Phan Biên nói tiếp: "Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng tính toán rất kỹ vì từ lúc bắt đầu sử dụng "chất tạo nạc" cho đến lúc xuất chuồng, không được quá 15 ngày. Nếu quá ngày đó, heo sẽ tự khuỵu chân vì "chất tạo nạc" làm giòn xương, bán sẽ mất giá, chưa kể nếu không xuất chuồng nhanh thì heo không chỉ tự gãy chân mà khắp người chúng còn xuất hiện những vết lở rỉ nước... ".

Việc tự ý cho thêm Salbutamol vào thức ăn nuôi heo phần lớn do người chăn nuôi truyền miệng nhau để bán được giá, phần nữa là do thương lái. Theo ông Định, chủ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Vĩnh Cửu thì một số thương lái giải thích rằng nếu cho "chất tạo nạc" vào thức ăn, heo sẽ nhanh lớn, thịt nhiều, mỡ ít, màu sắc của thịt cũng tươi tắn hơn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là chưa kể nếu heo nuôi bằng "chất tạo nạc" thì khi mua, thương lái sẽ trả cao hơn mỗi kilôgam từ 1.000 - 2.000 đồng.

Để mắt thấy tai nghe, ông Định lấy xe gắn máy chở tôi sang nhà một người quen cách đó khoảng 1km. Trên đường đi, ông dặn tôi giả như đang tìm mua heo giống. Quả y như vậy, những con heo trong chuồng nhà ông Định khi thấy tôi bước vào thì chúng kêu lên eng éc rồi có con ve vẩy đuôi, tiến đến gần tôi như thể đòi ăn, có con chạy dạt hẳn vào một góc. Nhưng trong chuồng heo của nhà người quen ông, hơn chục con đang chuẩn bị xuất chuồng - con nào con nấy béo nung núc, nhìn kỹ thấy da có độ căng khác thường như ứ nước. Vài con trên da còn xuất hiện những đốm đỏ. Thấy có người vào, một con nằm gần phía ngoài cố đứng lên nhưng không đứng được.

Lúc quay ra, ông Định cho biết thêm: "Heo nuôi bằng chất tạo nạc thì thịt vun lên gần sát với da. Bình thường, lớp mỡ nằm dưới da có độ dày từ 1 đến 1,5 cm nhưng heo nuôi bằng chất tạo nạc thì mỡ chỉ dày khoảng 0,4 hoặc 0,5cm. Thịt có màu đỏ như thịt bò, không mềm, mịn, thớ thịt ngắn, nhất là tại bắp vai và đùi. Nếu để ngoài tự nhiên chừng 3 tiếng đồng hồ thì sờ vào thịt thấy ươn ướt như có nước".

“Chất tạo nạc” là chất gì?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số "chất tạo nạc" mà những trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai sử dụng và đã bị phát hiện là chất Salbutamol. Đây là loại dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa nên lượng tồn dư của nó trong thịt heo có bao nhiêu thì người ăn sẽ lãnh đủ bấy nhiêu.

Salbutamol là một chất nằm trong họ bêta-agonists, thuộc nhóm các hormone tự nhiên, có tác dụng nguyên bản là làm giãn phế quản, giãn cơ tử cung đồng thời kích thích giải phóng insulin và thúc đẩy quá trình phân giải glucose.

{keywords}

Trộn Salbutamol vào thức ăn nuôi heo.

Theo các tài liệu về Dược động học, họ bêta-agonists có 2 nhóm: Nhóm bêta 1-agonist gồm các loại với những tên gọi như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine... có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị suy tim cấp tính. Nhóm bêta 2-agonist gồm Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine... có tác dụng giãn cơ, dùng trong sản khoa, trong bệnh lý hen suyễn và một số bệnh về phổi thể mãn tính.

Trong những chất kể trên, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị Bộ NN & PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta từ năm 2002. Mặc dù tất cả các quốc gia trên thế giới đều cấm hai chất Salbutamol, Clenbuterol nhưng chất Ractopamine lại được 24 nước cho phép sử dụng, trong đó có cả những nước phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Brazil, Mexico, Thái Lan,... với điều kiện 7 ngày trước khi xuất chuồng, phải ngừng cho động vật ăn thức ăn có chứa chất này.

Sở dĩ có chuyện trái khoáy ấy là vì bêta-agonists đã được chứng minh là chất chuyển đổi rất hiệu quả. Nó làm giảm lượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ ở gia súc, gia cầm nếu sử dụng liều cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Việt Nam, một số trang trại chăn nuôi hoặc những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không ai dùng Ractopamine để làm "chất tạo nạc" vì rất khó mua và cũng rất đắt tiền, mà họ dùng Salbultamol vì nó dễ mua và rẻ tiền.

Theo ông Định, đặc điểm rõ nhất khi cho heo ăn thức ăn có chứa chất Salbutamol là chỉ đến ngày thứ 2 thì heo bắt đầu nở mông, vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3, heo ít đi lại và thường nằm li bì. Ngày thứ 10, heo chỉ còn nằm im một chỗ kể cả lúc ăn, không đứng dậy được. Nếu cho heo ăn liên tục trong 15 ngày, nó có thể tăng thêm từ 15 đến 20kg…

Nhưng tác hại của chất Salbutamol với con người thì thật khó lường. Các khảo sát lâm sàng đã cho thấy sau một thời gian ăn thịt heo tồn dư Salbutamol, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú đồng thời có thể gây rối loạn giới tính đối với thai nhi ở người đang mang thai. Về phía đàn ông, Salbutamol có thể gây u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch tinh hoàn, khối lượng và chất lượng tinh dịch thấp, hành vi tình dục có thể thay đổi, dễ chuyển sang đồng tính, tâm lý chán nản, phiền muộn, suy giảm nhận thức, suy yếu hệ thống miễn dịch...

Biểu hiện khi ngộ độc Salbutamol được thể hiện dưới các hình thức lo lắng bất an, rối loạn nhịp tim, ù tai, tim đập quá nhanh, cơ mặt và các cơ tay, chân run rõ rệt, đau cơ, buồn nôn, huyết áp cao, trường hợp nặng có thể hôn mê. Thời gian ủ bệnh từ 30 phút đến 2 giờ tùy vào hàm lượng chất Salbutamol có trong số thịt ăn phải.

Chất tạo nạc xuất xứ từ đâu?

Vẫn qua sự chỉ dẫn của ông Định, xế chiều thứ hai chúng tôi gặp được một lái heo tên Bé tại một quán cà phê gần chợ Sặt, Hố Nai, Biên Hòa. Giả như người đi tìm mua "chất tạo nạc" về Mộc Hóa để nuôi heo, Bé cho biết loại "thuốc" mà một số cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc bán ở vùng này là "thuốc lai" - nghĩa là đã bị các đại lý bán sỉ pha trộn thêm phụ gia nên giá chỉ có 5 triệu đồng/kg. Bé nói: "Thuốc của tôi là thuốc nguyên chất, nhập từ Trung Quốc, giá mỗi ký 12 triệu đồng".

Thịt heo có Salbutamol màu đỏ tươi, thớ thịt nhão.

{keywords}

Khi thấy tôi ngỏ ý muốn mua chừng một lạng về nuôi thử thì Bé lắc đầu: "Tôi chỉ bán theo ký thôi. Nếu lấy nguyên ký thì tôi bớt 500 nghìn đồng. Mà chỗ anh nuôi heo nhiều không?".

Tôi bịa ra: "Cỡ khoảng gần 50 hộ" - "Vậy thì anh lấy nguyên ký đi". Theo lời Bé, 1 kg thuốc nguyên chất đem về pha trộn với gạo rang cháy, nghiền thành bột rồi bán lại, ít nhất cũng lời 10 triệu đồng.

Nhưng khi biết tôi không mang theo đủ tiền để mua cả ký, Bé nói: "Thôi để tôi chỉ cho anh. Bây giờ anh đi vô khu đất mới ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa rồi kiếm mấy trại nuôi heo, hỏi họ".

Theo chỉ dẫn của lái heo Bé, tôi từ Hố Nai chạy ngược về ngã ba Khu công nghiệp Amata rồi rẽ vào con đường nhỏ nằm bên tay trái. Khu vực này - theo lời Bé thì nó được người chăn nuôi ở Đồng Nai gọi là khu "thuốc heo" vì ở đây có khá nhiều hộ lập ra những trại nuôi heo theo kiểu tự phát.

Anh ta khuyên tôi nếu muốn cho heo "ăn thuốc" thì nên chọn giống heo của Công ty CP vì phần lớn đều có cơ bắp khỏe, "ăn thuốc" cả tuần lễ cũng không quị như những giống heo khác: "Tốt nhất là anh mua loại heo sắp xuất chuồng, khoảng 95kg/con rồi cho "ăn thuốc" trong khoảng 15 ngày. Nó sẽ tăng lên 120 hoặc 130kg/con".

Theo thời giá hiện nay, 1kg heo hơi thương lái mua từ 55 ngàn đến 58 ngàn đồng. Nhưng nếu là heo "siêu nạc", thương lái sẽ mua khoảng 62 ngàn đồng... Như vậy, với 30kg "tăng trọng" nhờ vào Salbutamol, người nuôi sẽ lãi thêm 1,8 triệu đồng và nếu nuôi 10 con, sẽ kiếm được 18 triệu đồng. Trừ đi chi phí thức ăn trong 15 ngày và tiền mua "thuốc", mỗi con heo sẽ mang lại món lợi xấp xỉ 1,1 triệu đồng.

Tuy nhiên khi vào đến khu đất mới, có lẽ do các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai vừa phát hiện việc trộn chất Salbutamol vào thức ăn nuôi heo ở các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Long Thành nên tất cả các trại nuôi heo mà tôi hỏi, ai nấy cũng đều lắc đầu rằng "ở đây không có bán thứ đó, không xài thứ đó".

Theo tìm hiểu của tôi, đa số chất Salbutamol đều được mua từ Bằng Tường, Trung Quốc, đựng trong những bao màu xanh loại 1kg, bên trong có thêm một lớp bao nhựa màu trắng với giá 6,5 triệu đồng/kg. Khi đưa được sang Lạng Sơn, nó tăng lên khoảng 7 triệu đồng và vào đến Đồng Nai, nó trở thành 8,5 hoặc 9 triệu đồng. Lúc bán ra, người bán "xem mặt đặt tên" và có thể là 10 triệu hay 12 triệu đồng/kg.

Tự bảo vệ

Trước chuyện heo được cho ăn thức ăn có trộn Salbutamol thì bên cạnh việc xử lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần trang bị thêm những kiến thức để tự bảo vệ mình. Theo ông Phan Biên, khi mua thịt, nên chọn những miếng thịt có mặt ngoài khô, không bị ướt, nhớt, không có mùi hôi, màu sắc đỏ hồng chứ không đỏ tươi như thịt bò. Khối thịt cầm thấy rắn chắc, lớp mỡ giữa da và thịt dày, dính chặt vào nhau, thớ thịt dài, đều, có độ đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào sẽ tạo ra vết lõm nhưng khi thả tay ra, chỉ 5,10 giây sau vết lõm sẽ trở lại vị trí bình thường.

Với loại thịt có chất Salbutamol, điều dễ nhận ra nhất là lớp mỡ dưới da rất mỏng và lỏng lẻo, thịt có màu đỏ tươi rất đẹp mắt. Cắt một miếng dày khoảng 2 ngón tay rồi đặt lên dĩa, miếng thịt sẽ không đứng thẳng được lâu mà từ từ rũ xuống. Dùng ngón tay ấn vào thịt, chỗ lõm sẽ tồn tại rất lâu…

Cũng cần nhớ rằng Salbutamol có cấu trúc hóa học khá bền vững. Nó không bị phân hủy khi hầm, nấu, chiên, nướng với nhiệt độ cao nên ăn vào bao nhiêu thì cơ thể hấp thu bấy nhiêu, chẳng chạy đi đâu được!

(Theo ANTG)