- Trong thế bí, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bất ngờ tung ra đòn quyết định nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế u ám. Liệu pháp sốc này khiến thế giới lo ngại nó sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ, nhất là tại châu Á, nơi được xem là động lực mới của nền kinh tế thế giới.

Cơ chế tỷ giá sốc

Sau cú giảm sốc 1,9% tỷ giá NDT/USD, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng 12/8 tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu cặp tiền NDT/USD xuống thêm 1,6% xuống còn 6,3306 NDT.

Những động thái liên tiếp này bị nghi ngờ như một nỗ lực phá giá quyết liệt đồng tiền của Bắc Kinh.

Theo StraitsTime, NDT trên thị trường Thượng Hải đã có lúc giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 4 năm qua: 6,4392 NDT đổi một USD. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

Diễn biến trên là bước đột phá trong việc cải cách cơ chế xác định tỷ giá của Trung Quốc, từ cố định vào USD chuyển sang cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá, từ đó dần bỏ việc can thiệp vào tỷ giá, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn.

{keywords}

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sáng 12/8 tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu cặp tiền NDT/USD xuống thêm 1,6%.

Xác định tỷ giá theo hơi hướng thị trường là một bước đi được thế giới chào đón. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nằm ở chỗ, cơ chế mới sẽ được thực thi như thế nào. Cú xác lập tỷ giá NDT/USD giảm thêm 1,6% sau khi đã giảm mạnh ngay phiên liền trước đã khiến thế giới có sự nhìn nhận khác về một “cơ chế thị trường” kiểu Trung Quốc đang áp lên đồng NDT.

PBOC cho biết, mức giảm 1,6% áp cho ngày 12/8 là dựa trên biến động đồng NDT và dữ liệu tài chính được công bố cùng ngày 11/8. Theo PBOC, giá tham chiếu sẽ dựa vào độ lệch biến động tỷ giá trong ngày liền trước do các nhà tạo lập cung cấp, mà cụ thể giá đóng cửa ngày 11/8 của NDT giảm 1,5% xuống 6,3231 NDT đổi 1 USD. Bên cạnh đó còn là điều kiện cung cầu trên thị trường và biến động của các đồng tiền chủ chốt.

Trong tuyên bố của mình, PBOC cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng. Các biến động vừa qua là “bình thường”. Và cũng theo NHTW này, không có cơ sở để NDT tiếp tục giảm.

Mặc dù vậy, thị trường lại đang phản ứng khác. Đồng NDT trên các thị trường thế giới đã giảm mạnh hơn dự kiến do lo ngại đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể còn tiếp tục giảm sâu. Một số tính toán những thiệt hại cũng đã đề cập tới con số sụt giảm 10% giá trị của NDT.

Trên tờ StraitsTime, chiến lược gia của Credit Agricole, Dariusz Kowalczyk cho rằng, đồng NDT đang đối mặt với một vòng xoáy giảm giá khốc liệt. “Ở một số thời điểm, họ có thể bỏ qua việc áp dụng cơ chế mới hoặc họ sẽ can thiệp thô bạo”.

Cũng theo tờ báo này, một nguồn tin cho biết, các nhà băng đại diện cho PBOC bán USD ở mức 6,43 NDT/1 USD. Tuy nhiên, PBOC chưa có ý kiến gì về bình luận nói trên.

Thế giới lo lắng chiến tranh tiền tệ

Với động thái tiếp tục phá giá NDT phiên thứ 2 liên tiếp, khiến đồng NDT mất tổng cộng 3,5% so với USD, thị trường thực sự lo ngại những diễn biến khó lường của đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trong thanh toán quốc tế và đang ngấp nghé được chọn vào rồ tiền dự trữ của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

{keywords}

Liệu pháp sốc này khiến thế giới lo ngại nó sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ, nhất là tại châu Á.

Mục đích của Trung Quốc có lẽ không gì khác là: phá giá đồng NDT để duy trì tăng trưởng và hỗ trợ xuất khẩu. Trung Quốc đã phải trải qua 2-3 đợt hoảng loạn trên TTCK thời gian vừa qua. Sự tụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sự giảm tốc nặng nề tăng trưởng kinh tế có thể khiến hàng hóa sản xuất ra tràn ngập thị trường nội địa. Người lao động TQ có thể mất việc, dẫn tới mất ổn định xã hội.

Điều mà nhiều chuyên gia cũng như nhiều NĐT trên thế giới lo ngại là, TQ có thể sẽ còn tiếp tục theo đuổi xu hướng này. Chỉ số tiền tệ châu Á JPMorgan Asia Dollar Index trong 2 ngày qua đã giảm 2,4% - mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2 thập kỷ trước.

Trên Bloomberg, chuyên gia Bank of America Corp. cho rằng, quyết định phá giá NDT của TQ sẽ dẫn tới một cuộc đua giảm giá các đồng tiền, bắt đầu từ các nước châu Á và sẽ không dừng lại ở châu Á.

Khi NDT suy yếu, các quốc gia khác sẽ buộc phải hạ thêm lãi suất và đẩy đồng nội tệ giảm xuống. Đây là động thái dễ hiểu, bởi các quốc gia buộc phải tìm cách giành ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của mình, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và cuộc chiến tranh tiền tệ, do vậy, sẽ xảy ra. Áp lực này tăng lên trong bối cảnh Mỹ đang phát đi tín hiệu tăng lãi suất đồng USD.

Sự thay đổi đột ngột chính sách tỷ giá đã đưa TQ nhập cuộc với hàng loạt các nước ở châu Âu, Nhật Bản và một số thị trường mới nổi. Điều khác có lẽ ở chỗ, TQ làm bất ngờ và rất mạnh. Nền kinh tế của TQ lớn thứ 2 thế giới và hàng hóa giá rẻ của nước này vốn đã từng có thời gian dài cả thập kỷ ám ảnh nước Mỹ và thế giới.

Vài năm trước đây, Mỹ đã chỉ trích nặng nề chính sách định giá thấp đồng NDT. Động thái mới của TQ có thể khiến mâu thuẫn Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn. Fed có thể sẽ phải tính lại thời điểm tăng lãi suất đối với đồng USD.

Đó là tương lai vài tháng tới, còn vào thời điểm này, các nước châu Á đã thấy rõ hậu quả của một đồng NDT giá thấp. Nhập siêu có thể sẽ là từ được các nước trong khu vực nói nhiều trong thời gian tới.

Với mức thâm hụt thương mại lớn với TQ, Việt Nam là một trong số những nước đầu tiên có phản ứng để giảm bất lợi sau quyết định của PBOC. Sáng 12/8, NHNN Việt Nam đã nới biên độ tỷ giá USD/VND từ 1% lên 2%.

Sáng 12/8, đồng Ringgit của Malaysia lần đầu tiên từ 1998 rớt xuống dưới ngưỡng 4R/1USD và được các chuyên gia của Mizuho Bank dự báo sẽ vượt ngưỡng 4,2R/USD “nếu NDT của Trung Quốc rớt 5-10%”.

Còn theo các chuyên gia trên Bloomberg, việc TQ phá giá đồng NDT đang làm thay đổi toàn bộ bức tranh thị trường ngoại hối thế giới. Nhiều đồng tiền từ real của Brazil cho tới rupiah của Indonesia sẽ giảm trung bình 30-50% trong vòng 9 tháng tới.

Theo đó, điều tồi tệ nằm ở chỗ, quyết định phá giá NDT của TQ diễn ra trong bối cảnh các đồng tiền ở châu Á và các thị trường mới nổi đang khủng hoảng. Và quyết định của TQ tập trung vào các vấn đề trong nước hơn là các chỉ báo quốc tế.

V. Minh