- Sức ép tiếp tục dồn lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó sức ép từ chính các nhà tài phiệt nước này không hề nhỏ. Sau tỷ phú Khodorkovsky, đến lượt ông chủ nhà băng Pugachyov khởi kiện Chính phủ Nga đòi 15 tỷ USD.

Sức ép bủa vây bốn phía

Ngày 5/8, Pháp và Nga đã chính thức kết thúc thương vụ tàu Mistral. Paris đã từ chối chuyển giao cho Moscow hai con tàu chiến lớp Mistral với lý do Nga đã can thiệp sâu vào tình hình nội bộ Ukraine. Pháp đồng ý trả lại Nga khoảng 1,2 tỷ USD và chấp nhận các thiết bị Nga gắn trên 2 con tàu sẽ được tháo dỡ và trả lại Nga.

Như vậy, sau hàng loạt các nỗ lực của chính người đồng cấp Tổng thống Pháp Francois Hollande, một hợp đồng khá béo bở đối với Pháp và quan trọng đối với Nga đã không thể được cứu vãn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện cho ông Hollande để gỡ bỏ các trở ngại cuối cùng trước khi chấm dứt hợp đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 6/2015, Pháp cũng đã đồng ý với quyết định EU gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đến đầu 2016 bất chấp những cảnh báo trả đũa từ Moscow và những thiệt hại lên tới cả tỷ USD mà ngành chăn nuôi Pháp đã phải hứng chịu.

Câu chuyện một nước EU có quan hệ khá tốt với Nga tiếp tục đâm lao trừng phạt Nga cho thấy áp lực thực tế của phương Tây đặt lên nền kinh tế của ông Putin là rất lớn. Mục đích được cho là phòng ngừa những hành động của Nga sau sự kiện Crimea.

{keywords}

Sức ép tiếp tục dồn lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Còn theo Vietnam+, các nước Phương Tây đang có kế hoạch hạn chế Nga xuất khẩu tài nguyên năng lượng vào EU. Theo đó, EU có thể nhập dầu thô bằng tàu chở dầu từ các nước khác, thay vì nhập khẩu từ Nga.

Theo tờ Reuters, trong tuần vừa qua, Mỹ đã bổ sung mỏ dầu và khí Yuzhno-Kirinskoye nằm ở ngoài khơi Siberia thuộc sở hữu của Gazprom (Nga) vào danh sách lệnh trừng phạt sau khi Washington tuyên bố mở rộng trừng phạt nhằm vào các dự án năng lượng của Nga. Đây là một động thái mà theo một số chuyên gia, “vượt xa các biện pháp trừng phạt Moscow hiện nay”.

Hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chịu ảnh hưởng mạnh từ việc giá dầu lao dốc. Đồng Rúp của Nga đã trượt dốc 12% so với đồng USD trong tháng 7, trong khi lạm phát của nước này tăng lên gần 16%.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động của các biện pháp trừng phạt cũng như giá dầu suy giảm đối với Nga rất lớn, có thể khiến Nga phải trả giá tương đương 9% GDP.

Tài phiệt lợi dụng làm khó

Không chỉ chịu áp lực từ bên ngoài, ông Putin cũng đang chịu sức ép không hề nhỏ từ các nhà tài phiệt trong nước và sống lưu vong ở nước ngoài.

Trước đó, tháng 7/2014, Tòa án ở Hague đã ra phán quyết yêu cầu Moscow phải trả 50 tỷ USD cho các cổ đông của Yukos. Theo cáo buộc, Yukos bị phá sản sau khi ông chủ công ty này – tài phiệt Mikhail Khodorkovsky - bị bắt vì tội lừa đảo và trốn thuế. 

{keywords}

Sức ép từ chính các nhà tài phiệt nước này lên Tổng thống Putin không hề nhỏ.

Bộ Tài chính Nga khi đó tuyên bố phán quyết chỉ “một phía” và “thiên vị về chính trị” và Nga “trông đợi có kết quả công bằng”. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6/2015, Nga đã từng phải đối mặt với tình trạng bị tịch biên một số tài sản ở Pháp và Bỉ. Nhiều tài khoản Nhà nước của Nga và một số ngân hàng đã bị phong tỏa tại Pháp và Bỉ trong một thời gian trước khi được phép hoạt động trở lại.

Sau khi được thả bổng hồi năm 2013, cựu tỷ phú Nga Khodorkovsky đã liên tục thách thức Tổng thống Putin. Doanh nhân từng giàu có nhất nước Nga này hồi cuối 2014 đã công khai ý định muốn dẫn dắt nước Nga và nỗ lực thúc đẩy việc xem xét lại việc phân chia quyền lực của Tổng thống Nga.

Đầu tháng 7 vừa qua, cựu tài phiệt Nga Sergei Pugachyov, người từng được mệnh danh là “nhà băng của Điện Kremlin”, cũng đã khởi kiện Chính phủ Nga để đòi trả lại số tiền 15 tỉ USD mà ông này cáo buộc đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp. Ông Pugachyov chạy khỏi Nga sang London vào năm 2011 sau khi bị cáo buộc liên quan tới sự sụp đổ của Ngân hàng Mezhprombank. Ông Pugachyov bị cáo buộc đã biển thủ tiền và tạo ra một khoản thâm hụt 2 tỉ USD.

Trong nước, giới tài phiệt Nga chịu khá nhiều thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như các biện pháp trả đũa của Nga. Giới siêu giàu của nước này đã mất hàng chục tỷ USD do giá dầu sụt giảm và đồng Rúp lao dốc.

Gần đây, không ít tỷ phủ Nga như: Boris Rotenberg, Gennady Timchenko, Shamalov… đã phải chuyển một khối lượng lớn tài sản cho con cái, người thân để né tránh các đòn trừng phạt của phương Tây. Không ít các doanh nhân Nga cũng đã chạy ra nước ngoài do khó khăn trong việc huy động vốn trong nước.

Sức ép từ giới tài phiệt trong khoảng một năm gần đây rất lớn, có lẽ không thua kém những năm đầu ông Putin lên làm Tổng thống. Điểm khác có lẽ ở chỗ, ông Putin vẫn được sự ủng hộ của 3/4 người dân Nga. GDP nước Nga giờ đã gấp 10 lần so với năm 1999; mức lương trung bình của người dân gấp 15 lần, thất nghiệp chỉ còn bằng khoảng 1/3; nợ nước ngoài cũng chỉ bằng khoảng 30%, trong khi dự trữ ngoại hối tăng mạnh.

V. Minh