- Khối tài sản của các đại gia Việt bất ngờ bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong một thời gian rất ngắn theo diễn biến bất lợi trên thế giới.

NĐT lo lắng, đại gia mất ngàn tỷ

Sáng 21/8, thị trường chứng khoán (TTCK) bất ngờ hoảng loạn do chịu một sức ép bán tháo rất lớn ngay từ đầu phiên giao dịch. Chỉ số VN-Index giảm rất nhanh, từ giảm hơn 7 điểm lúc mở cửa dần giảm mạnh hơn: 10, 15 rồi rớt tới 23,93 điểm (-4,22%) vào lúc 11h.

“Rất lâu rồi, thị trường mới hoảng loạn và bán tháo mạnh đến như vậy, gần giống thảm họa hồi tháng 5 năm ngoái. Gần như toàn bộ các cổ phiếu gần cuối giờ sáng nay giảm điểm, trong đó số cổ phiếu giảm sàn đếm không xuể. Giảm tới 4,22% có nghĩa là đa số các cổ phiếu đã giảm hết biên độ cho phép”, ông Quang Hiệp, một NĐT chứng khoán trên sàn SSI, chia sẻ.

{keywords}

Phiên đỏ sàn của chứng khoán.

Áp lực bán có thể là do sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố. Hàng loạt các thông tin xấu đến từ khắp nơi, như: sự bất ổn tại Trung Quốc; thế giới phá giá tiền tệ; giá dầu suýt xuyên thủng ngưỡng 40 USD/thùng vào đầu giờ sáng; nỗi lo tỷ giá; tâm lý bầy đàn và áp lực giải chấp khi giá cổ phiếu giảm quá đà.

Sau hơn chưa tới hai tuần, VN-Index mất tới 60 điểm, tương đương gần 10%. Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm mạnh khiến khối tài sản của không ít đại gia bốc hơi từ vài trăm cho tới cả ngàn tỷ đồng.

Tỷ phú USD duy nhất trên TTCK, ông Phạm Nhật Vượng, có lúc đã mất hơn 2.000 tỷ đồng do cổ phiếu VIC của Vingroup giảm từ 43.700 đồng (hôm 11/8) xuống còn 38.800 đồng/cp (-11%) vào gần cuối giờ sáng 21/8.

Người vừa vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam hồi đầu tháng 8 vừa qua, ông Trần Đình Long, cũng mất cả ngàn tỷ đồng do 184 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát mà đại gia này đang nắm giữ giảm từ 34.800 đồng (hôm 10/8) xuống còn 29.400 đồng/cp (-15,5%) vào gần cuối giờ sáng 21/8. Vợ ông Long hiện nắm giữ hơn 53 triệu cp HPG cũng mất hàng trăm tỷ đồng.

Đại gia bóng đá Đoàn Nguyên Đức hiện đang nắm giữ gần 347,8 triệu cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lại. Ông Đức mất gần 700 tỷ đồng do HAG giảm từ 16.900 đồng (hôm 11/8) xuống còn 14.900 đồng/cp (-11,8%) vào gần cuối giờ sáng 21/8.

Hàng loạt các đại gia khác cũng mất hàng trăm tỷ đồng sau hơn một tuần. Bà Nguyễn Hoàng Yến mất 200 tỷ do MSN giảm từ 88.500 đồng (hôm 17/8) xuống còn 80.500 đồng/cp (-9%) vào gần cuối giờ sáng 21/8.

Tính tới gần cuối giờ trưa 21/8, nhiều cổ phiếu lớn giảm giá rất mạnh như: GAS giảm tới hơn 26% trong gần hai tuần qua; PVD giảm 25%; KBC giảm hơn 20%; EIB gần 19%; FLC giảm hơn 16%...

Chứng khoán còn gặp khó khăn

Về phiên giảm điểm ngày 21/8, CTCK FPTS cho rằng, thị trường đã đón nhận hàng loạt thông tin thiếu tích cực như quyết định đình chỉ chức danh TGĐ và Phó TGĐ DongABank, giá dầu giảm mạnh, các quỹ ETF nước ngoài ở trạng thái discount nên lo ngại về việc các quỹ này bán ra tăng lên. Bên cạnh đó, những lo ngại xoay quanh vấn đề tỷ giá vẫn còn khá lớn.

Một số CTCK cho rằng, hiện tượng bán ròng liên tục của khối ngoại trong 3 phiên trước đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giao dịch của các NĐT trong nước.

Trên thực tế, cú giảm mạnh tới gần 24 điểm gần cuối giờ sáng 21/8 còn do áp lực giải chấp do cổ phiếu đã giảm nhiều trước đó và tiếp tục giảm mạnh vào đầu giờ sáng.

{keywords}

NĐT đang rơi vào tâm lý lo ngại.

Chứng khoán Việt Nam giảm trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu trong tuần bị ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc phá giá đồng NDT của Trung Quốc. TTCK Trung Quốc liên tục lao dốc trong vài phiên gần đây, mỗi phiên mất từ 3-6% và cú trượt dốc của chứng khoán Mỹ trong phiên 20/8 (Dow Jones giảm gần 2,1%) đã tác động mạnh tới các NĐT Việt. Tính tới 15h29 ngày 21/8, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm tiếp gần 4,3% xuống sát ngưỡng nhạy cảm 3.500 điểm.

Theo Bloomberg, triển vọng kinh tế thế giới đang bị phủ bóng tối bởi sự rối loạn ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm lại nhanh chóng trong vài năm gần đây. Sản xuất và xuất khẩu đều suy giảm. Chỉ số sản xuất MPI của Trung Quốc trong tháng 8 bất ngờ giảm xuống chỉ còn 47,1, thấp hơn ngưỡng trung bình.

Một vấn đề mà nhiều NĐT cũng rất lo ngại là giá dầu chưa dừng lại ở mức thấp nhất 6,5 năm qua. Đêm 20/8, giá dầu thế giới có lúc đã về sát ngưỡng 40 USD/thùng. Và điều đáng ngại là, một số chuyên gia trên CNN, CNBC… dự báo dầu chưa chạm đáy và có nguy cơ xuống dưới 30 USD/thùng, thậm chí 15 USD/thùng.

Khả năng Mỹ tăng lãi suất vẫn còn đó. Nó có thể khiến dòng vốn ngoại rút ra khỏi các thị trường mới nổi cũng là nỗi lo thường trực của nhiều NĐT. Trong phiên giao dịch 21/8, khối ngoại bán ròng hơn 320 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Đây là phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp.

Theo VPBS, việc NHNN liên tục điều chỉnh tỷ giá VND/USD trước áp lực phá giá đồng NDT của Trung Quốc ở góc độ nào đó là có lợi. Tuy nhiên, TTCK đã phản ứng trước sự điều chỉnh tỷ giá này. Giá dầu thô giảm mạnh khiến một nhóm cổ phiếu chủ chốt trên sàn là dầu khí giảm mạnh. Các cổ phiếu lớn GAS và PVD giảm mạnh đã gây áp lực đối với thị trường. Trong gần 2 tuần qua, GAS và PVD giảm tới trên 20%.

Với những yếu tố này, nhiều nhà phân tích lo ngại những tác động lớn nhất còn ở phía trước khi được phản ánh sâu hơn vào kết quả kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, những diễn biến tài chính thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn vốn toàn cầu chắc sẽ là nhân tố đáng lo trong dài hạn.

M. Hà