- Từ miếng gỗ mới tinh hay ống nước vẫn còn sáng choang,... qua bàn tay của Tùng lại biến thành những món nội thất cũ kỹ như đã tồn tại cả vài chục năm. Nhờ làm nội thất theo kiểu hoài cổ, xưởng sản xuất của Tùng có nguồn thu đều đặn 500-600 triệu đồng/tháng.
Làm bảo vệ, buôn quần áo
Mở xưởng để làm nội thất theo xu hướng hoài cổ, chàng trai sinh năm 1990 Chu Tuấn Tùng ở Trường Chinh (Hà Nội) cho biết: “Biến nội thất từ đồ cũ thành đồ mới thì quá dễ, nhưng để làm ngược lại, biến mới thành cũ thì không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên, mình vẫn thích làm vì niềm đam mê với xu hướng nội thất này”.
Theo Tùng, ở châu Âu, nội thất hoài cổ đã trở thành một xu hướng kiến trúc từ nhiều năm nay, còn ở Việt Nam, xu hướng này vẫn khá mới mẻ. Hiện trong TP.HCM mới có một vài cơ sở làm nhưng đều là người nước ngoài đầu tư vốn mở công ty, còn ở Hà Nội thì hầu như không có. Tùng là một những người đầu tiên làm loại nội thất này.
“Được làm từ nguyên liệu mới hoàn toàn, người thợ phải sáng tạo, chế tác sao cho thành những món đồ nội thất càng cũ kỹ càng tốt, song cũng phải đảm bảo được giá trị sử dụng, độ bền giống như nội thất mới”, Tùng nói.
Nhờ biến những nguyên liệu mới tinh thành những đồ nội thất cũ mà xưởng sản xuất của Tùng có doanh thu hơn nửa tỷ đồng mỗi tháng |
Tùng kể: “Trước kia, khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Kiến trúc, Tùng làm khá nhiều việc khác nhau để kiếm sống như làm bảo vệ, hỗ trợ thêm cho các giảng viên, sang Trung Quốc buôn quần áo thời trang”.
Những lần sang Trung Quốc lấy hàng, Tùng được tham quan rất nhiều món đồ nội thất, một số sản phẩm được làm từ ống nước nhìn rất đẹp và sang trọng. Đến cuối năm 2013, Tùng chấm dứt việc kinh doanh quần áo thời trang và quyết định mở xưởng sản xuất với số vốn vỏn vẹn 10 triệu đồng. Lúc đó, xưởng chỉ có 1 người thợ, một máy cắt và một máy hàn. Song, công việc khá làm ăn khá thuận lợi do được thầy cô, bạn bè giúp đỡ.
Tuy nhiên, trong quá trình làm, Tùng thấy còn thừa quá nhiều những mẩu gỗ, ống nước bỏ đi nên đã nghiên cứu xu hướng kiến trúc hoài cổ để có thể tận dụng những đồ thừa này.
Kén khách nhưng giá thì vô kể
Tùng cho biết, biến nguyên liệu mới thành đồ cũ không chỉ phải thể hiện qua màu sắc, bề mặt bên ngoài, mà phải tạo cho sản phẩm có "mùi" của thời gian. Khi người dùng sờ vào sẽ cảm nhận như đồ cũ, thậm chí ngửi được mùi gỗ thơm tự nhiên. Cũng vì thế, chỉ những người thợ có óc sáng tạo, chịu khó tìm tòi học hỏi và đặc biệt là phải cực kỳ tinh tế.
Hiện ngoài bàn, ghế, giường, xưởng sản xuất nội thất của Tùng còn chế tác các đồ nội thất hoài cổ để trang trí khác, như: đèn ngủ, đồng hồ, giá sách, kệ để đồ,...
|
Những món đồ nội thất cũ kỹ nhuốm mày thời gian này đều được làm từng những thứ nguyên liệu mới tinh |
Theo Tùng, khó khăn lớn nhất trong chế tác nội thất hoài cổ là ý tưởng. Từ một khúc gỗ nguyên bản hoặc những đồ hiện đại như ống nước, bánh răng xe... người thợ phải tưởng tượng làm sao để sản phẩm có vẻ ngoài cũ kỹ, tiện dụng nhưng vẫn hoà hợp với không gian xung quanh. Đồ mới, khi xử lý thành đồ cũ, ngoài nước sơn thì thợ phải xử lý sao cho bề mặt trở nên gai góc, cũ kỹ, sần sùi, thậm chí nhiều khi phải tạo ra những vết va quệt, vết nứt toác, màu mốc... theo kiểu món đồ đã bị phơi nắng, bị dầm mưa trong một thời gian rất dài.
Nội thất hoài cổ không có giá cố định. Có những món đồ giá chỉ vài trăm nghìn nhưng có món lên tới vài chục triệu đồng bởi giá của chúng phụ thuộc vào độ sáng tạo, sự tỉ mỉ. Công sức, nguyên liệu làm ra một sản phẩm nội thất hoải cổ chỉ chiếm 20-30% giá thành sản phẩm.
Tùng dẫn chứng: “Bên mình đang làm một chiếc đồng hồ cổ theo phong cách châu Âu cho một quán cà phê, giá 12 triệu đồng. Động cơ của chiếc đồng hồ chỉ vài trăm nghìn nhưng việc hoàn thiện những chi tiết xung quanh thì phải cần tới 3 người thợ, làm cật lực trong vòng 3 ngày mới xong”.
Tùng cho hay, không phải người nào cũng thích và biết chơi nội thất hoài cổ nên khách hàng chính của Tùng thường là những quán bar, quán cà phê, cửa hàng quần áo, quán ăn... Đây là những khách hàng thích sự bụi bặm, cũ kỹ nên họ chọn loại nội thất này để trang trí cho không gian thêm phần hoài cổ.
Mặc dù kén khách nhưng Tùng lại có một lượng khách hàng khá ổn định, đem lại nguồn thu 500-600 triệu đồng/tháng.
Bảo Hân