Kem tươi bán theo cân, bán dạo được pha trộn từ nhiều nguyên liệu rẻ tiền, không nhãn mác, nguồn gốc, thời hạn sử dụng... Chưa kể việc pha trộn tiến hành cực kỳ mất vệ sinh. Nhiều lò sản xuất kem gia công nhỏ lẻ đang “hái” ra tiền nhờ kinh doanh mặt hàng này.
Kem xanh, đỏ, hồng, nâu...hay phẩm màu?!
Không chỉ chế biến và kinh doanh thực phẩm trong môi trường vệ sinh không đảm bảo, cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh kem tươi Tân Hòa Bình, đường Hoàng Sa, tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku còn sử dụng nhiều loại thực phẩm cũng như hóa chất làm nguyên liệu đã hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc…
Theo báo Tầm Nhìn, tại thời điểm kiểm tra, xưởng chế biến vẫn hoạt động bình thường. Khi kiểm tra, các nhân viên cho biết chủ cơ sở không có mặt nên công việc được tiến hành với sự giám sát của chính quyền địa phương. Qua làm việc, đại diện cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ liên quan đến công tác chế biến, kinh doanh hiện tại.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang làm việc tại cơ sở kem tươi Tân Hòa Bình. Ảnh: Tầm Nhìn |
Riêng về điều kiện cơ sở chế biến với các nhãn ghi thông tin kem chuối, kem cây, sữa chua tăng lực Tân Hòa Bình, có địa chỉ sản xuất không phù hợp. Cụ thể, địa chỉ in trên bao bì 240 Phan Đình Giót, TP. Pleiku, nhưng địa chỉ sản xuất thực tế lại nằm ở nơi khác.
Lý giải về việc này, đại diện cơ sở cho biết, cơ sở đã chuyển về sản xuất trên xưởng tại đường Hoàng Sa đã hơn 1 năm nay. Còn địa chỉ ghi trong bao bì là ở xưởng cũ. Còn tại sao khi thay đổi địa chỉ hay các giấy tờ liên quan phải đợi chủ cơ sở về sẽ trả lời cụ thể hơn. Theo nhận định từ đoàn kiểm tra, hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku có rất nhiều cơ sở chế biến kem tươi không đảm bảo các điều kiện. Do vậy việc các loại phụ gia, hóa chất đã hết hạn, không an toàn vẫn được đưa vào sản xuất như đã phát hiện tại cơ sở Tân Hòa Bình là rất nhiều.
Một cây kem “ngậm” chục loại hóa chất
Nhiều người sẵn lòng bỏ ra hàng chục nghìn đồng để mua một cây kem màu xanh - hồng - nâu (kem trái cây), màu sắc bắt mắt, đủ các loại hương vị trái cây, socola... thơm, ngọt, béo ngậy, hấp dẫn đựng trong những chiếc thùng inox bán dạo ở các khu trường học, quán kem... Tuy nhiên, chẳng mấy ai nghĩ đến những nguyên liệu, hóa chất và quy trình sản xuất những chiếc kem này.
Trước đó, vào năm 2014, nhóm phóng viên Lao Động đã “đột kích” một cơ sở sản xuất kem cân gia công nhỏ ở Thường Tín, Hà Nội của anh N.V.T. Khi phóng viên “vào vai” đặt vấn đề muốn được hướng dẫn cho cách làm kem để mở xưởng, anh T nhiệt tình tư vấn các quy trình mà mình đang áp dụng.
Bột làm kem tươi in chằng chịt chữ Trung Quốc… cùng nhiều hương liệu, hóa chất khác. Ảnh: Lao Động |
Theo anh T, trước tiên phải tìm được nguồn nguyên liệu giá rẻ, tốn ít tiền. Để tạo độ ngọt thì dùng đường hóa học, tạo hương vị và màu sắc đặc trưng hấp dẫn cho từng loại kem phải mua nhiều loại hóa chất (siro) tạo mùi thơm và màu khác nhau, hóa chất tạo độ mịn, độ ngọt, ngậy béo của kem. “Để làm kem dâu chỉ cần cho một một lượng nhỏ siro hương dâu là có ngay kem dâu. Socola, dừa… cũng vậy”, anh T nói.
Theo chân T xuống khu làm kem phía sau nhà - một căn nhà cấp 4 chật hẹp, nền nhà lúc nào cũng ướt lép nhép, vương vãi bột làm kem, nước siro, PV thấy những chậu bột kem sơ chế đang chờ cho vào máy dậy mùi thơm nồng của hương socola, dâu, cốm, dừa... Và ruồi thì đang... bu đen. Các loại xô, chậu, xoong, thau và cả chiếc máy làm kem, tủ ủ kem - có lẽ chẳng có ai kỳ cọ nên ở trong tình trạng rất cáu bẩn. Đáng nói nhất là bột làm kem rơi rớt xuống nền nhà ướt nhép, bụi bẩn, không được cọ, quét thường xuyên, vẫn được các công nhân làm thuê, chân trần đi qua đi lại, dùng tay vục từng vốc cho vào chậu để pha chế.
(Theo VietQ)