- Tổng thống Obama muốn để lại di sản của mình khi rút lui sau hai nhiệm kỳ nhưng những tuyên bố công khai phản đối Hillary Clinton là đòn giáng mạnh vào tham vọng đó. Để Hiệp định TPP được thông qua, trước mắt, Tổng thống Obama còn rất nhiều cửa ải ngay trong chính nội bộ nước này. Ông đang đứng trước vô vàn thách thức để thuyết phục Quốc hội. 

Doanh nhân Việt phấn khích với TPP

Obama trấn an dân Mỹ

Để tìm kiếm sự ủng hộ, ngay sau vòng đàm phán kết thúc, Obama đã có một chương trình nói chuyện trực tiếp với nông dân trên một chương trình phát thanh. Với vai trò người đứng đầu nước Mỹ, ông cam kết TPP sẽ giúp nông dân Mỹ bán được nhiều thịt bò cho Nhật Bản và Việt Nam, và đề nghị nông dân thuyết phục các nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ TPP. 

Ông Obama nhấn mạnh, TPP sẽ giúp loại bỏ và giảm hơn 18.000 loại thuế mà các nước tham gia áp đặt đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Cuộc gặp trên mở đầu cho một loạt hoạt động của ông Obama nhằm vận động sự ủng hộ dành cho TPP. Tổng thống Mỹ thừa nhận quá trình thảo luận, tham vấn và tranh luận về TPP sẽ tốn không ít thời gian trước khi quốc hội bỏ phiếu về nó. Nông dân Mỹ và các nhóm doanh nghiệp chủ chốt ở nước này đến nay vẫn chưa tỏ thái độ rõ ràng với TPP.

{keywords}
Vị đương kim Tổng thống đang gặp nhiều khó khăn trước khi thông qua TPP 

Tuy nhiên, nghị sỹ đến từ những khu vực sản xuất công nghiệp của Mỹ từng chịu ảnh hưởng bất lợi từ các thỏa thuận thương mại tự do trước kia cũng thể hiện thái độ quan ngại với TPP. Một cựu đại diện thương mại Mỹ, chỉ trích TPP thiếu quy định ngăn không cho các quốc gia phá giá đồng tiền để giành lợi thế xuất khẩu.

Richard Burr, thượng nghị sĩ đến từ Bắc Carolina, một bang trồng thuốc lá, tỏ thái độ không hài lòng vì những quy định không cho phép công ty thuốc lá được kiện chính phủ về luật cấm hút thuốc. “Tôi muốn nói rằng họ sẽ không nhận được đủ số phiếu cần thiết từ cộng đồng nông nghiệp”, ông Burr phát biểu.

Nỗ lực để đưa TPP về đích, sau 5 năm đàm phán, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giành được chiến thắng lớn với một yếu tố then chốt trong chính sách kinh tế mà ông theo đuổi từ khi lên làm Tổng thống.  

Lý do ông dành nhiều thời gian để theo đuổi cho hiệp định này bởi TPP chính là “xương sống” kinh tế trong chính sách “hướng Đông” của chính quyền Tổng thống Obama và là một câu trả lời của Mỹ đối với sự trỗi dậy cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên toàn cầu.

Sức nặng của bà Hillary Clinton

Với tham vọng như vậy song trong chính nội bộ nước này, ông Obama cũng không nhận sự đồng thuận, theo Financial Times. 

Hồi tháng 7, ông đã dựa vào một số lá phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa để giành quyền đàm phán nhanh. Giờ đây chính những đồng minh này lại đang cảm thấy không hài lòng vì những nhượng bộ mà Mỹ đã đưa ra để có thể đạt được thỏa thuận. Lo ngại này là dấu hiệu báo trước việc đưa TPP vượt qua “cửa ải” Quốc hội Mỹ sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với ông Obama.

Hai thỏa thuận khiến phe Cộng hòa băn khoăn nhất trong lần đàm phán vừa rồi là loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá ra khỏi danh sách được bảo hộ và rút ngắn thời gian bảo hộ độc quyền với dược phẩm sinh học.  Việc loại bỏ những tiêu chuẩn lao động khắt khe cũng là nội dung bị đảng Cộng hòa công kích….

{keywords}
Nhiều người Mỹ phản đối TPP

Với việc hoàn tất đàm phán TPP, giờ đây các thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách tìm ra những kẽ hở bất lợi để phản đối công khai tại Quốc hội Mỹ.  Thách thức lớn đang chờ đợi ông trước mắt là thuyết phục Quốc hội thông qua TPP trong năm tới khi mà đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở lưỡng viện.

Ứng cử viên của đảng Cộng hòa là Donald Trump đã dùng TPP để hướng sự công kích vào đối thủ Dân chủ. “TPP là một cuộc tấn công vào doanh nghiệp của Mỹ. Đây là một thỏa thuận tồi”, vị tỷ phú nước Mỹ này cho hay.

Còn Hillary Clinton thì cho rằng, thỏa thuận này sẽ có hại hơn là thuận lợi. Bà Hillary cho rằng thỏa thuận này sẽ không đủ sức kiểm soát được việc thao túng tiền tệ hoặc bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá thuốc quá cao, theo Reuters.

Bà Hillary Clinton, một trong những gương mặt tiềm năng có khả năng kế nhiệm ông Obama, lại đang muốn lôi kéo sự ủng hộ của những thành phần cánh tả có tư tưởng bảo hộ trong đảng Dân chủ. Do đó, cựu ngoại trưởng Mỹ không thể hiện sự hậu thuẫn của mình dành cho TPP, một hiệp định bà từng đề cao.

Việc bà Clinton thể hiện sự phản đối TPP một cách công khai là đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh ông sẽ phải thuyết phục Quốc hội phê chuẩn hiệp định có thể trở thành di sản trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Theo tiến trình, Quốc hội Mỹ sẽ dành ra 90 ngày để quyết định có thông qua TPP, liệu có một cánh cửa chính trị nào giúp TPP đi qua được cửa ải Quốc hội. Điều đó có nghĩa là ông Obama không thể ký vào Hiệp định này trước tháng 1 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Cùng với các thủ tục khác, có thể đến giữa năm 2016, TPP mới được chính thức thông qua ở Quốc hội Mỹ.

Thời gian một năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Obama không dài, nhưng cũng không ngắn để ông có thể hoàn thiện nốt di sản của mình. Tổng thống Obama vẫn tỏ ra lạc quan về việc sẽ giành được sự ủng hộ từ quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát.

Nam Hải