Từng được xem là cánh chim đầu đàn của Hội Doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh và đạt được vô số danh hiệu cao quý, việc doanh nhân Nguyễn Thạc Thanh bị tố cáo lừa đảo, trốn thuế hàng chục tỷ đồng khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng.

TIN BÀI KHÁC

Ông Nguyễn Thạc Thanh (Ảnh: Doanh nghiệp và hội nhập)
Từ lá đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tiến – thành viên sáng lập Công Ty TNHH Thành Công (213 Ngô Gia Tự, Suối Hoa, Bắc Ninh), ngày 5/4/2011, công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Thạc Thanh (48 tuổi, Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vật liệu Công nghiệp Phú Thái (không thuộc tập đoàn Phú Thái Group), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thanh Tùng (trụ sở tại Trần Phú, Từ Sơn, Bắc Ninh) về 2 tội trốn thuế và tội Lưu hành giấy tờ có giá giả theo Điều 181 và Điều 161 Bộ Luật Hình sự.

Ngày 6/4/2011, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn quyết định khởi tố trên.

Đầu tháng 7/2011, VKSND tỉnh Bắc Ninh lại có văn bản gửi Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh yêu cầu làm rõ nhiều nội dung liên quan đến vụ án này, trong đó yêu cầu phía Cơ quan An ninh điều tra làm rõ những đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Thạc Thanh, nếu có đủ căn cứ thì khởi tố bị can với vai trò đồng phạm.

Ngoài ra VKSND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra xác minh và có kết luận cụ thể có hay không việc ông Nguyễn Thạc Thanh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công ty TNHH Thành Công số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đồng thời đề nghị làm rõ việc Công ty Cty Cổ phần Vật liệu Công nghiệp Phú Thái trong thời gian ngắn liên tục có các hợp đồng mua bán hàng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thanh Tùng để tự làm lỗ cho Công ty Cổ phần Vật liệu công nghiệp Phú Thái nhằm mục đích trốn thuế và chiếm đoạt tiền nợ của đối tác.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ thông tin về vụ án này.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tiến, ông Nguyễn Thạc Thanh và các đối tượng có liên quan vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thạc Thanh cùng lúc làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư và thương mại Thanh Tùng đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần vật liệu Phú Thái (gọi tắt là Công ty Phú Thái từ tháng 7/2007 – tháng 12/2008).

Ông Nguyễn Cảnh Hứa làm TGĐ Công ty Phú Thái từ tháng 12/2008 đến nay đồng thời làm TGĐ Công ty CP Bia Habada - Bắc Giang, TGĐ Công ty CP Bia Á Châu (Tiên Sơn, Bắc Ninh).

Bằng việc kiêm nhiệm nhiều vị trí và áp dụng hình thức ủy quyền, cử đại diện, Nguyễn Thạc Thanh và Nguyễn Cảnh Hứa đã ký kết qua lại nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng trăm tỷ đồng giữa Phú Thái và Thanh Tùng.

Trong Luật Doanh nghiệp, Điều 116 có quy định rõ “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp khác”.

Lưu hành giấy tờ có giá giả và trốn thuế


Tháng 12/2008, Nguyễn Thạc Thanh chỉ đạo Nguyễn Cảnh Hứa nhận hóa đơn lô hàng trị giá 76 tỷ đồng cho Công ty Phú Thái. Tuy nhiên trên thực tế việc này chỉ ký kết trên phụ kiện hợp đồng chứ không có việc xuất - nhập hàng hóa.

Đến ngày 30/6/2010, Công ty Phú Thái xuất bán thanh lý ngược lại trên giấy tờ cho Công ty Thanh Tùng số hàng hóa trị giá 11,2 tỷ đồng, làm lỗ cho công ty Phú Thái gần 65 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa đầu vào cho lô hàng trên, Nguyễn Thạc Thanh đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Vân (em dâu ông Thanh) – nhân viên Công ty Thanh Tùng; bà Đặng Quỳnh Châu, ông Nguyễn Phụ Quyến – nhân viên dưới quyền đến Chi cục Thuế Từ Sơn mua (cấp) 3 hóa đơn bán lẻ thông thường để mua bán nguyên liệu làm bia gồm Hoa bia và Cao Co2 với trị giá gần 30 tỷ đồng.

Sau đó Nguyễn Thạc Thanh chỉ đạo Nguyễn Cảnh Hứa đi làm hoàn thuế VAT với Cục Thuế Bắc Ninh, thu được số tiền chênh lệch giữa thuế VAT đầu vào và thuế VAT đầu ra gần 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, loại hóa đơn thông thường này chỉ dùng để cấp cho những mặt hàng được trực tiếp làm ra trên thị trường nội địa, trong khi đó 2 mặt hàng trên đều là nguyên liệu nhập khẩu.

Điều đáng nói, sau khi có đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tiến, trả lời trước Cơ quan an ninh điều tra, bà Đặng Quỳnh Châu, người đứng tên Người bán hàng trong hóa đơn số 0077294 trị giá gần 8,3 tỷ đồng, xác nhận chỉ ký tên khống vào hóa đơn chứ không có hàng hóa thực tế bán cho Công ty Thanh Tùng. Bà Châu thừa nhận chỉ ký tên vào hóa đơn liên đỏ 2, chữ ký và tên “Đặng Quỳnh Châu” tại liên 1 và liên 3 không phải là chữ của bà.

Đây được xem là hình thức hợp thức hóa đầu vào để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra theo đơn tố cáo của ông Tiến, trong giai đoạn từ 2007 – 2010, Nguyễn Thạc Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập hai hệ thống sổ sách kể toán của Công ty Phú Thái. Một để lưu hành nội bộ, một để báo cáo cơ quan Thuế thông qua việc khai khống số liệu.
Theo đó trong vòng 4 năm, Nguyễn Thạc Thanh cùng Ban lãnh đạo Công ty Phú Thái đã trốn thuế được hơn 10,5 tỷ đồng từ Thuế VAT và Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Thạc Thanh mua sắm nhiều đồ cổ, đồng hồ Thụy Sĩ, mua ô tô Roll-Royce, mua nhà tại Úc với trị giá hàng triệu USD.

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tháng 3/2008, Nguyễn Thạc Thanh với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư và thương mại Thanh Tùng có đến bàn bạc với Công ty TNHH Thành Công nhập 5.000 tấn Barley của Úc để đưa qua Trung Quốc gia công thành Malt rồi chuyển về Việt Nam bán cho khách hàng.


Cam kết thực hiện hợp đồng giữa 2 công ty Phú Thái và Thành Công

Theo cam kết thực hiện hợp đồng giữa 2 bên, phía ông Thanh có trách nhiệm giao dịch với Úc và Trung Quốc, thống nhất giá cả, phương thức giao dịch. Còn phía công ty Thành Công có nhiệm ký hợp đồng ngoại với khách nước ngoài, mở L/C vay vốn nhập khẩu của Ngân hàng Đầu tư Bắc Ninh.

Sau khi hợp đồng hoàn tất và thu về sản phẩm Malt, Công ty Phú Thái hoặc Thanh Tùng có trách nhiệm mua hết số sản phẩm trên của Thành Công để bán lại cho các đơn vị sản xuất bia có nhu cầu. Trong quá trình giao dịch, phía Thanh Tùng sẽ thanh toán mọi chi phí để Công ty Thành Công thực hiện hợp đồng này. Phía Thành Công sẽ nhận được 1,5% tổng giá trị của hợp đồng.

Tháng 10/2008, 868,1 tấn Malt bia từ Trung Quốc về Việt Nam. Thanh Tùng không mua lại mà yêu cầu phía Thành Công ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương do bà Phương Minh Huệ - một thành viên hội đồng quản trị của Công ty Phú Thái làm Giám đốc. Sau đó Việt Phương lại bán lại cho Phú Thái và thỏa thuận với Thành Công rằng Phú Thái sẽ trả khoản tiền trên thông qua công văn số 03/2008/CNVP ký ngày 31/12/2008.

Tuy nhiên ngày 29/12/2008, Phú Thái đã thanh toán tiền cho Việt Phương bằng tiền vay của Ngân hàng Công thương Bắc Ninh. Như vậy, khoản trả cho Thành Công tiếp tục được đẩy qua Việt Phương. Nhưng Việt Phương không trả và giải thích rằng chỉ có trách nhiệm đôn đốc Phú Thái thanh toán, hạn cuối là 31/1/2009, tuy nhiên đến nay chưa trả.

Trong khi lô hàng đầu tiên về nước còn lùm xùm chưa giải quyết xong, thì đến ngày 12/12/2008, lô hàng Malt 424,7 tấn lại tiếp tục về Việt Nam. Phú Thái mang hợp đồng 01/09/TC-PT lên ký với Thành Công để mua lại toàn bộ số hàng này theo như cam kết ban đầu và thỏa thuận sẽ trả Thành Công nhiều đợt bằng USD.

Tuy nhiên đến nay việc thanh toán không như cam kết, phía Thành Công đã nhiều lần làm văn bản, cũng như đến văn phòng Công ty Phú Thái để yêu cầu thanh toán hết nhưng ông Nguyễn Thạc Thanh và một số ban lãnh đạo của Công ty Phú Thái đều không trả.

Số tiền Phú Thái chiếm giữ của Thành Công là trên 1,4 triệu USD.

Hiện phía Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đang làm rõ nội dung này.

Minh Anh (Tổng hợp theo TP, BVPL)