Dù là đại gia nhưng tính tham vốn sẵn trong máu đã biến nhiều người.. bỗng chốc thành "siêu lừa đảo".

TIN BÀI KHÁC

Thời gian gần đây, dư luận dồn dập bị tấn công bởi những thông tin "đại gia này kia vỡ nợ, lộ thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt bạc tỷ...". Cụ thể, vào ngày 7/10 vừa qua, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) tại TP HCM chính thức xác nhận bà Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978) - thành viên Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Phương Đông (ORS) và nguyên là nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) - vừa bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo nhiều người góp vốn để đầu tư, trong đó có chứng khoán. Số nợ được cho là có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bà Huỳnh Thị Huyền Như.

Một số thông tin cho biết, bằng “miếng mồi” lãi suất từ 5 đến 7,5%/tháng, bà Huỳnh Thị Huyền Như đã huy động vốn với số tiền khủng. Đầu mối liên quan chủ yếu là việc bà Như thành lập một công ty, rồi mở tài khoản tại một ngân hàng lớn ở TPHCM. Mặc dù lĩnh vực hoạt động là đầu tư, kinh doanh bất động sản…, nhưng thực chất công ty này huy động vốn, với lãi suất cao từ một số cá nhân, tổ chức, rồi thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng.

Tài sản cầm cố của những người đáo nợ thường là bất động sản nên khi họ không thể chi trả thì chắc chắn sẽ thuộc về nữ đại gia này. Tuy nhiên, điều đáng nói là do có sự tiếp tay của một người từ một ngân hàng mà bà Như càng ngày càng bành trướng. Tại một ngân hàng, cơ quan công an đã xác định có đến 86 tài khoản được mở liên quan đến bà Như. Ngoài ra, bà Như còn dùng tài khoản của người thân mở tài khoản tại một số công ty chứng khoán để đầu tư.

Hiện, trong công văn công bố thông tin bất thường ngày 10/10, Công ty ORS cho biết đã đình chỉ tư cách thành viên HĐQT đối với bà Huỳnh Thị Huyền Như. ORS cho biết, bà Như trước đó được một nhóm cổ đông đề cử và được cổ đông bầu làm thành viên HĐQT công ty này từ ngày 18/5/2011. Theo ORS, bà này không mở tài khoản giao dịch chứng khoán cũng như không có quan hệ vay mượn nào với công ty này trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa.

Trong một diễn biến tương đồng, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an phía Nam vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án nữ đại gia lừa đảo số tiền lên đến 500 tỷ đồng. Theo đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa (trú phường 12 - quận 10 - TP. HCM) bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người phụ nữ này được mệnh danh là “tỷ phú hột xoàn” vì thực chất bà Hoa chuyên kinh doanh, mua bán hột xoàn tại các chợ An Đông (quận 5), Vườn Chuối, Bàn Cờ (quận 3). Tuy nhiên, đi tới đâu, gặp gỡ ai trong giới kinh doanh, bà tỏ ra là một doanh nhân thành đạt, khoe mình sở hữu các cơ sở kinh doanh quy mô lớn và giới thiệu về công việc bỏ mối hột xoàn cho các cửa hàng tại TP HCM.

Sau một thời gian kết thân, tạo niềm tin, bà Hoa đặt vấn đề hùn hạp làm ăn. Thấy bà này kinh doanh giỏi và rất giàu nên nhiều người đồng ý. Bà Hoa huy động vốn từ các cá nhân với tiền lãi từ 10% đến 15%. Lúc đầu, bà Hoa chỉ mượn vài trăm triệu đồng và trả đầy đủ, đúng hẹn.

Nhiều người do hám lời đã thế chấp tài sản, thậm chí vay mượn tiền để cho vay lại nhằm lấy lãi. Sau khi huy động được khoảng 500 tỷ đồng, trả được chút tiền lãi vào thời gian đầu. Đến tháng 4/2010, bà này tuyên bố vỡ nợ và tắt máy điện thoại. Rất nhiều con nợ đã kéo đến nhà bà Hoa ở quận 10 để đòi, nhưng căn nhà này đã được đem bán.

Sau đó, bà Hoa đã đến cơ quan công can trình diện vì sợ các con nợ ở bên ngoài trả thù. Khoảng giữa tháng 9/2010, Cục cảnh sát điều tra tội phạm (C45B) đã bắt giữ nữ tỷ phú Nguyễn Thị Hoàng Hoa.

Thêm một nghi án đại gia lừa đảo khi khi bà H. "tố" bà Hà cho vay tiền bằng cách "mồi" dự án mảnh “đất vàng” 19B Nguyễn Thị Minh Khai (P.Bến Nghé - Q.1). Ảnh: Dân Trí

Khi dư chấn về vụ án lừa đảo của nữ đại gia Huỳnh Thị Huyền Như chưa kịp lắng dịu, dư luận tại TP.HCM lại sôi lên với một nghi án hàng trăm tỷ đồng liên quan đến vay nợ có yếu tố lừa đảo - vừa hé lộ khi bà L.T.M.H (ở P15, Q10, TP HCM) viết đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng, để tố cáo bà Đoàn Minh Hà - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang - đã lừa đảo, chiếm đoạt của bà H. số tiền lên tới trên 50 tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.
 
Theo Dân Trí, lá đơn tố cáo dài hơn 20 trang giấy của bà H. đã vẽ ra một “mạng nhện” những dòng tiền vay mượn đầy những quan hệ chằng chịt. Theo bà H., bà Hà từng là khách hàng lớn tại ngân hàng nơi bà H. từng làm giám đốc. Từ mối quan hệ này và nhiều chiêu bài giới thiệu, gặp gỡ nhiều người có vị thế, bà Hà đã thuyết phục được bà H. tin vào việc bà này đang làm thủ tục để triển khai một dự án bất động sản lớn trên mảnh “đất vàng” 19B Nguyễn Thị Minh Khai (P.Bến Nghé - Q.1).

Với hình ảnh một nữ “đại gia” quảng giao và những lời hứa ngọt ngào, bà Hà đã nhiều lần vay mượn của bà H. trong thời gian từ 3/2009 đến cuối năm 2010 với tổng số tiền, theo bà H., lên tới 50 tỷ đồng và hàng nghìn USD. Số tiền này, theo đơn, được bà Hà dùng để móc nối quan hệ, đáo hạn ngân hàng và nhiều mục đích khác.

Để có được số tiền này, bà H. đã thế chấp tài sản gia đình, vay mượn từ những người quen biết, đứng tên vay hộ bà Hà để chuyển cho bà Hà bằng nhiều hình thức: giao tiền mặt biên nhận viết tay, chuyển qua người thứ ba, chuyển khoản… - đơn nói, kèm theo hàng chục tờ biên nhận viết tay có chữ ký được coi là của bà Hà.

Ngoài lá đơn tố cáo, bà H. cũng đang khởi kiện đòi nữ “đại gia” này trả 9,8 tỷ đồng và 168.000 USD và yêu cầu Công ty Minh Quang do bà Hà làm Chủ tịch HĐTV trả 15,3 tỷ đồng.

Sau nhiều lần khất nợ với đủ lý do, gần một năm nay bà Hà đột nhiên “biến mất” khỏi nơi ở tại 28/2- 28/4 Bùi Viện (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1).

Căn nhà của vợ chồng Hùng – Cúc luôn kín cổng cao tường từ ngày bị vỡ nợ. Ảnh: GDVN

Cho đến hôm nay, người dân xóm Thái Học, thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ vỡ nợ động trời mới xảy ra tại địa phương. Trong khi nhà chức trách chưa thống kê được số nợ, mà vợ chồng Hùng – Cúc vay của người dân thì theo nhẩm tính đến ngày 10/10 của những người hàng xóm cùng chủ nợ, con số này khoảng 870 tỷ đồng.

Thủ đoạn của Nguyễn Thị Cúc là huy động tiền với lãi suất rất cao, bình thường 3 – 5 ngàn đồng/ triệu/ ngày. Thậm chí, lúc cao điểm, Cúc trả lãi suất tiền gửi lên tới 7 ngàn đồng/ triệu/ ngày. Thấy việc Cúc vay tiền với lãi suất cao, người dân bắt đầu mang tiền đến gửi, của nhà không có thì cắm sổ đỏ, huy động từ người thân, rồi đi vay của người khác mang cho Cúc vay hòng hưởng lãi suất chênh lệch. Từ đó, hình thành lên một hệ thống “đại lý tín dụng đen” cấp dưới, chuyên đi vay tiền của người khác, rồi mang cho Cúc vay. Một thông tin cho biết, đa số chủ nợ đều là người kinh doanh vàng bạc, cầm đồ, tiểu thương, buôn bán ở thị trấn Phú Minh.

Người dân địa  phương cho biết, Nguyễn Thị Cúc có người nhà đi làm ăn ở nước ngoài không may chết sớm, được đền bù 500 triệu đồng. Từ số tiền này, vợ chồng Hùng Cúc thực hiện cho vay lãi, xoay vòng vốn để kiếm lời. Ba năm trở lại đây, vợ chồng này giàu lên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, cặp đôi đại gia vẫn sống rất tốt với hàng xóm, láng giềng; tham gia đầy đủ các hoạt động quần chúng tại địa phương. Cúc thường xuyên cho tiền người khác và đã hào phóng đầu tư 100% vốn (100 triệu đồng) cho xóm làm đường bê tông... Vì thế, người dân ở đây coi vợ chồng Hùng Cúc như một thần tượng, ai ai cũng dành những lời lẽ tốt đẹp nhất cho họ.

Ngôi nhà của vợ chồng Chinh bị niêm phong. Ảnh: VNE

Có thể nó, vụ vỡ nợ của vợ chồng Hùng Cúc chỉ là một trong 4 vụ đình đám ở Hà Nội vào thời gian này. Cũng với thủ đoạn gom tiền, Phạm Thị Chinh (SN 1975) và chồng là Nguyễn Ngọc Chúc (SN 1969) -  trú tại số 17 ngõ 13 tổ 28 Nghĩa Đô; trước đây cùng làm tại Công ty vàng bạc đá quý Mạnh Hải tại 39 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân - đã vay tiền để mở cửa hàng vàng bạc riêng, lãi suất 9% tháng, có người Chinh hứa hẹn trả 14-15%/tháng. Đáng nói là những người cho Chinh vay tiền chỉ viết giấy tờ viết tay, thậm chí chỉ ghi sổ và Chinh ký nhận vay tiền mỗi lần với một chữ ký khác nhau.

Theo trình báo của 12 nạn nhân đến Cơ quan điều tra công an quận Cầu Giấy và Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội, chủ nợ Phạm Thị Chinh đã lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng, 99,5 cây vàng, 151.600 USD và 6000 euro. Ngoài ra, theo tìm hiểu, còn một số chủ nợ khác cho vay số tiền cực lớn nhưng chưa trình báo. Trong đó có một chủ nợ tại Kim Bôi - Hòa Bình cho vợ chồng Chinh Chúc vay 2 bao vàng cám trị giá khoảng 400 tỷ đồng; 1 chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận Tây Hồ cho vay trên 100 tỷ đồng. Hai chủ nợ khác ở Tây Hồ cũng cho vay 110 tỷ đồng. Như vậy, tính sơ bộ, số tiền vỡ nợ của Phạm Thị Chinh lên đến 600 tỷ đồng.
 
Được biết từ đêm 6/10, gia đình Phạm Thị Chinh gồm bố mẹ đẻ là ông Phạm Hùng Chính, bà Nguyễn Thị Xuyến; Nguyễn Ngọc Chức (chồng Chinh) cùng 2 đứa con nhỏ đã bỏ nhà đi trốn. Ngày 12/10, tổ dân phố cùng UBND, công an phường Nghĩa Đô đã tiến hành niêm phong nơi ở của Phạm Thị Chinh.

(Theo Đất Việt)