Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nhâm Thìn và lượng hàng hóa trong các siêu thị đã dần tăng mạnh, cùng với đó là nỗi lo về an toàn thực phẩm. Liệu với khối lượng hàng khổng lồ như thế, các siêu thị có “đủ sức” kiểm soát về chất lượng hàng hóa, nhất, là các mặt hàng thực phẩm?

TIN BÀI KHÁC

Siêu thị Big C đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 25% - 30% so với 2011; Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 4 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Tổng lượng hàng được dự trữ là 24.000 tấn với tổng số vốn là 2.800 tỷ đồng; Hệ thống Citimart cũng dự trù hàng hóa cho ngày Tết với doanh thu khoảng 3 - 4 tỷ đồng/ngày, tăng gấp 4,5 lần ngày thường.

Một loạt các hệ thống siêu thị lớn khác như Lotte mart, Metro cũng đã đang nhận hàng về kho để phục vụ như cầu mua săm Tết của người dân… Song song với lượng hàng hóa dự trữ khổng lồ từ các siêu thị cho mùa mua sắm của Tết Nhâm Thìn là nỗi lo về an toàn thực phẩm.

Muôn mặt quản lí chất lượng thực phẩm của các hệ thống siêu thị

Qua thực tế tìm hiểu thì hầu hết các siêu thị tại TPHCM như Co.op mart, BigC, Citimart, Vinatex, Lotte mart.. đều áp dụng phổ biến biện pháp kiểm định chất lượng nguồn hàng thực phẩm là kiểm tra trên giấy, tức dựa vào những cam kết về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các nhà cung cấp. Bên cạnh đó mỗi hệ thống bán lẻ cũng có những phương án kiểm sóat theo cách riêng.

Ảnh minh họa

Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Citimart cũng xác nhận :với hàng chục ngàn sản phẩm đang kinh doanh, trong đó có vài ngàn sản phẩm thực phẩm mà cần kiểm tra kiểm định mỗi ngày là điều rất khó thực hiện. Chính vì vậy cách thức kiểm tra chất lượng sản phẩm chính thức và phổ biến hiện nay của các hệ thống siêu thị cũng vẫn là thông qua các văn bản quy định trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa với nhà bán lẻ là siêu thị theo pháp luật.

Các siêu thị trong đó có những siêu thị lớn và uy tín như Co.op mart, Big C, Lotte..còn thường dùng phép kiểm tra ngẫu nhiên: trong một vài tháng lấy một số mẫu thực phẩm bất kỳ mang đi kiểm định và thường thì kết quả cho thấy những nghi ngờ từ phía cơ quan chức năng với chất lượng sản phẩm là có cơ sở.

Khi được hỏi về những bất cập trong các sản phẩm như nem, giò chả, thịt cá cho đến rau câu, bánh kẹo có chứa chất phụ gia gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng, các sản phẩm hết date, không nhãn mác, không rõ xuất xứ, nguồn gốc mà báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua còn tồn tại khá phổ biến thì khi các lọai hàng hóa này vào siêu thị có được kiểm định hay không thì ông Hải cho rằng một trong số những nguyên nhân mang tính khách quan đó là chi phí kiểm định quá cao nên không thể kiểm định sản phẩm thường xuyên được. Nên cách thức lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên vẫn là cách làm khả thi nhất.

Tuy vậy, hình thức kiểm tra này còn chứa nhiều rủi ro, nó đi sau người tiêu dùng và chính vì vậy yếu tố an toàn cho người tiêu dùng vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Chị Hương, một cư dân ở khu Panorama, Phú Hưng, Q.7(TP.HCM) cho biết: gia đình chị đã từng 2 lần bị ngộ độc khi ăn nho đen không hạt xuất xứ Mỹ mua tại siêu thị Lotte mart. Khi hỏi tại sao chị không khiếu nại thì chị cười nói: khiếu nại hay kiện về chất lượng hàng hóa, hay thực phẩm ở Việt Nam chỉ mất thì giờ vì chắc chắn siêu thị sẽ trưng ra giấy cam kết chất lượng của nhà cung cấp và sẽ “đá” khách hàng sang phía nhà cung cấp giải quyết. Và cách giải quyết của chị Hương là kể từ đó nhà chị đọan tuyệt với tất cả các lọai trái cây nhập khẩu.

Chị Hương cho biết thêm: chồng chị đi công tác ở Quảng Châu (Trung Quốc) ở khách sạn 5 sao Marriott có mang về 1 trái táo. Chị thí nghiệm để trong xe hơi hơn 3 tháng không hề hư hỏng cho dù vỏ bên ngòai đã nhăn nheo. Chị đặt dấu hỏi: ngay sản phẩm tại Trung Quốc còn như vậy thử hỏi trái cây Trung Quốc được bày bán tràn ngập các chợ và siêu thị Việt Nam có được kiểm định về hóa chất bảo quản? với lượng hóa chất bảo quản trái táo hơn 3 tháng không hư hỏng thì người tiêu dùng ăn vào là hậu quả khôn lường. Và cách của chị Hương cũng nói ”không” với tất cả các loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhiều người tiêu dùng cũng thắc mắc: các sản phẩm cà muối đóng hộp... bán trong siêu thị luôn có nhãn mác khẳng định không chứa hàn the, không chất phụ gia... nhưng tại sao ăn giòn tan một cách đáng ngờ?

Giải pháp nào cho chất lượng hàng vào siêu thị


Thực trạng trên dẫn đến khả năng trong tương lai nếu các nhà bán lẻ trong nước không từng bước thay đổi và nâng cấp toàn diện đặc biệt là chú trọng vấn đề chất lượng thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”, khi mà các “đại gia” bán lẻ hàng đầu thế giới nhảy vào thị trường Việt Nam. Và thực tế đã bắt đầu có những nhà bán lẻ hàng đầu châu Á “đặt” chân vào thị trường Việt Nam như tập đòan Dairy Fam thông qua “đại” siêu thị Giant rộng 4500m2 đặt tại Crescent Mall (Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) với tiêu chí chất lượng lên hàng đầu.

Dường như ý thức được điều đó, hiện một số các hệ thống siêu thị đã và đang từng bước hoàn thiện quy trình kiểm tra chất lượng đầu vào cũng như khầu bảo quản chất lượng đối với nhãn hàng, sản phẩm sẽ được bán trong hệ thống của mình.

Đơn cử như Co.opMart trong năm 2011 đã ký Thực hành sản xuất tốt cùng Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC). Thông qua thỏa thuận này, chất lượng nông sản kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opMart luôn được đảm bảo từ khâu thu mua, phân phối đến sơ chế, đóng gói và bảo quản.

Tại Co.opMart, đối với những hàng không dự trữ như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, có kế hoạch ứng vốn cho các nhà vườn, các HTX sản xuất … sau đó được chuyển dần về hệ thống theo đơn đặt hàng.

Hệ thống siêu thị BigC cam kết kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa đầu vào, đối với các mặt hàng truyền thống chủ đạo phục vụ Tết như mứt bánh… chỉ hợp tác với các nhà cung cấp lớn và uy tín. Để từng bước kiểm soát chất lượng nguồn hàng hóa của hệ thống, BigC đang đầu tư phát triển các nhãn hàng riêng, độc quyền đưa tới cho khách hàng của mình sản phẩm có giá thành thấp mà chất lượng lại tốt.

Hệ thống Citimart tiếp tục duy trì việc kết hợp chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm trong hợp đồng kinh tế với đối tác của mình để chọn lọc nguồn hàng và đồng thời ngăn chặn ngay từ đầu những công ty thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất sản phẩm thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Trưởng phòng vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM thì “trước hết người tiêu dùng nên chủ động bảo vệ cho sức khỏe của chính mình bằng hành động nói không với những sản phẩm thương hiệu không an toàn. Cùng với nó là sự kiểm tra kiểm soát chặt chẽ của các bộ ngành liên quan, ở đây chúng ta có tới 8 cơ quan liên quan: nuôi trồng thuộc diện quản lý Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, thực phẩm lưu thông trên thị trường thuộc Sở thương mại, Sở y tế giám sát kiểm tra từ khâu nguyên liệu sau lưu thông đến bàn ăn...

Do đó nếu thực phẩm thuộc ngành nào quản lý thì ngành đó chịu trách nhiệm”. Nếu chúng ta đồng lòng nói không với thực phẩm thiếu vệ sinh, không an toàn, chắc chắn những người kinh doanh loại hàng hóa kém chất lượng thiếu an toàn đối với sức khỏe của con người sẽ không có cơ hội tồn tại.

(Theo Công thương)