Người dân đăng ký cây keo, xà cừ... nhưng chính quyền huyện Minh Long (Quảng Ngãi) lại chi trên 1 tỷ đồng mua chè giống từ tỉnh Phú Thọ về rồi vứt bỏ.

TIN BÀI KHÁC

Mua về rồi vứt

Tháng 10.2011, từ nguồn vốn Chương trình 30a, UBND huyện Minh Long đã phê duyệt mua trên 400.000 cây chè giống từ các tỉnh phía bắc, với giá 2.500 đồng/cây để cấp phát cho người dân nghèo trong huyện. Trong đó nhiều nhất là xã Long Môn (khoảng 200.000 cây), trị giá 500 triệu đồng; Thanh An (khoảng 107.000 cây), trị giá gần 270 triệu đồng.

Thế nhưng do chưa được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc loại chè này nên khi trồng, chè bị chết hàng loạt. Phần lớn người dân không có nhu cầu trồng chè hoặc muốn trồng lại không có đất nên đã vứt bỏ cây chè giống vô tội vạ.

Anh Đinh Văn Tre (45 tuổi), ở thôn Làng Vang, xã Thanh An, cho biết: Thấy chè cấp cho dân mà không ai nhận bỏ cả đống ở gần trụ sở UBND xã, anh đến xin và được cán bộ xã đồng ý cho. Anh mượn chiếc ô tô tải 2,5 tấn đến chở 3 xe về trồng và cho bà con xung quanh nhưng cũng không hết, nên phải vứt bỏ rất nhiều.

Chị Hà với số chè vừa trồng đã chết.

Cũng vì tiếc khi thấy chè giống bị bỏ nằm la liệt ngoài lề đường cạnh UBND xã Long Mai, anh Đinh Văn Bin (27 tuổi), ở thôn Mai Lãnh Trung, nhặt đưa về trồng được vài trăm cây thì hết đất, còn lại hơn 1.000 cây không biết làm gì, đành bỏ ở góc sân nhà.

Còn anh Đinh Văn Thạnh (46 tuổi), ở thôn Làng Vang, xã Thanh An, phân bua: Gia đình được cấp gần 700 cây chè đem về trồng quanh nhà, trên rẫy nhưng không hiểu sao đến giờ bị chết sạch.

Chị Trương Thị Thu Hà (27 tuổi), ở thôn Mai Lãnh Trung, xã Long Mai, lắc đầu: Sau khi được cấp 800 cây chè giống, vợ chồng tôi vất vả dùng xe máy vận chuyển về rẫy rồi thuê 4 lao động trồng gần 1 tuần mới xong. Thế nhưng đến nay, chỉ còn sống được vài chục cây, còn lại chết hết.

Mang oan vì chè

Anh Đinh Văn Bồ - Trưởng thôn Công Loan, xã Thanh An, vò đầu: Cũng vì cây chè mà mình bị bà con trong thôn chửi té tát; đồng thời chi bộ yêu cầu kiểm điểm. Thực tế, số gia đình được hưởng lợi từ chương trình 30a chỉ đăng ký cây keo, xà cừ... không ai đăng ký cây chè. Thế nhưng đến khi xã tổ chức cấp phát thì trong danh sách có đến 14 hộ được cấp cây chè, với số lượng 700 cây/hộ, nên nhiều người phản ứng và không nhận. Sợ bị xã khiển trách, anh phải đến gặp từng người năn nỉ nhận dùm, để rồi, toàn bộ số chè giống nhận về bị người dân vứt bỏ.

Trao đổi với NTNN, ông Đinh Công Nghĩa - cán bộ văn phòng UBND xã Thanh An, lý giải: Việc cấp phát cây chè là dựa vào biên bản họp dân ở các thôn đưa lên. Trước khi mua giống chè về cấp, xã cùng cán bộ trạm khuyến nông và một số bộ phận liên quan của huyện đã tiến hành khảo sát. Tuy nhiên xã chưa tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc giống chè này cho người dân.

Thực tế, số gia đình được hưởng lợi từ chương trình 30a chỉ đăng ký cây keo, xà cừ... không ai đăng ký cây chè. Thế nhưng đến khi xã tổ chức cấp phát thì trong danh sách có đến 14 hộ được cấp cây chè, với số lượng 700 cây/hộ.
Ông Nguyễn Linh Quý - Trưởng trạm Khuyến nông Minh Long, bác bỏ: Không có chuyện cán bộ trạm tham gia khảo sát cùng với xã trước khi cấp chè giống. Và trạm cũng không được ai hỏi, tham khảo ý kiến chuyên môn gì về loại cây trồng này.

Còn ông Đinh Trường Giang - cán bộ Phòng NNPTNT huyện, giải thích: Trong đợt hỗ trợ theo chương trình 30a vào tháng 10.2011, mỗi hộ được hỗ trợ cây, con giống trị giá 3 triệu đồng/hộ; với tổng số tiền trong toàn huyện khoảng 3,7 tỷ đồng, trong đó tiền giống mua cây chè khoảng 1,1 tỷ đồng. Do xã làm chủ đầu tư nên việc mua cấp cây, con giống gì là do xã đề nghị lên. Theo đó, phòng chỉ tổng hợp và tham mưu cho UBND huyện phê duyệt mà thôi.

Tiền tỷ ngân sách bị phung phí, không biết ai là người chịu trách nhiệm, xin nhường câu trả lời cho cấp thẩm quyền Quảng Ngãi.

(Theo Dân Việt)