Ở Việt Nam, theo các chuyên gia ước đoán, lượng vàng trong dân tương đương khoảng 20 tỷ USD.
Thị trường vàng còn bất ổn
Sốt vàng: Dân xót ruột, nhà buôn ấm lòng
Chênh lệch giá lớn: Vàng SJC bị làm giả
Không còn dấu hiệu sốt vàng
Mê trận sàn vàng
Trước năm 2006, kinh tế thế giới phát triển ổn định, lạm phát thấp, niềm tin vào đồng đôla Mỹ, trái phiếu chính phủ và đồng tiền trong nước cao, nên vàng có lúc nằm yên. Giá vàng thế giới dao động xoay quanh mức 300-400 USD/ounce. Ở Việt Nam cũng vậy...
Từ 1995 đến 2006 kinh tế liên tục tăng trưởng lạm phát thấp, đồng tiền Việt Nam được giá, dân có xu hướng giảm nắm giữ vàng. Ngay cả mua bán bất động sản dần dần bỏ giao dịch qua vàng.
Từ 2007, theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Năm 2008 các dự báo này trở thành sự thật. Lo ngại đồng đôla Mỹ mất giá, dự trữ ngoại tệ không an toàn, lạm phát tăng nhanh, đồng tiền mất giá, các nhà đầu tư, dân và cả các chính phủ đua nhau mua vàng để dự trữ.
Giá vàng thế giới tăng rất nhanh có lúc đã đạt trên 1.900 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng tăng theo và có lúc đạt 49,2 triệu đồng 1 lượng. Sau khi các nước G20 vào cuộc, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới được ngăn chặn lại. Giá vàng hạ nhiệt có lúc xuống 1.560 USD/ounce.
Song do phục hồi kinh tế thế giới chậm chạp, châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ công; tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm; thất nghiệp cao; các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ hạ nhiệt tăng trưởng, IMF đã đưa ra dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ chững lại. Theo WTO, thương mại thế giới năm nay chỉ tăng 2,5% thay cho mức 3,7% trước kia, vì vậy giá vàng có xu hướng tăng. Nhưng liệu giá vàng có trở lại mức 1.920 USD/ounce và tăng lên đỉnh mới trên 2.000 USD/ounce?
Cần xem xét một số yếu tố tác động đến vàng trong tương lai như sau:
Thứ nhất, nguồn cung vàng trên thế giới tăng. Do vàng được giá các nhà đầu tư mở lại các mỏ cũ và tăng đầu tư thêm vào các mỏ mới. Ví dụ như Sudan đầu tư nhà máy chế biến vàng công suất đạt hàng trăm tấn/năm. Vàng được giá xuất hiện nhiều vàng giả làm cho các nhà đầu tư không yên tâm giữ vàng.
Thứ hai, Chính phủ các nước đang lo chống đỡ với nợ công quá lớn nên không có điều kiện tham gia nhập vàng ồ ạt để tăng kho vàng dự trữ như trước. Trừ một vài nước dư thừa ngoại tệ mới tính đến chuyện tăng dự trữ vàng.
Thứ ba, nhiều Chính phủ đã thấy tác động của các cơn sốt vàng đối với lạm phát và tỷ giá hối đoái nên đã đưa ra các chính sách quản lý để giảm tác động của vàng.
Thứ tư, kinh tế thế giới tuy tăng trưởng chậm lại nhưng khó xảy ra một cuộc suy thoái kép. Nợ công châu Âu đang dần được giải quyết. Song vẫn còn những yếu tố khó lường như tình hình căng thẳng ở Trung Đông - cụ thể là Iran, Syria, biển Đông, nếu không kìm chế được cũng sẽ gây tác động đến thị trường vàng.
Thứ năm, các nhà đầu tư coi vàng chỉ là hàng hóa trong danh mục đầu tư của họ. Họ còn đầu tư rất nhiều hàng hóa khác mà mức độ sinh lời không kém gì vàng. Họ là những nhà đầu tư thông minh không bao giờ bỏ tất cả quả trứng của mình vào một rổ. Họ đẩy giá lên chốt lời, đợi giá xuống mua vào rồi chờ giá lên lại chốt lời, không găm giữ lâu như trước.
Qua phân tích ở trên có thể thấy, trong ngắn hạn (ít nhất là từ nay đến cuối năm), giá vàng vẫn biến động, nhưng khó bứt phá được đỉnh cao mới.
Làm gì để huy động được vàng trong dân?
Ở Việt Nam, theo các chuyên gia ước đoán, lượng vàng trong dân tương đương khoảng 20 tỷ USD. Đây là một nguồn vốn lớn nếu biết huy động có thể góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước.
Để huy động được nguồn vốn này trước hết phải ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát các năm sau ở mức một con số. Xây dựng lòng tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam, hay nói cách khác là giữ giá trị của đồng tiền để dân không lấy vàng là nơi trú ẩn.
Thực tế đã chứng minh, những năm kinh tế ổn định, lạm phát hợp lý, đồng tiền ổn định, người dân không quan tâm đến vàng, thậm chí thói quen mua bán bất động sản bằng vàng đã được chuyển sang mua bán bất động sản bằng tiền. Cần tuyên truyền để thống nhất quan điểm coi vàng chỉ là một hàng hóa đặc biệt nên sản xuất và kinh doanh vàng phải có điều kiện như các quy định hiện hành của ngân hàng nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, do có sự vào cuộc tích cực của ngân hàng nhà nước và các bộ ngành chống buôn lậu và gian lận thương mại trong kinh doanh vàng nên giá vàng vẫn trong mức ổn định.
Nhà nước muốn huy động vàng của những người dân coi vàng là kênh đầu tư sinh lời thì phải có cơ chế chính sách để dân tin, gửi vào an toàn và khi cần chi tiêu có thể rút ra thuận lợi. Vì là kênh đầu tư nên họ gửi phải có lời một hai phần trăm. Việt Nam chưa thể áp dụng như các nước phát triển, dân gửi vàng vào ngân hàng hoặc nhà nước giữ phải trả phí. Nếu làm như các nước phát triển dân sẽ tự cất giữ vàng và tiếp tục hình thành thị trường vàng ngoài luồng quản lý của nhà nước như thời chúng ta cấm buôn bán vàng.
Trong môi trường Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới và khu vực, vàng vẫn được lưu thông để tránh sốt nóng sốt lạnh của thị trường trong nước. Trước mắt, duy trì chế độ hạn ngạch để quản lý là cần thiết khi chúng ta đang nghiên cứu và xây dựng quy chế và điều kiện để mở sàn giao dịch vàng với thế giới. Tuy nhiên, ngân hàng Nhà nước cần sớm đưa ra mô hình hoạt động để thực hiện Thông tư 16/2012/TT-NHNN (hướng dẫn 1 số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng) khi chấm dứt việc huy động vàng của các ngân hàng vào tháng 11 năm nay.
Thêm nữa, hiện nay nhiều mặt hàng trong nước có giá chênh lệch cao hơn thế giới một cách bất hợp lý như giá vàng, giá sữa, giá thuốc tây, giá bất động sản vv…, đòi hỏi nhiều bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Công thương phải tăng cường phối hợp để đưa ra cơ chế quản lý cho phù hợp, hạn chế đầu cơ, làm giá, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng và đẩy lạm phát lên cao.
(Theo Báo Công thương)