Đến cuối tháng 8/2012, vốn chủ sở hữu của Bianfishco là -851 tỷ đồng, tức lỗ gần gấp 2 lần vốn điều lệ.
Bầu Hiển có mạo hiểm khi "gánh" khoản lỗ hơn 1.500 tỷ của Bianfishco?


Đầu năm nay, bà Phạm Thị Diệu Hiền – chủ tịch kiêm TGĐ của CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) – còn tổ chức đám cưới rất hoành tráng cho con trai. Ấy vậy mà chỉ ít lâu sau, những khó khăn chồng chất của công ty đã dần lộ diện.

Nhiều tháng qua dư luận đã biết đến việc sản xuất của Bianfishco gặp đình đốn và đang vay nợ lớn từ các ngân hàng cũng như nông dân. Tuy nhiên, khi nhìn vào những chỉ tiêu tài chính của công ty này không khiến ta khỏi giật mình vì con số lỗ khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo báo cáo tài chính, năm 2010, Bianfishco đạt 1.126 tỷ đồng doanh thu và 89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng tương ứng là 38% và 97% so với năm 2009.

ĐHCĐ thường niên năm 2011 tổ chức vào cuối tháng 6/2011 còn đặt mục tiêu 2.133 tỷ đồng doanh thu và 157 tỷ đồng LNST cho năm tài chính này.


Ấy vậy mà theo như số liệu công bố tại ĐHCĐ thường niên năm 2012 tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua thì Bianfishco đã lỗ 705 tỷ đồng trong năm ngoái và tiếp tục lỗ 835 tỷ đồng chỉ trong 8 tháng đầu năm nay. Như vậy trong có chưa đầy 2 năm, công ty đã lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 8/2012, tổng tài sản của Bianfishco là 1.035 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 1.886 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Vốn chủ sở hữu -851 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ cua công ty là 500 tỷ đồng.

Bên cạnh chi phí lãi vay do vay nợ lớn thì nguyên nhân chính dẫn đến lỗ năm 2011 là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 488 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp 8 tháng đầu năm nay chỉ còn 158 tỷ đồng, tuy nhiên, công ty lại có khoản lợi nhuận khác -463 tỷ đồng kéo mức lỗ đầu năm nay còn lớn hơn cả năm 2011.


Kết quả kinh doanh năm 2011 và 8 tháng đầu năm 2012 của Bianfishco
Những khoản chi phí lớn bất thường làm công ty lỗ nặng

Nguyên Tổng giám đốc Bianfishco Trần Văn Trí đã thừa nhận HĐQT trước đây yếu kém, kinh doanh lỗ nhưng lại báo với cổ đông là có lãi, thực chất là lãi giả.

Sau đại hội cổ đông thường niên năm 2012, bầu Hiển và SHB đã thực hiện tiếp quản Bianfishco, công ty đã dần trở lại hoạt động ổn định, trả được một phần nợ vay nông dân.

Tuy nhiên, với những số liệu tài chính rất xấu như trên có thể thấy được việc tái cơ cấu Bianfishco là không hề dễ dàng. Với vốn chủ sở hữu đã âm gần 1.000 tỷ thì công ty cần một lượng vốn cổ phần mới để trang trải bớt nợ nần cũng như duy trì hoạt động.


Gánh nặng phục hồi Bianfishco giờ đã được đặt lên vai của SHB – cổ đông lớn nhất đang nắm 50% của Bianfishco.
Trong khi đó, với việc sản xuất bị đình trệ trong một thời gian dài, vị thế của Bianfishco trong ngành chế biến xuất khẩu cá tra chắc chắn đã giảm đi đáng kể. Ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn cũng đang gặp khó khăn với doanh thu, lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

(Theo TTVN)