“Ăn theo” Tháng khuyến mại Hà Nội 2012, nhiều điểm bán hàng cũng hút khách bằng cách đặt biển, treo băng rôn kiểu “siêu” quảng cáo, đưa mức giảm giá lên tới 50- 70%.


“Sốc” nhưng không có thật!

Tìm trên Google với cụm từ “hàng giảm giá 50-70%”, chúng tôi nhận được tới 7.510.000 kết quả chỉ trong 13 giây. Trong đó, chủ yếu là giảm giá các mặt hàng thời trang như giày dép, quần áo, làm đẹp, tour du lịch, đồ điện gia dụng… với mức giảm giá cực sốc từ 50- 70%. Những mẩu quảng cáo khiến nhiều người “giật mình” như “KB giảm giá 50-70% cho sinh nhật vàng”, “Đầm bầu Bumps giảm giá 50 - 70%”; “Xả hàng giảm giá 50-70%, trả tiền mua 1 được 3 áo sơ mi” trên trang enbac.vn chẳng hạn. Khi chúng tôi thực tế kiểm tra thì đó là những chiếc áo sơ mi hè chất liệu rẻ nhưng được đẩy giá gốc lên tới 350.000 - 420.000 đồng/chiếc rồi bây giờ giảm “bán đồng giá” 120.000 đồng/chiếc.

Chúng tôi cũng tìm đến một khách hàng là chị Hà Thị Anh, trú tại phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội từng mua sản phẩm áo sơ mi này qua mạng thì được biết: “Thấy trên mạng đề hàng hiệu giảm giá, trả tiền mua một được ba. Tôi cứ nghĩ loại hàng hiệu này muốn thu hồi vốn nên bán giá “sốc”. Không ngờ khi đặt mua hàng rồi mới thấy những chiếc áo này ngoài chợ gần nhà chỉ có giá 80.000- 90.000 đồng/chiếc. Còn nữa, không phải mua 1 chiếc là được tặng thêm 2 chiếc như lời quảng cáo”.

Mục sở thị tại các tuyến phố như Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Cầu Giấy… người đi đường có thể thấy hàng loạt những cửa hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm đề biển khá sốc như “Một giá 49 – 99k/chiếc”. Nhiều quầy mỹ phẩm trên phố Cầu Giấy, Kim Mã cũng đề biển “giảm 50% cho tất cả các sản phẩm” hay “Thời trang nam 100k/chiếc”… Tuy nhiên khi ghé vào những gian hàng này chúng tôi hoàn toàn thất vọng.

Rất nhiều những quảng cáo với mức giảm giá cực sốc được rao trên mạng Internet.

Vào quầy mỹ phẩm trên phố Cầu Giấy với biển giảm giá 50% tất cả các sản phẩm, chúng tôi quan sát khắp gian hàng, nhân viên bán hàng ở đây tỏ ra không hài lòng hỏi: “Chị muốn mua gì?”. Khi chúng tôi hỏi “Tất cả các sản phẩm ở đây đều giảm 50% hả em?” thì được trả lời ngay: “Chỉ một số sản phẩm trên mặt bàn thôi”. Nhìn trên mặt bàn toàn các loại mỹ phẩm rẻ tiền, có lỗi như bong tróc vỏ, trầy hộp, chúng tôi góp ý: “Lẽ ra cửa hàng phải đề biển là giảm 50% sản phẩm bị lỗi chứ không phải cho tất cả sản phẩm” thì cô bán hàng trừng mắt “Em chỉ là người bán thuê, chị không mua còn vặn vẹo gì?”.

Trong vai khách hàng, chúng tôi vào một cửa hàng có biển: “100k/sản phẩm” trên phố Chùa Bộc. Quần áo mùa đông ở đây khá đa dạng song khi chúng tôi cầm chiếc áo khoác len ưng ý, nhân viên bán hàng nhanh miệng nói: “Áo đấy 350.000 đồng chị ạ”. “Sao nhà em đề biển 100k/sản phẩm?”. “100.000 đồng là hàng phía ngoài chị ạ”. Những sản phẩm có giá 100.000 đồng được chỉ đều là hàng lỗi hoặc hàng tồn đã quá cũ. Việc treo biển “một giá” ở đây chỉ là “chiêu câu khách” vào cửa hàng, còn quần áo thì có rất nhiều giá khác nhau và không rẻ hơn so với các cửa hàng quần áo khác.

Thận trọng với sự phi lý

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường hàng tiêu dùng có nhiều cách thu hút khách hàng. Trong đó, khuyến mại vẫn là "chiêu" hiệu quả nhất bởi đánh trúng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Hiện tại, người tiêu dùng đang bị mắc những cái bẫy như: Chủ cửa hàng đẩy giá lên rất cao để bù lại khoản được đặt tên là khuyến mại; Khuyến mại thông qua tặng phẩm cũng bằng cách đội giá lên cao cho bằng giá sản phẩm được tặng kèm.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Hà Nội đang triển khai tháng khuyến mại nên hiện tượng “ăn theo” lừa đảo núp dưới hai từ khuyến mại càng tăng. Trong đó, việc đưa ra những chương trình giá cực sốc là rất phổ biến. Không chỉ các cửa hàng ngoài thị trường mà ngay cả siêu thị cũng ăn theo Tháng khuyến mại bằng cách nhái ngày Vàng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Ban Tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội 2012 mới phát hiện siêu thị điện máy MediaMart “nhái” điểm Vàng Tháng khuyến mại, nghiễm nhiên trưng quảng cáo hình ngôi sao logo điểm Vàng khuyến mại mà không được sự chấp thuận của Sở Công Thương”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đồng, các doanh nghiệp sản xuất khi đưa ra giá thành đều xây dựng rất chặt chẽ thông qua việc tính chi phí nguyên liệu, nhân công, khấu hao máy móc, thiết bị. Vì vậy, nếu có chương trình giảm giá, khuyến mại chỉ có thể giảm ở mức 3-5% chứ không giảm được nhiều.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, vào thời điểm thị trường đang trầm lắng, sức mua giảm sút thì việc đưa ra các chương trình khuyến mại là điều cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế đã có quá nhiều siêu quảng cáo đến phi lý.

Dân gian có câu “Của rẻ là của ôi”! Bất cứ sản phẩm gì cũng phải có những chi phí nhất định để cấu thành nên sản phẩm chất lượng. Vì vậy, người tiêu dùng không nên ham rẻ mất cảnh giác để bị mắc vào bẫy lừa tiền của người bán hàng.

(Theo  GiadinhNet)