Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc… Tham gia vào khu vực mậu dịch tự do (FTA), chúng ta muốn tạo ra đột phá trong việc mở rộng thị trường và hội nhập thương mại toàn cầu nhưng đằng sau đó luôn là những thách thức. 

Cơ hội mở

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực, hơn 95% mặt hàng các mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu (NK) được giảm thuế dần tới 0% tại thị trường này. Với Hàn Quốc trên 90% hàng XK của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi về thuế thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc. Với các đối tác khác cũng đã và sẽ tương tự. Đúng là cơ hội không thể tốt hơn cho XK của Việt Nam

Các Hiệp định thương mại tự do còn giúp ổn định nguồn và hạ giá đầu vào hàng NK. Do NK của Việt Nam thường xuyên chiếm khoảng 80% GDP nên việc ổn định và hạ giá nguyên nhiên vật liệu NK có ý nghĩa quan trọng đến việc ổn định, duy trì tăng trưởng việc sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam

Các thoả thuận tự do hoá thương mại còn tác động tới việc thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư từ khắp các Châu lục, khi xem xét đầu tư vào Viẹt Nam đều coi khu vực thương mại tự do mà Việt Nam tham gia là lợi thế lớn để mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ tận dụng dược những thuận lợi đó, đã thúc đẩy tăng thị phần hàng Việt Nam với các đối tác trong ASEAN và các đối tác ASEAN + nói trên, mức tăng của kim ngạch XK vào của Việt Nam vào các thị trường này thường tăng cao hơn mức tăng của xuát khẩu chung.

Tựu chung, góp phần vào thành công của xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 tăng tới 34.2% so với năm 2010. 10 tháng đầu năm 2012 dù gặp nhiều khó khăn hơn, xuất khẩu của cả nước tăng 18,4% so với cùng kỳ 2011. 

Nhưng năng lực hạn chế

Nhưng đáng tiếc là hiệu quả từ lợi thế đó không nhiều bởi vóc dáng và sức khoẻ của XK Việt Nam quá khiêm tốn.
Hàng công nghiệp mà Nhật Bản NK từ Việt Nam chủ yếu là hàng gia công điển hình là gia công sản phẩm phần mền trong đó tỷ trọng nguyên phụ liệu NK khoảng 80%.

Với Hàng may mặc của Việt Nam, Nhật Bản không phải là thị trường chính. Nhật Bản cũng NK hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng từ Việt Nam nhưng xem cung cách họ đến từng cơ sở chọn hàng từ mẫu mã đến kiểm tra chất liệu, quy trình...thì thấy cơ hội đâu có ngon ăn. Nông, thuỷ sản của Việt Nam "hoàn cảnh hơn" vì chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm luôn lình xình, bị kiểm tra ngặt nghèo, trong đó con tôm luôn được “săn sóc”, dẫn tới hiệu quả tận dụng lợi thế thực sự càng thấp.

Việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ phía Hàn Quốc nói trên cũng tương tự. Các doanh nghiệp Việt Nam XK sang các nước đều ngán ngẩm về hàng rào kỹ thuật. Nông thuỷ sản bị kiểm tra ngặt nghèo đã đành, đồ gỗ bị săm soi về nguồn rừng. Kim ngạch XK của cả nước của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản XK không nhiều, tăng không nhanh, tỷ trọng teo tóp dần.

Theo Chiến lược XNK thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản từ 21,2% năm 2010 xuống còn 13,5% vào năm 2020. Tựu chung, hiệu quả tận dụng cơ hội XK do hiệp định thương mại tự do mang lại với nông lâm thuỷ sản có nhưng không bõ bèn gì.

Việt Nam XK sang các nước nói trên dầu thô, than đá, các loại quặng, khoáng sản, cao su nguyên liệu... Đó chính là những thứ "khoái khẩu" của các đối tác. Họ NK dầu thô để bán xăng dầu cho ta. Indonexia mua than Việt Nam rồi chính ta đã sang đó NK. Nghe nói Trung Quốc mua than của ta về đắp chiếu để dành. Họ mua cao su nguyên liệu để bán lại săm lốp và nhiều chế phẩm từ cao su. Từ các loại quặng khoáng sản của Việt Nam họ sẽ tinh luyện thành hàng kim khí có giá, kẻ cả gươm, đao, giáo, mác giả cổ tuồn lậu vào nước ta...

Với thế mạnh XK hàng thủ công mỹ nghệ, dệt - may, da giày thì những chủng loại này của các nước đó khá tinh sảo, họ đang muốn đưa vào Việt Nam và đã đưa vào được không ít. Hàng cơ khí XK vào Cămpuchia là những nông cụ thuộc kỹ thuật quá khứ ...Thành thử dù có hay không Hiệp định thương mại tự do, đối với hàng XK của Việt Nam không thêm cơ hội, thậm trí giảm dần XK các loại nguyên liệu thô sẽ là điều tốt.

Các nhà đầu tư của các nước nói trên đứng trong TOP có mặt sớm, lanh lợi ở Việt Nam. Điều kiện sản xuất, năng lực kinh doanh của khối đầu tư nước ngoài đã, đang, sẽ vượt trội doanh nghiệp của ta. Gần đây, cửa được mở toang, họ chẳng ngần ngại mang luôn sản phẩm hoàn chỉnh vào, bán nhanh, thu lợi sớm.

Chưa có Hiệp định thương mại tự do, thị trường Việt Nam đã ngập tràn hàng hoá, thiết bị, dịch vụ của họ, nay có Hiệp định này khác nào "tháo cống".


Thuận nghịch do chính mình?

Lẽ thường là thoả thuận ắt "dễ người dễ ta - khó người khó ta". Nhưng cái dễ ta ít tận dụng được, họ tranh thủ được nhiều. Cái khó, họ khoác vào ta, ta chịu khoác, ngược lại để gây khó cho họ thì ta “bó tay chấm com”.

Việt Nam có Hội đồng cạnh tranh quốc gia với cơ quan thường trực đặt tại Bộ Công Thương; có Văn phòng Thông báo và hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TBT) - Cơ quan đầu mối đại diện Việt Nam tham gia đám phán quốc tế liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Tổng Cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Các Cửa khẩu, đường biên trùng điệp dày đặc mạng lưới lực lượng lien ngành chức năng ....Nhưng kết quả hoạt động chưa như mong đợi.

Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, với Hàn Quốc. Nghĩa là, Việt Nam sẽ phải “so găng” trên sàn đấu “xuyên Thái Bình Dương”; EU sẽ không hạ thấp hàng rào với hàng XK của Việt Nam; Hàn Quốc là địa chỉ mà Việt Nam nhập siêu lớn thứ 2 sau Trung Quốc.

Thương mại tự do có tính hai mặt, nhưng mặt khó khăn sẽ nghiêng về ta. Suy rộng, đó cũng là tình thế tất yếu của kinh tế Việt Nam khi không thể đứng ngoài trong cuộc chơi toàn cầu./.

Nguyễn Duy Nghĩa