Làn sóng thanh lọc công ty chứng khoán (CTCK) có thể sẽ mạnh và nhanh hơn bao giờ hết, bắt đầu từ tháng này.

Trường hợp đầu tiên “dính” Thông tư 165

Chỉ 3 ngày sau khi Thông tư 165 có hiệu lực, thị trường chứng khoán (TTCK) đã chứng kiến thêm một CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và có lẽ sẽ sớm rời khỏi thị trường.

Ngày 4/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Quyết định số 1058/QĐ-UBCK về việc đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán SME vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời gian kiểm soát đặc biệt từ ngày 4/12/2012 đến 4/4/2013.

Đây là CTCK đầu tiên bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, áp dụng theo quy định mới tại Thông tư 165/2012/TT-BTC (có hiệu lực 1/12/2012).

Nếu như trước đây CTCK chỉ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nếu không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính thì, theo các quy định tại Thông tư 165, có thêm hai trường hợp thuộc diện kiểm soát đặc biệt là: Không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong hai kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán hoặc báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến hoặc không thể đưa ra ý kiến.

Trên thực tế, trong thời gian qua, rất nhiều CTCK trong đó có SME đã không bị áp dụng kiểm soát đặc biệt do không nộp báo cáo (mà chủ yếu là các đơn vị có tình hình kinh doanh bê bết), không công bố thông tin nên cơ quan quản lý không có căn cứ.

Số lượng CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trong suốt cả năm vừa qua chỉ vỏn vẹn có 7 đơn vị (gồm Tràng An - TAS; Sài Gòn Thương tín - SBS; Thương mại và Công nghiệp VN - VIG; Caosu - RUBSE; Mê Kông, Trường Sơn và Hà Nội -HSSC. Trong đó, 3 CTCK là HSSC, RUBSE và Trường Sơn gần đây đã bị đình chỉ do không khắc phục được hoạt động để thoát ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt).


Con số bị kiểm soát đặc biệt nói trên thật ít ỏi khi mà đa số các công ty thua lỗ trong các quý gần đây, trong đó nhiều công ty lỗ nhiều năm liên tục, nợ nần chất đống, không có lối thoát và gần như không còn hoạt động.

Việc SME bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, và một loạt gương mặt khác nữa có thể rơi vào tình trạng này trong thời gian tới đây sẽ không là điều ngạc nhiên với nhiều nhà đầu tư.

Bên cạnh quy định chặt chẽ hơn, Thông tư 165 cũng quy định thời gian kiểm soát đặc biệt còn 4 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây. Trường hợp sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp đạt mức 50% vốn điều lệ trở lên thì CTCK sẽ bị cơ quan quản lý đình chỉ hoạt động.

Công ty chết, ai trả nợ?

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong tổng số hơn 100 CTCK công bố báo cáo quý III/2012 có tới hơn một nửa báo cáo lỗ, một số chưa báo cáo. Nhiều đơn vị thua lỗ 4-5 năm liên tiếp, rất nhiều CTCK đang ở tình trạng lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ (và khó huy động tăng thêm vốn), thậm chí có nguy cơ mất hết vốn hoặc đang ôm những khoản phải thu lên tới vài nghìn tỷ đồng trong khi chưa có trích lập dự phòng.

Theo quy định tại Thông tư 165, các CTCK bị kiểm soát đặc biệt không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt, có lỗ lũy kế đạt 50% vốn điều lệ trở lên sẽ có thể bị đình chỉ hay tạm ngừng hoạt động.

Nếu chiếu theo các quy định này, nhiều khả năng sẽ có tới gần trăm công ty bị xóa sổ (trong tổng cộng 105 CTCK đã được cấp phép hoạt đông) nếu TTCK không có dấu hiệu cải thiện.

Và Thông tư 165 được coi là cửa ải khó qua của rất nhiều CTCK đang sống vật vờ.

Nhiều phát biểu gần đây của các lãnh đạo, chuyên gia cho thấy các cơ quan chức năng đang nỗ lực cắt giảm tới 70% số CTCK hiện tại. Theo đó, số lượng 105 CTCK như hiện nay là quá nhiều, trong đó rất nhiều CTCK có năng lực tài chính kém, khả năng làm bậy có thể xảy ra.

Hướng tái cấu trúc, rút gọn số lượng các CTCK. Theo đó, các thị trường này cũng đã từng trải qua những đợt cắt gọt, giảm 4-5, thậm chí vài chục lần về số lượng CTCK so với trước tái cấu trúc.

Thậm chí, gần đây, đại diện UBCK cho hay, thời hạn kiểm soát đặc biệt các công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn vốn thấp sẽ có thể rút ngắn hơn nữa. Thông tư mới (165) đã giảm từ 6 tháng xuống còn 4 tháng, nhưng có thể sau này sẽ rút xuống 1 tháng hoặc thậm chí 10 ngày.

Việc đưa các CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt được cho là sẽ giúp các CTCK tập trung xử lý vấn đề như nợ, chuyển đổi khách hàng… và giúp thúc đẩy quá trình tái cấu trúc TTCK.

Trên thực tế, rất nhiều CTCK đã chuẩn bị cho quá trình tái cấu trúc này. Nhiều doanh nghiệp đã liên tục thu gọn hoạt động, đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, thậm chí rút nghiệp vụ môi giới.

Việc tăng thêm các trường hợp phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, rút ngắn thời gian kiểm soát đặc biệt, tính tới chuyện định chỉ và sau đó là xem xét rút giấy phép đã được các cơ quan chức năng tính toán và bàn thảo khá lâu. Mặc dù vậy, dường như chưa có phương án cho trường hợp TTCK còn ảm đạm dài, khiến số lượng CTCK còn đáp ứng và trụ trên thị trường còn quá ít so với thực tế.

Bên cạnh đó, trình tự và thủ tục rút khỏi thị trường sẽ như thế nào đối với một số CTCK hiện đang mang trên mình những khối nợ xấu khổng lồ. Việc rút giấy phép có lẽ chỉ thực hiện được với những đối tượng không còn nợ đọng, còn đối với những con nợ giống như SME (nợ phải trả gần 600 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu), STSC (phải thu còn tồn tại lên tới gần 2.600 tỷ đồng)… thì sẽ được xử lý ra sao?

Mạnh Hà